Thẩm định Quy hoạch địa phương đầu tiên theo Luật Quy hoạch

(PLVN) -Ngày 22/3/2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 708/QĐ-BKHĐT ngày 11/5/2020 - đã chủ trì họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng  chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp

Đây là buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh đầu tiên trong cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch.

Việc lập quy hoạch thời kỳ này tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, nhất là phải đòi hỏi tính linh hoạt, chặt chẽ cao. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch cả nước, cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng nhưng các quy hoach này lại chưa được làm, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép làm đồng thời các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp “đúng dần”; đồng thời, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt thì quy hoạch cấp dưới khi có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên. Thời kỳ quy hoạch thống nhất với tất cả các địa phương là thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo các quy hoạch thống nhất với nhau.

Đối với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh có một số nhận xét bước đầu như sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các Sở, ban, ngành rất quan tâm đến công tác quy hoạch, đã chủ động làm rất sớm và quyết liệt. Các sở, ban ngành của Bắc Giang đã thực sự vào cuộc với vai trò chủ nhân. Là người hơn ai hết hiểu về tỉnh và quyết định những vấn đề của mình một cách chính xác nhất, chứ không phó mặc cho tư vấn để xây dựng bản quy hoạch một cách tốt nhất, khả thi nhất. Tiếp đó là tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các Bộ, ngành để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện bản quy hoạch trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định.

Thứ hai, Bắc Giang trong giai đoạn 2016-2020 đã có bước phát triển rất vượt bậc, GRDP bình quân cả giai đoạn đạt khoảng 14%, đây là một trong các tỉnh thuộc nhóm đầu cả nước. Năm 2020, mặc dù dịch bệnh covid diễn ra, theo đó nhiều tỉnh tăng trưởng âm nhưng Bắc Giang đạt tăng trưởng 13,6% là rất ấn tượng, nhờ sự chuyển dịch rất mạnh sang phát triển công nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo hướng tạo nhiều việc làm, tạo nhiều ngân sách, chuyển dịch theo hướng cạnh tranh. Hiện nay, Bắc Giang tiếp tục mong muốn đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới, với nhiều sự đổi mới đày khát vọng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thông qua, vì thế mà bản bản quy hoạch làm sao thể hiện được mục tiêu đó.

Thứ ba, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là phải thẩm định đầy đủ về trình tự, thủ tục và nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, cụ thể là: Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh do các sở, ngành, UBND cấp huyện được phân công thực hiện; (iv) Về sự phù hợp với nội dung quy hoạch tỉnh quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP. 

Tuy nhiên, nội dung quy hoạch tỉnh cần lưu ý về một số vấn đề sau: Sự phù hợp của các nội dung quy hoạch với quy định tại Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch, mức độ chi tiết, tích hợp nội dung đề xuất vào quy hoạch tỉnh; Việc phân vùng phát triển của tỉnh và cân đối phát triển giữa các ngành, lĩnh vực và bố trí không gian phát triển trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và khả thi; Phương pháp lập quy hoạch, đặc biệt là phương pháp tích hợp để lập các nội dung của quy hoạch và việc thu thập dữ liệu, phương pháp chồng lớp bản đồ với các mức độ chi tiết khác nhau.

Thứ tư, việc xác định vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng; Quan điểm và mục tiêu phát triển của tỉnh; những định hướng phát triển của từng ngành, từng tiểu khu vực trong tỉnh; nguồn lực và các dự án ưu tiên phát triển để có thể khai thác được hết các tiềm năng lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các điểm mạnh của Bắc Giang như vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cần phải xem xét từ các khía cạnh.

Đó là, chính trị, xã hội, kinh tế ổn định; thủ tục hành chính, thể chế, nguồn nhân lực cần phải cải thiện rõ nét; Có 14 hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội phát triển; Cuộc các mạng công nghiệp 4.0; Chuyển dịch, cấu trúc lại về thương mại, đầu tư toàn cầu hiện đang có sự chuyển dịch mạnh đầu tư về Việt Nam; Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng cần phải khai thác tốt nhất lợi thế này.

Cuối cùng, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cũng mong muốn rằng, trong ngày hôm nay, 23/3/2021, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tiếp tục thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh để cùng với Bắc Giang sẽ là 02 địa phương đi đầu trong cả nước về việc xây dựng bản quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh sẽ cân nhắc việc công tác thẩm định với các quy trình, thủ tục và nội dung của 02 bản quy hoạch này sẽ trở thành hình mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiếp theo trong cả nước xây dựng quy hoạch tỉnh một cách chất lượng nhất, đảm bảo tiến độ nhanh nhất để đáp ứng yêu cầu triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 hiệu quả.

Đọc thêm