TP HCM vẫn còn gần 6.000 án tạm đình chỉ

(PLVN) - Tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 17 khóa IX ngày 7/12, Ban Pháp chế HĐND đã có văn bản thẩm tra báo cáo của Viện trưởng VKSND và Chánh án  TAND về tình hình hoạt động năm 2019, từ đó, chỉ ra nhiều điểm hạn chế trong quá trình hoạt động của 2 cơ quan này.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Lê Minh Đức đọc thẩm tra báo cáo của TAND và VKSND. Ảnh Zing.
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM Lê Minh Đức đọc thẩm tra báo cáo của TAND và VKSND. Ảnh Zing.

Ban Pháp chế nhận định công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết các loại án chưa được thực hiện thường xuyên. Một số cán bộ, công chức, nhất là thẩm phán còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp... dẫn đến một số vụ án bị hủy, bị sửa do lỗi của thẩm phán. Cụ thể, có 109 án bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán (chiếm 0,27%) và 267 án sửa do lỗi chủ quan (chiếm 0,67%).

Ban Pháp chế cũng đánh giá TAND TP chưa tích cực trong xác minh, làm rõ để đưa vụ án ra xét xử đúng quy định, chưa kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan cung cấp chứng cứ, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Do đó, TP vẫn còn gần 6.000 án tạm đình chỉ, chiếm tỷ lệ 26,73% trên tổng số án tồn chưa giải quyết. Án quá hạn còn 615 vụ việc (chiếm 2,75%). Một số vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết gây bức xúc trong nhân dân.

Việc chuyển giao bản án, quyết định của tòa còn chậm trễ, gây ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm sát. Một số trường hợp bản án, quyết định của tòa tuyên không rõ, có sai sót, gây khó khăn trong công tác thi hành án. Hiện còn 50 bản án, quyết định chưa thể thi hành do cần sửa chữa, bổ sung.

Thêm vào đó, 64,74% công tác xét xử, giải quyết các loại án của TAND hai cấp TP chưa hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đặc biệt một số loại án tỷ lệ giải quyết còn thấp. Án phá sản doanh nghiệp đạt 12,63% (chỉ tiêu 85%); án hành chính đạt 24,79% (chỉ tiêu 80%)...

Ban Pháp chế cũng chỉ ra sự chậm trễ của TAND TP khi chưa trả lời một số kiến nghị của VKSND TP yêu cầu toà án khắc phục vi phạm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp.

Bên cạnh mặt hạn chế, Ban Pháp chế cũng chỉ ra những thành quả của hai cơ quan này như: VKS hai cấp đã tăng cường trách nhiệm, chú trọng thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự tăng. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự đạt 81%, vượt 11% số bị cáo so với chỉ tiêu.

Tòa án hai cấp cũng được khen ngợi vì tích cực xét xử thành công một số vụ án trọng điểm do TAND Tối cao phân công, trong đó, một số vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Từ các phân tích trên, Ban Pháp chế kiến nghị VKSND và TAND sớm điều chỉnh các hạn chế để đảm bảo hoạt động tư pháp vận hành đúng pháp luật.

Đọc thêm