Trảo Nha – Một vùng văn hóa

(PLVN) - Ngày 30/6 tới đây, UBND thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc sẽ khởi công xây dựng Dự án Tháp Cửu diện trong quần thể di tích Đền Linh Nha – Tháp Cửu diện trên đỉnh đồi/rú Nghèn. Như vậy, trong “bản đồ” văn hóa của Can Lộc có thêm một địa chỉ “văn hóa tâm linh”.
 

Tìm về Trảo Nha 

Từ thị xã Hà Tĩnh ra thành phố Vinh (Nghệ An) theo đường Quốc lộ 1A, đến kilômét 19, nhìn về bên phải thấy một đồi đất thấp nhô lên giữa đồng lúa phì nhiêu, chen chúc nhiều nhà cao tầng trong các thôn xóm trù phú. Đó là làng Trảo Nha xưa, nay là thị trấn Nghèn huyện lỵ của huyện Can Lộc. Đồi đất ấy có tên gọi trong sách vở xưa là Nghiện Sơn, Kỳ Lạc Sơn, còn tên gọi thông thường là Đồi Nghèn cao chưa đầy 100 mét so với mặt nước biển. Dưới chân đồi Nghèn về phía tây bắc và đông nam có dòng sông Nghèn chạy quanh co uốn khúc đổ nước ra cửa Sót.

Đồi Nghèn ở Trảo Nha là một di chỉ khảo cổ học. Qua thám sát bước đầu, các nhà nghiên cứu đã thu nhặt được hàng trăm công cụ bằng đá như: rìu, cuốc, bốn, đục, có niên đại cách ngày nay gần một vạn năm, thuộc về Thời kỳ đồ đá mới.

Lần theo các sách địa chí xưa viết về xứ Nghệ, chúng ta còn được biết nhiều chuyện lý thú, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa về Đồi Nghèn và làng Trảo Nha. Vào thế kỷ thứ VII thời Bắc thuộc, làng Trảo Nha lúc ấy có tên là Đan Liên thuộc huyện Thạch Hà là một địa danh, một làng quê có bên đò, có chợ hợp ven sông, có đường thiên lý qua làng. Sự giao lưu từ Nam ra Bắc và ngược lại qua Đan Liên ngày càng phát triển. 

Từ năm 1036 về sau, các vua Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông đã có nhiều cuộc tuần du và chinh phạt quân Chăm Pa xâm lấn biên ải phương nam, nên đã xây hành cung trên núi Hồng Lĩnh và lập hành dinh trên đồi Nghèn. Vua Lý Thái Tông (1028-1054) trên đường chỉ huy quan quân đánh giặc xâm lấn vùng Đèo Ngang đã nghỉ lại hành dinh ở Đồi Nghèn Trảo Nha. Đêm nằm vua mơ thấy Phật bà Quan  m hiện lên tặng áo cà sa và bát ăn nhà phật. Tỉnh dậy vua hỏi văn võ bá quan đó là điềm gì? Mọi người đều tâu đó là “điềm tốt” Quả nhiên cuộc hành quân vào phía nam thắng lớn, diệt được giặc, thu lại phần đất bị lấn chiếm. Đèo Ngang lại trở về đất nước Đại Việt. 

Trên đường về Kinh, khi nghỉ lại ở hành dinh trên đồi Nghèn ở Trảo Nha nhà vua cho xây chùa lấy tên là “Nghiên Sơn tự” và cho xây tháp đặt tên là tháp Cửu Diện, vì tháp có chín mặt, và cao 100 trượng (gần 40 mét). Đây là hai kiến trúc vào loại sớm nhất ở nước ta, tháp tồn tại được hơn 700 năm, mùa hè năm cảnh Hưng thứ 35 (1774) tự nhiên đang đêm trăng thanh, gió mát tháp bị đổ. Điều kỳ lạ là tháp đổi nhưng không gây hư hại gì cho chùa và đền ở gần. Còn chùa tồn tại hơn nghìn tuổi, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mới bị phá do chủ trương “hợp tự” của chính quyền địa phương. 

