TP HCM xin cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục

(PLVN) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM vừa có báo cáo về công tác giáo dục của ngành trong đó đề cập đến hàng loạt khó khăn mà địa phương đang gặp vướng mắc. 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Sở GD&ĐT TP HCM cho hay, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo TP HCM nhìn từ góc độ thực tế, so với định mức đầu tư và điều kiện hoạt động vốn có, đã có những tiến hộ tích cực rất đáng trân trọng. Nhưng so với yêu cầu đổi mới và hội nhập, thì vẫn còn nhiều bất cập cần phải phấn đấu khắc phục.

Theo thông tin của Sở, toàn ngành có hơn 120.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và trên 1.6 triệu học sinh các cấp học. Công tác giáo dục và đào tạo có quy mô lớn với những điều kiện thuận lợi và khó khăn của một thành phố nhiều áp lực về chất lượng cao.

Về cơ sở vật chất trường lớp, theo Sở, tiến độ xây dựng trường lớp mặc dù được quan tâm đầu tư song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển ngành hiện nay. TP HCM rất năng động và phát triển nhanh dẫn đến hiện tượng di dân về TP tăng cao khiến việc quy hoạch mạng lưới trường học, đặc biệt tại các Khu công nghiệp - Khu chế xuất đang là một thách thức, khó khăn rất lớn với ngành.

Cạnh đó, Sở cũng nhận thấy, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động vốn có, tạo nên sự cản trở nặng nề cho những người thực hiện công tác giáo dục, đào tạo. Chưa kể, chế dộ chính sách, đặc biệt cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa cho phép phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên. Cơ chế tự chủ nhà trường chưa được xã hội quan tâm, tạo điều kiện thực hiện.

Ngoài ra, công tác quản lý các trường có yếu tố nước ngoài, công tác quản lý du học còn nhiều bất cập do chưa có đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý.

Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề cũng còn nhiều bất cập, có sự quản lý đứt khúc giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Phía Sở cho rằng, để giáo dục TP phát triển mạnh, thực sự đi trước đón đầu và hòa nhập với giáo dục khu vực và quốc tế, cần phải xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục phù hợp với đặc điểm địa phương, đảm bảo tính tiên tiến hiện đại, đảm bảo nguyên lý giáo dục phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Kiến nghị cho TP cơ chế đặc thù về giáo dục 

Sở GD&ĐT TP HCM kiến nghị, đối với Chính phủ, chấp thuận cho TP thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, được phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT.

Ban hành Nghị định cho cán bộ, chuyên viên công tác tại các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng như Bộ GD&ĐT được hưởng phụ cấp thâm niên của ngành giáo dục và đào tạo.

Xem xét, điều chỉnh Nghị định 115/2010 ngày 24/12/2010 về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng hơn giữa UBND các quận, huyện, thành phố, Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành chủ quản của các trường đại học nhằm giúp cho các cấp có điều kiện thực hiện nhiệm vụ được phân cấp dễ dàng và tránh được sự chồng chéo, không rõ ràng.

Cho phép TP được thực hiện thí điểm các dự án trường học tại các quận nội thành không còn quỹ đất được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất theo từng dự án để giải quyết tình trạng thiếu phòng học tại các khu dân cư đông đúc, tập trung và tránh lãng phí kinh phí đầu tư xây dựng, mặt bằng.

Về phía Bộ GD&ĐT, cần ban hành định mức chi tối thiểu cho một học sinh, sinh viên ở các cấp học, ngành học, ngành nghề đào tạo để làm cơ sở cho việc ban hành định mức chi đối với từng cấp, bậc học và ngành nghề đào tạo.

Xem xét lại Thông tư quy định về trường chuẩn quốc gia đối với các tỉnh, TP có lượng dân nhập cư đông để có sự điều chỉnh phù hợp.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT TP HCM, trong năm 2019, TP đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức phổ biến kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chất lượng giáo dục được nâng cao, tính đến thời điểm tháng 6/2019, toàn TP có 261 trường đạt chuẩn quốc gia, 320 trung tâm học tập cộng đồng, tỉ lệ người biết chữ độ tuổi 15- 60 đạt trên 99%. 

Đọc thêm