Tối giản lễ cưới, ma chay thời... Covid

(PLVN) - Thời dịch bệnh Covid, nhiều gia đình đã có ý thức thay đổi suy nghĩ và hành động một cách tích cực. Họ không làm đám cưới rùm beng, không tổ chức thượng thọ, giỗ chạp hàng chục mâm cỗ, đám tang cũng chỉ người thân gia đình truy điệu, tảo mộ bằng cách online…. Chính điều này đã góp phần không nhỏ phòng trừ và đẩy lùi sự lây lan dịch bệnh tới các gia đình và cộng đồng.
Nhiều chú rể đón cô dâu bằng xe máy giản dị nhưng đầy yêu thương.
Nhiều chú rể đón cô dâu bằng xe máy giản dị nhưng đầy yêu thương.

Đám cưới 3 mâm cỗ, đón dâu bằng xe máy

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang diễn ra, đông đảo người dân đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc hạn chế tối đa ra đường, tập trung đông người để công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, để hạn chế ra đường, di chuyển hay tụ tập đông người, hầu hết người dân đã thực hiện các công việc. Nhiều thông điệp nhằm nhắc nhở mọi người ý thức tránh dịch như: “Hãy ở yên khi Tổ quốc cần”, “Một người vì mọi người”, “Ở nhà là yêu nước”... được người dân hưởng ứng nhiệt liệt.

Rất nhiều đôi uyên ương ở khắp các tỉnh, thành đã hoãn đám cưới hoặc tổ chức đám cưới một cách giản dị nhất. Chị Quách Thị Thu Trang (30 tuổi, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã dùng nhiều cách khác nhau để thông báo cho gần 800 khách về việc hoãn tổ chức lễ cưới của mình vào giữa tháng 3.

Theo đó, chị Trang đã đăng tải lên mạng xã hội một thông tin xin hoãn đám cưới kèm lời xin lỗi. Lời thông báo ấy đã thu hút hàng trăm lượt share, like. Hàng trăm bình luận chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Đồng thời, nhiều người cũng có những bình luận khen ngợi hành động đẹp của cô dâu và chú rể.

Chị Thu Trang kể, cách đây nửa tháng, họ hàng của 2 bên đều ở ngoài miền Bắc đang trên xe vào dự đám cưới nhưng gia đình chị cũng đành gọi cáo lỗi và đề nghị mọi người bắt xe quay ngược về. Những người bạn của cô dâu, chú rể trong TP HCM sau khi nhận thông báo cũng hủy luôn chuyến xe về Kon Tum ăn cưới. Chị Quách Thị Thu Trang cho hay, mình sẽ tổ chức đám cưới sau khi hết dịch bệnh, như vậy, niềm vui sẽ được nhân đôi, nhân ba.

Lại có cặp đôi không hoãn cưới. Thay vì tổ chức lễ cưới hoành tráng, họ chỉ tổ chức 3 mâm cơm cúng tổ tiên và chia vui cùng bố mẹ, anh chị em đôi bên. Anh Hoàng Anh, 28 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) đã đặt 50 mâm cỗ, cọc tiền phông bạt tại Nhà hàng có tiếng ở Hà Nội. Ngày cưới đến gần mà dịch bệnh ngày càng căng thẳng nên anh đã bàn với vợ sắp cưới hủy tổ chức đám cưới đông người.

Dù mất 20 triệu tiền đặt cọc nhưng vợ chồng anh Hoàng Anh vẫn vui vì cảm thấy mình đã góp phần nhỏ bé vào công tác phòng chống dịch. Anh chị tổ chức lễ cưới nho nhỏ, đầy đủ các nghi lễ cưới hỏi với hơn 10 người thân hai bên tham dự. Thay vì đưa đón bằng dàn ô tô, anh đón chị về nhà mình bằng chiếc xe máy dân dã đầy tình cảm.

