Thăm “cụ” đa 300 tuổi ở Hòa Bình

(PLVN) - Từ quốc lộ 12B, vượt qua cánh đồng lúa chín, cây đa cổ thụ xóm Bào sừng sững giữa đất trời. Cây đa là địa điểm nổi tiếng của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Với niên đại hơn 300 tuổi, là chứng tích cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Mường Hòa Bình, biểu tượng cho 1 thời oai hùng của lịch sử, cây đa xóm Bào đã được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Cây cao 36m, chu vi thân chính 21,4m, cây có tán lá vươn rộng tới 60m. Cây đứng tán trải rộng vươn ra 4 hướng sừng sững một vùng trời. Các cành lá có tất cả 17 rễ phụ cắm xuống đất vững chắc, tách thành những cây riêng chống đỡ 12 nhánh vươn xa. Bóng cây cao lớn, 4 mùa xanh tươi, bao trùm khoảng không gian rộng của Ủy ban nhân dân xã Thanh Hối đồng thời là nơi trú ngụ của nhiều loài chim.

Cây đa ở Mường Bào, Tân Lạc, Hòa Bình
Cây đa ở Mường Bào, Tân Lạc, Hòa Bình

Linh hồn, biểu tượng của người Mường

Theo các bậc cao niên trong làng truyền lại thì cây đa là nơi rất linh thiêng, tính đến nay đã hơn 300 tuổi (từ thời nhà Lê ở thế kỉ XVII). Trong đời sống tín ngưỡng của người Mường Hòa Bình cây đa không những đại diện cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai mà còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người. Cây đa không chỉ đi vào lời ca tiếng hát trong đời sống thường nhật mà còn xuất hiện trong bài Mo (sử thi 14 đêm “Đẻ đất đẻ nước”) – một bài mo rất nổi tiếng của dân tộc Mường. Trong chương “Mo quẩy lìa”, người mới mất sẽ tập trung ở gốc cây đa để đời Nam tào, Bắc đẩu đưa lên trời làm con dân thượng đế. 

Cây đa cổ kính uy nghi trước đất trời bao la còn là biểu tượng cho sức bao bọc lớn, nâng đỡ che chở mang lại bình an, ấm no cho dân làng. Chính vì vậy theo tục làng, hàng năm cứ đến ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch (tức ngày mùng 7 theo cách tính ngày lui tháng tới của người Mường), dân làng sẽ tổ chức lễ Khuống mùa (lễ mùa mới). Vào ngày này, tất cả bà con dân làng sẽ sắm sửa những mâm cỗ lợn, gà mang tới chùa Tam (nơi thờ thần Mặt trăng - người đã có công mang theo cây cối gieo trồng ở nhân gian) để cúng lễ cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. 

Sau khi thực hiện nghi lễ cúng tế, dân làng sẽ cùng nhau trở về gốc đa, cùng tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, bắn nỏ, đánh mảng,.. cùng nhau ca hát. Khi màn đêm buông xuống, phường cồng chiêng sẽ đánh bài cồng chiêng “Ti tàng” (Đi đường), tất cả mọi người sẽ cùng nhau đi đến từng nhà hát chúc mừng năm mới, cầu chúc cho gia đình nhiều sức khỏe, đời sống no đủ, kinh tế dư thừa. Họ gửi tặng nhau những bát gạo, chai rượu, bánh chưng làm quà đầu xuân. Phong tục này vẫn được lưu truyền và gìn giữ đến tận ngày nay.

Không chỉ là nơi lưu giữ những nét văn hóa tâm linh đặc sắc, cây đa là chứng tích cho một lịch sử hào hùng của người dân bản địa trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Giai đoạn 1968-1973, tán đa là nơi che chở cho cả một đơn vị tên lửa và pháo phòng không bảo vệ bầu trời miền Bắc. Cây đa nằm trên trục đường quan trọng nối liền với tổng kho 05 nơi cất giữ vũ khí phục vụ chiến trường ba nước Đông Dương đồng thời là lá chắn vòng ngoài phía tây Thủ đô Hà Nội. 

Năm 1962, tại khu vực cây đa Mường Bào, dân quân du kích địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác đã truy lùng và bắt được tên biệt kích ẩn nấp tại cây đa nhằm hoạt động tình báo cho phía địch. 

