Tết của người già

(PLVN) - Ông mang mấy con cá chép cúng ông Táo xong ra suối thả rồi ngồi trầm lặng nhìn dòng nước chảy. Thế là một cái Tết nữa vắng con, vắng cháu. 
Thế là một cái Tết nữa vắng con, vắng cháu. Ảnh minh họa.
Thế là một cái Tết nữa vắng con, vắng cháu. Ảnh minh họa.

Vợ chồng thằng con lớn ở TP. Hồ Chí Minh vừa gọi cho ông báo tin do dịch nên không về được dù đã mua vé máy bay. Ông bảo thôi ở đâu thì ở yên ở đó cho nó lành nhưng trong dạ thì buồn hiu hắt. Vợ chồng nó cứ cách một năm lại về đón Tết một lần, năm ngoái đã không về, năm nay lại không thể về được.

Ông công tác ở thành phố, lúc hưu thì về quê ở luôn. Ông bảo với mọi người là ở quê cho yên tĩnh, không khí trong lành, hợp với người già, song, cái không nói ra là ông muốn coi sóc mộ phần cha mẹ, muốn sống trong ngôi nhà ông bà mà hương khói tổ tiên.

Ông muốn truyền tình cảm đối với quê hương, ông bà, tổ tiên ấy cho con cháu như một đạo lý gia phong. Và, không có thời điểm nào tốt hơn là dịp Tết, giao thừa với ông là thời khắc thiêng liêng để tưởng nhớ đến bậc sinh thành đã khuất. Ông khăn áo chỉnh tề, nghiêm cẩn đứng chắp tay khấn vái trước bàn thờ gia tiên, sau đó cả nhà mới ngồi với nhau, chúc năm mới tốt lành, mừng tuổi cho các cháu...

Ông lặng nhớ Tết năm xưa, ông dẫn các cháu ra thắp hương phần mộ ông bà, "mời các cụ về ăn Tết". Ông quỳ trước mộ cha, đốt điếu thuốc cắm lên mộ mà nước mắt ứa ra, ông không chỉ nhớ cha mình mà lòng già ân hận bởi những việc mình có thể làm khi cha còn sống để cụ vui lòng mà không làm.

Đứa cháu gái bé bỏng đứng cạnh thấy thế đưa tay lên ngực ông, ngây thơ bảo: "Ông đừng lo, sau này ra thắp hương cho ông, cháu sẽ nhớ mua thuốc lá cho ông!". Con bé giờ đã lớn rồi và Tết này ông không được gặp nó, tự nhiên nước mắt lại trào ra.

Về đến nhà, ông thấy bà đang gọi điện thoại giục con gái đưa các cháu về sớm vì chúng đã được nghỉ học tránh dịch. "Vợ chồng thằng cả vừa báo tin là không về được rồi. Mà không hiểu tại sao chúng lại đặt ra cái lệ là 2 năm mới về tết 1 lần chứ" - ông buồn bã:. Bà cắt lời: "Tôi bảo chúng nó thế, về tốn kém lắm!".

Ông trợn mắt: "Bà bảo chúng thế à?". "Ừ, ông nhớ cháu thì vào chơi với chúng, cứ gì cứ phải về tết!". Ông nghẹn ngào, thì ra bà cũng không coi trọng ý nghĩa của ngày Tết sum họp, nó khác hẳn với ngày hè, ngày phép con cháu về. Ông cứ tưởng vợ chồng nó đặt ra cái lệ đó nên không can thiệp, nhưng giờ biết là bà bảo chúng nó thế và chúng nghe theo nên ông rất giận.

Chờ cơn giận nguôi đi, ông gọi cho thằng con trai, dặn dò nó những việc phải làm trong bữa tất niên chiều 30 Tết, đêm trừ tịch và đón giao thừa. Ông dặn con trai: "Ai nói gì thì nói nhưng nên trọng cái Tết sum họp gia đình. Tết nào cũng nên đưa các cháu về với ông bà, bỏ cái lệ cách một tết rồi mới về đi". Ông buông máy, thẫn thờ nghĩ, rồi đến khi chúng về quê chỉ còn ngôi nhà trống, chúng sẽ tiếc nuối rằng, sao khi bố mẹ còn tại đường, mình lại không về Tết?    

Đọc thêm