Ông Đặng Quốc Vũ - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh - cho biết, thực hiện cuộc vận động “3 không, 4 có” trong phòng chống dịch Covid – 19 do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phát động, từ ngày 10/3 đến nay, các cấp Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh đã vận động được 20 gia đình đồng ý hoãn cưới cho con và 121 gia đình thống nhất tổ chức cưới hỏi với quy mô gọn nhẹ, thành phần chủ yếu là nội bộ gia đình, họ tộc.

Trong thời gian 1 tuần, từ ngày 6/3-14/3, trên địa bàn thành phố Lào Cai có tới 30 gia đình báo hoãn đám cưới hoặc thu nhỏ quy mô tổ chức. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lào Cai, khẳng định: “Rất nhiều gia đình trên địa bàn thành phố Lào Cai vừa qua đã tình nguyện hoãn đám cưới chung tay chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin cũng thực hiện tuyên truyền các khuyến cáo của ngành Y tế như: Tránh tụ tập đông người, dừng các lễ hội, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của các cá nhân… Về cơ bản, người dân rất đồng tình và thực hiện đầy đủ các bước trong công tác chống dịch”.

Việc tổ chức lễ thượng thọ cho bố mẹ cũng được các gia đình thay đổi. Cách đây 2 tuần, anh Trọng Hoàng, 65 tuổi (Ý Yên, Nam Định) luôn canh cánh, suy nghĩ tổ chức thượng thọ cho mẹ mình ra sao? Làm to thì e lây lan dịch bệnh, còn làm nhỏ thì sợ mẹ tủi thân. Anh Hoàng là con trưởng trong gia đình 4 người con.

Bố mất sớm, mẹ anh tần tảo nuôi anh và các em khôn lớn và thành đạt. Anh Hoàng có xưởng lớn chế tác mặt hàng mỹ nghệ bằng gỗ tinh xảo, thu nhập hàng năm vài tỷ đồng. Còn các em anh mỗi người mỗi nghề kinh doanh khá giả. Mẹ anh năm nay tròn 90 tuổi.

Anh muốn tổ chức lễ thượng thọ to mừng cho mẹ vì muốn đền đáp công ơn dưỡng dục. Không phải ai cũng sống khỏe, lại minh mẫn vào tuổi... gần đất xa trời. Anh dự trù làm 60 mâm mời họ hàng, làng xóm, ân nhân giúp đỡ gia đình, bạn bè, đối tác tới chung vui, chúc mừng mẹ khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.

Nhưng nếu làm vậy, hàng trăm người, nhỡ một ai trong số đó bị nhiễm dịch bệnh thì làm ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng nghìn người khác. Còn chỉ làm giản đơn, liệu mẹ anh có buồn? Hiểu được suy nghĩ hiếu nghĩa của con trai, mẹ gọi anh vào phòng nhắn nhủ: “Các con khôn lớn, thành đạt, hiếu nghĩa như thế này, mẹ rất vui.

Đang mùa dịch, theo mẹ, con tổ chức lễ thượng thọ cho mẹ chỉ 1-2 mâm báo cáo tổ tiên. Sau đó mẹ mặc áo dài gấm đỏ cùng chụp ảnh kỷ niệm với các con, cháu. Được như vậy là mẹ thấy ấm lòng và mãn nguyện rồi”. Biết mẹ là người luôn lo nghĩ cho người khác, sống vì người khác nên anh Hoàng đã đồng ý tổ chức lễ thượng thọ giản đơn nhưng đầy ấm cúng.

Đám tang lặng lẽ, giỗ... online

Đám hỉ đã vậy, trong các đám ma, đám giỗ mọi người cũng cùng tinh giản. Tối 28/3/2020, diễn viên Mai Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau 2 năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Ra đi giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp nên lễ tang của Mai Phương cũng được gia đình tổ chức đơn giản, hạn chế tụ tập đông người. Lễ tang cố diễn viên diễn ra trong kín đáo, lặng lẽ. Túc trực bên linh cữu cố nghệ sĩ là người thân và số ít bạn bè, đồng nghiệp.