Trong suốt những năm tháng mưa bom bão đạn, cây đa đã trở thành lá chắn để quân và dân địa phương đánh giặc, giữa khói lửa hung tàn, thân cây cũng bị bom đạn tàn phá. Nhưng sau tất cả, màu xanh của sức sống trường tồn vẫn hiên ngang đứng vững. Trước những biến thiên của lịch sử, những đổi thay của quê hương, gốc đa cổ thụ vẫn xanh tươi, trở thành biểu tượng, linh hồn của người dân nơi đây.

Cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2013
Cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2013

Không chỉ là ký ức rực rỡ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Bào, ông Bùi Văn Mong nay đã bước sang tuổi 84, từng ấy thời gian gắn bó với mảnh đất con người và bóng đa già. Cây đa đã đi vào miền ký ức rực rỡ của ông từ ngày tấm bé được bế ẵm, đến khi bước sang tuổi xế chiều. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, cho đến bây giờ ông vẫn dành cho cây đa ấy một thứ tình cảm bền chặt. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông bộc bạch, thuở niên thiếu của ông đã được nghe ông nội và cha kể về những câu chuyện kỳ bí, linh thiêng về cây đa, được nghe những dòng lịch sử hào hùng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Cây đa không chỉ đơn thuần là một cây xanh cao lớn, nó còn là niềm tự hào của người dân Mường Bào. 

Những tấm hình, những trang báo viết về cây đa vẫn được ông giữ gìn cẩn trọng. Ông kể: “Trước đây, cây đa nằm dọc trên tuyến quốc lộ 12 cũ, người xưa kể rằng ở đâu có cây đa ở đó có đường, nó trở thành dấu hiệu cho dân ta phục vụ kháng chiến. Không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, cây đa còn mang nhiều giá trị lịch sử, chính vì vậy người dân địa phương hay du khách gần xa đều rất trân trọng và luôn có ý thức giữ gìn, bảo tồn cây đa cổ”.

Ông Mong chia sẻ những kỷ niệm về cây đa xóm Bào
Ông Mong chia sẻ những kỷ niệm về cây đa xóm Bào 

Ông Bùi Văn Cừ - cán bộ văn hóa xã Thanh Hối chia sẻ, từ bao đời nay, bao lớp người nối tiếp nhau truyền lại những câu chuyện xung quanh cây đa, tuy rằng chỉ là truyền miệng nhưng người dân vẫn nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ gìn vả bảo vệ những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử của bản làng. Những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Mường xứ Tây Bắc vẫn được lưu truyền và thực hiện đến tận ngày nay. Cây đa nằm trong khuôn viên của Ủy ban nhân dân xã nên luôn được chăm sóc, bảo vệ rất cẩn trọng. Các nhánh cây phát triển sau khi đâm sâu xuống đất đều được xây bồn khang trang nhằm bảo vệ cây trước những tác động từ thời tiết, đồng thời giúp khuôn viên  Ủy ban thêm khang trang hơn. 

Ông Cừ cho biết, tháng 5, năm 2013, Ủy ban nhân dân xã Thanh Hối đã gửi hồ sơ đề nghị xét duyệt cây di sản lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE). Sau thời gian chờ đợi xét duyệt, cũng trong năm 2013, cây đa xóm Bào đã chính thức được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Chia sẻ về hướng phát triển và bảo tồn cây đa xóm Bào trong thời gian tới, ông khẳng định: “Xã Thanh Hối muốn đẩy mạnh công tác du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh về mảnh đất con người, văn hóa của Mường Bào tới đông đảo khách tham quan du lịch, đưa những tinh hoa văn hóa của xứ mường đến gần hơn với mọi người, từ đó tiếp tục để gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau. Cây đa sẽ là nơi thu hút những du khách ưa khám phá, tìm hiểu về văn hóa vùng miền, đó sẽ là cơ hội để thúc đẩy du lịch phát triển, thay đổi diện mạo quê hương”. 

Song hành với việc quảng bá văn hóa, du lịch, việc bảo tồn, chăm sóc cây đa cổ cũng được chú trọng. Theo ông Cừ, mọi người dân luôn nâng cao tinh thần gìn giữ, bảo vệ để cây đa có điều kiện phát triển tốt, không bị những tác động xấu từ con người hay những ảnh hưởng cực đoan từ thời tiết. Nhân dân xóm Bào trân trọng và mong muốn cây đa sẽ mãi xanh tươi.

Cây đa, mái nhà sàn, nhịp cồng chiêng từ bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người dân bản Mường, nó hội tụ tất cả niềm tin, tình yêu, khát vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Chỉ mong mai đây, trước những đổi thay của cuộc sống, những giá trị tinh thần tốt đẹp ấy vẫn sẽ được gìn giữ, lưu truyền để sống mãi với thời gian…

Đọc thêm