Thiêng liêng cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

(PLVN) - Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên nóc kỳ đài, tung bay giữa bát ngát trời xanh Lũng Pô (huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai), soi bóng xuống dòng sông Mẹ mới đẹp đẽ, thiêng liêng và kiêu hãnh làm sao! 
Cột cờ Lũng Pô
Cột cờ Lũng Pô

Thật tự hào khi được đặt chân đến cột cờ Lũng Pô - cột mốc đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia, nơi in đậm những dấu mốc lịch sử hào hùng, nơi những người lính biên phòng A Mú Sung đã chiến đấu kiên cường và ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương…Để hôm nay dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa vẫn bình yên chảy vào đất Việt, bồi đắp cho những làng quê ngày một trù phú, gieo mầm và nuôi lớn các thế hệ người Việt không ngừng sáng tạo, ước mơ…

Đầu nguồn biên cương - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt...
 Đầu nguồn biên cương - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt...

Không giống những nơi tôi đã từng đến, Lũng Pô (huyện Bát Xát, Lào Cai) mang cho tôi cảm giác thật đặc biệt. Đứng trước dòng sông Mẹ, trong lòng không khỏi bồi hồi, bởi chính dòng nước cuộn phù sa này chảy miệt mài qua miền Việt Bắc, qua trung du rừng cọ đồi chè rồi mang phù sa bồi đắp lên châu thổ sông Hồng phì nhiêu màu mỡ. Trên ngã ba sông huyền thoại, cột cờ Lũng Pô - công trình của tuổi trẻ Lào Cai sừng sững, uy nghiêm dưới lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới khiến cho bất cứ ai đến đây không khỏi xúc động.

Cha tôi từng trong quân đội, ông đã trải qua cuộc chiến tranh biên giới, những ngày về thăm nhà, tôi vẫn thường được nghe kể về câu chuyện lịch sử, những trận chiến oanh liệt nơi biên ải, được cùng ông lắng nghe những ca từ tha thiết lay động tận tâm khảm nhiều thế hệ người Việt hôm nay và có lẽ cả mai sau: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…Ở trên anh mùa này con nước, lắng phù sa, in bóng đôi bờ... Em ở phương xa, nơi con sông Hồng chảy về với biển. Ở trên anh đầu nguồn con nước, cuối dòng sông, nơi ấy quê nhà..." 

Tôi tin rằng, dù chưa một lần được đặt chân đến thượng ngàn Lũng Pô, nhưng khi nghe ca khúc này ai cũng sẽ đắm chìm trong cảm xúc thiêng liêng như cha tôi và đồng đội đã từng đi qua cuộc chiến ác liệt để bảo vệ chủ quyền tuyến biên cương của đất nước.

Cột mốc biên giới 92 khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam
 Cột mốc biên giới 92 khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam

Leo hết 125 bậc thang mới lên đến đỉnh cột cờ Lũng Pô - giữa khoảng trời bao la, lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang, kiêu hãnh tung tay trong gió. Đứng ở vị trí này, phóng tầm mắt nhìn ra xa, cả một vùng bạt ngàn xanh mướt, khung cảnh ngã ba sông – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt đẹp như tranh, ở giữa điểm giao này, dòng suối Lũng Pô xanh mát uốn quanh “đầu rồng”, rồi xuôi dòng hợp thủy với Hồng Hà đỏ nặng phù sa.

Cột cờ Lũng Pô là biểu tượng của tuổi trẻ Lào Cai hôm nay với niềm tự hào dân tộc, với khát khao chinh phục, nối tiếp truyền thống cha anh. Đó là lý do tại sao cột cờ cao 31,43m, con số ấy tượng trưng cho đỉnh Fansipan có chiều cao 3.143m. Cột cờ thể hiện khát vọng vươn lên đỉnh vinh quang của tuổi trẻ “cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời” như lời bài hát của cố ca sỹ, nhạc sỹ Trần Lập đã viết. 

Lũng Pô đúng như “ngọn hải đăng trên sông” thắp sáng trọn miền biên ải. Công trình này vừa để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, vừa có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn, đây cũng là công trình của Tuổi trẻ Lào Cai chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI.

Lá cờ đỏ sao vàng được mang từ quần đảo Trường Sa treo trên cột cờ Lũng Pô - công trình của Tuổi trẻ Lào Cai
 Lá cờ đỏ sao vàng được mang từ quần đảo Trường Sa treo trên cột cờ Lũng Pô - công trình của Tuổi trẻ Lào Cai

Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô, lá cờ Tổ quốc diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở sinh sống ở Lào Cai. Thật đặc biệt, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước dòng sông Mẹ ấy còn mang theo hơi thở của biển Đông, của sóng gió từ đảo Trường Sa tiền tiêu Tổ quốc.

Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Giàng Quốc Hưng trong hành trình “Tuổi trẻ kết nối với biển đảo quê hương”, cùng với việc tặng cờ Tổ quốc cho Trường Sa thì đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn còn làm một việc hết sức ý nghĩa là mang theo lá cờ trên đỉnh Lũng Pô để xin dấu mộc và chữ ký của người chỉ huy đơn vị hải quân ở Trường Sa để lá cờ nơi địa đầu Lũng Pô có vị mặn mòi song gió Trường Sa thân yêu.

Thật tuyệt vời biết bao khi lá quốc kỳ mang vị mặn của biển, hơi thở của sóng vỗ, tinh thần thép của những người lính hải quân ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc lại đang tung bay phấp phới, hiên ngang nơi dòng chảy sông Hồng vào đất Việt.

Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người con đã hy sinh xương máu và công sức của bà con các dân tộc đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ vùng biên ải này. Tôi tin rằng, Lũng Pô sẽ có nhiều khách đến thăm hơn nữa để được cảm nhận vẻ đẹp, tấm lòng mến khách và khí phách anh hùng của đất và người nơi đây.

Đọc thêm