Thái Bình đẩy nhanh xây dựng đường bộ ven biển kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh

(PLVN) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Thái Bình trong năm 2019 chính là tập trung, huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển. Đến nay, hình hài về một tuyến đường được mong đợi nhất trong những năm qua đã dần hiện hữu...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút động thổ xây dựng đường bộ ven biển Thái Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút động thổ xây dựng đường bộ ven biển Thái Bình.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 348/QĐ-TTg, có chiều dài 34,42km, trong đó điểm đầu tại km9+76 đấu nối với điểm cuối dự án tuyến đường ven biển thành phố Hải Phòng và 9km thuộc địa phận tỉnh Thái Bình, điểm cuối tại km43+577 đấu nối với điểm đầu dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc đạt 80km/h. Để thực hiện dự án, về mặt bằng sẽ phải giải phóng, thu hồi đất của 6 xã thuộc huyện Thái Thụy, 13 xã thuộc huyện Tiền Hải và 1 xã thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ động thổ
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ động thổ

Ngày 14/2/2019, tại xã Thái Hòa (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã chính thức diễn ra lễ động thổ khởi công xây dựng dự án này. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công trình đường bộ ven biển Thái Bình đóng vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cho không chỉ tỉnh Thái Bình mà còn cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh tuyến đường giúp Thái Bình kết nối với tam giác phát triển là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, công trình còn giúp Thái Bình kết nối với dự án cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cửa ngõ giúp lưu thông hàng hóa ra nước ngoài. Từ Thái Bình có thể dễ dàng kết nối các tỉnh Nam Định và Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…

"Tôi mong muốn chủ đầu tư sẽ thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng. Những người dân nhường đất cho dự án phải được hưởng lợi từ chính dự án này", Thủ tướng nói.

hà thầu đang thi công tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đoạn qua huyện Thái Thụy
 hà thầu đang thi công tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đoạn qua huyện Thái Thụy

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ quyết tâm của tỉnh: “Đây là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Thái Bình bởi khi dự án được hoàn thành đi vào sử dụng sẽ góp phần tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ; tạo điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Thái Bình, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống bão, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực ven biển; phát huy tối đa điều kiện tự nhiên, lợi thế của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho nhà đầu tư theo đúng cam kết; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án; đôn đốc, giám sát nhà đầu tư trong quá trình thi công, quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình; báo cáo với tỉnh để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với nhà đầu tư và các đơn vị thi công, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật; đồng thời tăng cường bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và an ninh trật tự trong quá trình thi công nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của công trình đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng dự án”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, BQLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã thường xuyên phối hợp với huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải và các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo đúng kế hoạch.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đoạn qua huyện Thái Thụy. Ảnh: Báo Thái Bình
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình đoạn qua huyện Thái Thụy. Ảnh: Báo Thái Bình 

Tổng diện tích đất nông nghiệp phải giải phóng trên địa bàn huyện Thái Thụy là 31,43ha của 759 hộ dân; diện tích đất ở là 1,99ha của 141 hộ dân; đất tái định cư gồm 5 điểm, trong đó 3 điểm của xã Thụy Hà, 1 điểm của xã Thái Thượng và 1 điểm của xã Thái Nguyên. Đối với diện tích đất nông nghiệp, đến nay huyện Thái Thụy đã phê duyệt phương án và chi trả tiền cho 591/759 hộ, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư 16,5/31,43ha (đạt 53%), 9 hộ của xã Thụy Hà đã phê duyệt phương án và đang chi trả tiền cho các hộ dân.

Tổng diện tích đất nông nghiệp phải giải phóng trên địa bàn huyện Tiền Hải là 63,38ha của 979 hộ dân; diện tích đất ở là 1,96ha của 95 hộ dân; đất tái định cư gồm 4 điểm tại các xã Đông Minh, Nam Cường, Nam Hưng và Nam Thắng. Về diện tích đất nông nghiệp, đến nay huyện Tiền Hải đã phê duyệt phương án 885/979 hộ, đã chi trả tiền cho 881 hộ (còn 4 hộ đi làm ăn xa chưa nhận tiền), bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 49/63,38ha (đạt 77,4%).

Đọc thêm