Cuối thế kỷ XVI trên đồi Nghèn, Tào Quận công Ngô Phúc Nhạc người làng Trảo Nha cho xây dựng một ngôi đền lấy tên là Linh Nha từ, để kỷ niệm một giấc mơ đẹp về thấn báo mộng ông sẽ lập công to trong sự nghiệp phò vua Lê đánh nhà Mạc. Thần thờ trong đền có dị hiệu là Nam Nhạc đại vương và được vua Lê sắc phong là: Ô Trà Sơn thượng đẳng thần và được tổ chức quốc lễ vào rằm tháng giêng hàng năm. Lễ hội đền Linh Nha thu hút hàng ngàn dân các nơi ở Hà Tĩnh và Nghệ An về dự, vì vậy dân gian có câu: “Nhất vua ra, nhì Trảo Nha mở hội”!

Đầu thế kỷ XVII, để khen thưởng, ghi công cho 3 vị Tể tướng và 15 vị Quận công thuộc dòng tộc họ Ngô ở Đan Liên, vua Lê và chúa Trịnh đã đặt tên làng là Trảo Nha – có nghĩa là nanh vuốt. Thực sự con cháu họ Ngô thời Lê Trung Hưng xứng đáng với mỹ tự “nanh vuốt” của quốc gia. Có tới 15 người họ Ngô là danh thần, lương tướng của triều đình Lê Trịnh.

Trảo Nha từ thế kỷ XVI về sau, ngày càng nổi tiếng là một làng khoa bảng. Đặc biệt Trảo Nha vừa có nhiều bậc đại khoa về văn, vừa có nhiều người đại khoa về võ. Thật là một làng “văn võ song toàn”. Đại khoa về văn có các ông nghè: Nguyễn Bật (1520), Ngô Phúc Lâm (1776), Ngô Đức Bình (1865), Ngô Đức Kế (1898). Đại khoa về võ tương đương Tiến sĩ về văn với danh hiệu là Tạo sĩ. Những người đậu Tạo sĩ là những người tinh thông võ nghệ, có sức khỏe phi thường và có tri thức uyên bác. Người Trảo Nha có các ông Ngô Phúc Thiêm, Ngô Phúc Túc, Ngô Phúc Trọng thi đậu Tạo sĩ. Trong đó ông Ngô Phúc Thiêm năm 15 tuổi đã thi đậu Tạo sĩ là thần đồng về võ nghệ ở nước ta.

Vào năm Khải Định thứ 6 (1921) nhà Nguyễn cắt tổng Đoài huyện Thạch Hà trong đó có làng Trảo Nha nhập vào huyện Can Lộc. Trảo Nha là làng có ba điều lợi: cận sống, cận núi và cận đường nên năm 1927 huyện lỵ Can Lộc từ làng Khiêm ích (gần Ngã ba Đồng Lộc hiện nay) được dời về Trảo Nha đặt ở vùng đất giáp ranh giữa sống Nghèn và đồi Nghèn. Đây là một vị trí đắc địa vì: Bắc vọng Hồng Sơn, đông đại hải, Tiền lâm Nghiện thủy, hậu Kỳ Sơn (có nghĩa là: phía bắc là núi Hồng Lĩnh, phía đông là biển cả bao la. Mặt trước là sống Nghèn và mặt sau tựa lưng vào núi Kỳ Lạc).

Trung tâm Thị trấn Nghèn
Trung tâm Thị trấn Nghèn

Thị trấn Nghèn “địa chỉ đỏ” của lòng yêu nước

Cùng với cả nước, bước sang những thập niên đầu thế kỷ XX, người Trảo Nha lại sôi động phong trào yêu nước. Người đi tiên phong ở Trảo Nha trong công cuộc chống thực dân phong kiến những năm tháng ấy là Tiến sĩ Ngô Đức Kế. Ông là một thanh niên học giỏi: 19 tuổi đậu cử nhân, 23 tuổi đậu Tiến sĩ (1898). Khác với các ông Nghè xưa, thi đậu là lo “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau, về quê vinh quy bái tổ” còn Ngô Đức Kế sau khi thi đậu lại ai oán, buồn tủi vì: Hồi thủ cảm song vi (nghoảnh đầu lại thấy đất nước suy vong). Chính mang nặng tâm tư với nước non mà Ngô Đức Kế sau khi trở thành ông Nghè không chịu ra làm quan với nhà Nguyễn và bất hợp tác với thực dân Pháp. Nhưng ông lại hăm hở tham gia và đi đầu trong các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX như Đông

Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, làng Trảo Nha trở thành “làng đỏ” trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với những sự kiện lịch sử lớn: Chi bộ Trảo Nha là một trong 5 chi bộ đầu tiên ở Can Lộc, tại nhà ông Trần Đóa ở xóm Yên Vịnh dưới chân đồi Nghèn, cuối tháng 4/1930 Đại hội thành lập huyện ủy Can Lộc. Ông Trần Đóa bí thư chi bộ Trảo Nha được cử vào huyện ủy khóa đầu.