Tết Thanh minh, giỗ chạp, các gia đình đã cúng lễ... online.
 Tết Thanh minh, giỗ chạp, các gia đình đã cúng lễ... online.

Lễ tang của diễn viên Mai Phương là một trong số lễ tang mà những người thân của người quá cố tổ chức một cách đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Hầu hết, những lễ tang “thời Covid” đều chỉ có những người nội tộc tham dự. Còn lại, bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp đều có thể chia buồn qua điện thoại, qua các mạng xã hội. Nếu có chút tiền phúng hương nhang, họ sẽ gửi qua tài khoản để nhờ gia đình thắp nhang giùm.

Việc cúng giỗ online đã được một số nghĩa trang triển khai gần chục năm nay, nhưng có lẽ “thời Covid”, việc cúng giỗ này được phát huy tối đa. Dịp Thanh Minh mọi năm, lượng người dân đổ về tảo mộ, thắp hương cũng như chăm lo đến phần mộ của gia tiên tại các nghĩa trang thường đông đúc lên tới hàng nghìn người. Tuy nhiên, Tết Thanh Minh năm nay theo ghi nhận tại một số nghĩa trang cho thấy lượng người đến tảo mộ ít hơn nhiều lần.

Tại Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình), một số nhân viên đeo khẩu trang cần mẫn dọn dẹp phần mộ và dâng mâm cỗ, đĩa hoa quả lên phần mộ người quá cố.

Chị Thu Lan, nhân viên nghĩa trang cho hay: “Từ đầu năm tới giờ, khi dịch Covid bùng phát đúng vào dịp Tết Thanh Minh, nhiều gia đình đã không đến trực tiếp, thay vào đó đặt cúng giỗ online, nhân viên chúng tôi phục vụ tận tình. Những người thân của người quá cố có thể thăm phần mộ gia tiên thông qua hình ảnh thực tế ảo, sắp mâm cỗ ảo với đầy đủ đồ chay, mặn; biến mâm cỗ ảo thành thật (trả phí) cho nhân viên phục vụ; nghiệm thu bằng hình ảnh, video, cảnh thắp hương, cúng khấn chu đáo…

Ông Trần Tuấn Anh - đại diện chủ đầu tư Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng viên cho biết: “Việc làm của chúng ta với tổ tiên đều xuất phát từ lòng thành tâm, hướng tâm và lòng thành với ông bà của mình là việc đáng trân quý.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số người tham gia dịch vụ cúng giỗ, tảo mộ online tăng đột biến. Theo đó, người thân người quá cố lên mạng chọn cách cúng giỗ, sẽ có bộ phận chăm sóc, hậu cần, triển khai dịch vụ theo đúng ngày giờ, chuẩn bị đồ lễ đầy đủ như gia chủ mong muốn”.

Bà Nguyễn Thị Thủy, 57 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: “Những năm trước, vào dịp Thanh Minh, cả gia đình tôi thuê ô tô 29 chỗ đưa tất cả các con cháu đi tảo mộ chồng tôi. Cả nhà cùng sum họp, dâng mâm cỗ chay, khấn lễ tưởng nhớ, đền đáp công ơn người đã khuất. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, gia đình tôi quyết định phương thức cúng giỗ, tảo mộ online.

Tại đây, bất cứ người dân nào cũng có thể truy cập vào để thực hiện các thao tác như: Thắp hương, gửi hoa, đặt cỗ thật, gửi lời nhắn, tặng hoa, thậm chí gửi lời nhắn… đến người đã khuất. Thậm chí, không gian ảo cũng cho phép người dân hóa vàng, thắp hương, khấn theo những bài có sẵn hoặc gia chủ tự soạn, tự đọc qua… màn hình máy tính. Tôi mong ông nhà tôi yên lòng, sớm vãn sinh về nơi của Phật”.

Đọc thêm