Trọng trách của doanh nhân

(PLO) - Ngày mai, 13/10 cả nước nói chung và cộng đồng doanh nhân nói chung kỷ niệm lần thứ 12 “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Còn nhớ ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam (VN). Ngày này năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi giới công thương VN.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho giới công thương nhiệm vụ “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh thượng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Chính phủ sẽ tận tâm giúp giới công thương.

Quyết định của Chính phủ nhằm: “Phát huy truyền thống giới công thương VN, khẳng định vị trí của giới công thương trong cộng đồng xã hội. Động viên các tầng lớp xã hội góp sức xây dựng, phát triển doanh nghiệp (DN), đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, vững mạnh đáp ứng yêu cầu chấn hưng kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân VN đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ có 11.000 DN, chủ yếu là DN nhà nước vào năm 1990 thì đầu năm 2015 có hơn 450 ngàn DN đang hoạt động (số liệu của Bộ Tài chính). Hiện nay, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 20.000 DN. Đặc biệt quý I/2016 có 23.767 DN đăng ký thành lập với số vốn đăng ký là 186.013 tỷ đồng, tăng 24,8% về số DN và tăng 67,2% về số vốn so với cùng kỳ. Có thể nói DN và doanh nhân VN đã và đang trở thành một lực lượng đông đảo góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho xã hội và hội nhập kinh tế với thế giới. 

Hiện nay cộng đồng DN còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong và ngoài nước. Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nhiều so với trước đây. Lần đầu tiên Chính phủ ra Nghị quyết cụ thể cải cách thể chế, trong đó đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Để hỗ trợ DN cần tập trung vào hai tuyến. Thứ nhất là tác động theo chiều ngang để đổi mới mô hình, đổi mới môi trường thuận lợi cho DN hoạt động. Thứ hai là tác động theo chiều dọc về hỗ trợ các ngành nghề trọng điểm, đẩy nhanh cổ phần hóa DN nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước. Đối với DN nhỏ và vừa, Chính phủ đang có kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Để thành công, góp phần xây dựng đất nước, hơn bao giờ hết DN và doanh nhân VN đang phải tiếp tục chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, nắm vững các quy định pháp lý và không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. 

Kinh tế trong điều kiện hội nhập đang thực sự là “mặt trận” vừa đòi hỏi liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu, vừa cạnh tranh khốc liệt.

Đọc thêm