Ngày 01/8/1930, hơn 500 nông dân Can Lộc đã biểu tình lên huyện lỵ ở Trảo Nha, Tri huyện Trần Mạnh Đàn đã phải ra tận cầu Nghèn tiếp nhận yêu sách của quần chúng cách mạng. Ngày 7/9/1930 cùng với 2.000 nông dân trong huyện, nông dân Trảo Nha đã xông vào huyện đường biểu dương lực lượng, Tri huyện và nha lại bỏ trốn, quần chúng căm thù nổi lửa đốt phá công đường, sổ sách, giấy tò và mở cửa nhà lao, thả hết tù nhân. Can Lộc là huyện đầu tiên ở Nghệ Tĩnh trong cao trào 1930-1931 nhân dân kéo lên huyện lỵ biểu tình và đốt phá, làm chủ huyện đường.

Ngày 20/12/1930 hơn 5.000 nông dân Can Lộc tổng biểu tình ở huyện lỵ biểu dương lực lượng, kỷ niệm Quảng Châu công xã, thực dân Pháp đã cho lính xả súng vào đoàn biểu tình, bắn chết 42 người và làm bị thương hơn 100 người. Đây là cuộc thảm sát man rợ nhất của địch trong cao trào Xô viết ở Hà Tĩnh. Bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Ngã ba Nghèn ngày nay là dựng tại nơi quân thù xả đạn vào đoàn biểu tình.

Ngày 16/8/1945 tự vệ cứu quốc và nhân dân Trảo Nha cùng với Đoàn thanh niên Cứu Quốc Can Lộc đã giành chính quyền đầu tiên ở Nghệ Tĩnh. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đảng bộ và nhân dân Đại Lộc – Thị Trấn Nghèn – làng Trảo Nha xưa đã làm tròn nghĩa vụ hậu phương, thực hiện trọn vẹn lời thề: “Thóc thừa cân, quân thừa người” và “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

Hai lần chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ đã ném xuống đất Trảo Nha 16.934 quả bom tạ và hàng vạn bom đạn các loại, hơn 90% nhà dân bị hư hại, 3km đường quốc lộ qua Trảo Nha bị băm nát, có nơi mặt đường sâu ngang đồng ruộng. Bom đạn giặc Mỹ đã giết hại và làm bị thương hơn 300 người dân Trảo Nha.

Vượt qua máu lửa, Đảng bộ, quân dân Trảo Nha đã cử ra tiền tuyến gần 2000 trai tráng đi bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Dân quân Trảo Nha kể cả đội nữ trực chiến và lão quân trực chiến đều lập công, độc lập bắn rơi máy bay Mỹ và hiệp đồng chiến đấu với bộ đội cao xạ bắn rơi 8 máy bay Mỹ trên vùng trời Trảo Nha, liên tục giữ vững mạch máu giao thông. Trảo Nha – Đại Lộc – Thị trấn Nghèn vinh dự được công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang trong Thời kỳ chống Mỹ.

 

Trong những năm qua, người Trảo Nha lại viết tiếp những trang sử vẻ vang về nhiều mặt, đó là phổ cập Trung học cơ sở, ngói hóa nhà dân, bê tông hóa đường làng ngõ xóm và kênh mương thủy lợi. Con em Trảo Nha có hàng ngàn người tốt nghiệp đại học, trong đó có gần trăm người có học vị tiến sĩ và học hàm phó giáo sư, giáo sư. Họ đang là những người “nanh vuốt” của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế tục sự nghiệp “Trảo Nha” của ông cha xưa.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Nghèn đang phấn đấu cuối năm 2019 được công nhận là đô thị loại 4, xây dựng trung tâm huyện lỵ Can Lộc giàu đẹp xứng đáng truyền thống cách mạng.

Đọc thêm