TS Đặng Hoàng Giang: Chúng ta đang đối xử tàn nhẫn với bọn trẻ!

(PLVN) - Trong gần 2 năm, TS Đặng Hoàng Giang dành hàng trăm giờ trò chuyện với nhiều nhân vật trên dưới 20 tuổi để biết về thế giới của họ và viết “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. Rất nhiều câu chuyện dữ dội, đau đớn của họ, những người trẻ đang trong hành trình bước vào thế giới người lớn với rất nhiều câu hỏi: Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?…
TS Đặng Hoàng Giang trong buổi tọa đàm đông nghẹt những người trẻ…
TS Đặng Hoàng Giang trong buổi tọa đàm đông nghẹt những người trẻ…

Có thể thấy, khoảng cách của ông và các bạn trẻ trong cuốn sách về tuổi tác khá lớn. Vậy ông làm thế nào để họ có thể chia sẻ những câu chuyện riêng tư mà họ không muốn giãi bày ngay cả với người thân nhất?

- Có một nghịch lý là dù các bạn trẻ xuất hiện rất nhiều trên phim ảnh, ca nhạc, ngoài đường phố, nhưng chúng ta không biết gì nhiều về thế giới nội tâm của họ. Không biết về thế giới của họ, chúng ta sẽ không thể hiểu họ, không thông cảm với họ được, không chữa lành quan hệ giữa ta và họ được. Vì thế, tôi nghĩ trước hết chúng ta nên lắng nghe mà không phán xét, thay vì chỉ thông qua bề ngoài mà đánh giá họ ích kỷ, ăn chơi, không quan tâm đến gia đình, đất nước…

Bởi thế, thách thức đầu tiên của dự án này là tìm được các bạn trẻ sẵn sàng ngồi xuống để chia sẻ với mình. Nhưng thách thức hơn là khi đã đồng ý mở lòng, họ có thể đi xuống sâu những tầng đáy xa xôi nhất trong tâm hồn của các bạn ấy không?

- Có nhiều lúc tôi nghĩ tới việc từ bỏ dự án bởi vì sợ không đi đến tận cùng câu chuyện. Có những câu chuyện mà hàng giờ chỉ xoay quanh bề mặt của chia sẻ. Tôi nhận ra cần phải kiên nhẫn, cho các bạn trẻ và cho mình thời gian để có thể đi xuống tầng sâu nhất ấy. Điều rất đáng buồn là lẽ ra người cần nghe những câu chuyện này phải là gia đình, cha mẹ của các bạn ấy.

Có thể tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là rất lớn, nhưng họ lại không thể kết nối được với chúng. Những lúc như vậy, chúng ta chỉ cần lắng nghe, không phán xét, không dạy dỗ...

Chẳng lẽ các bạn trẻ hiện nay, với điều kiện được chăm sóc tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước, lại phải chịu đựng nhiều bi kịch đến thế sao?

- Trong những trường hợp tôi gặp, phần lớn những vết thương tới từ gia đình. Có những tổn thương rất sâu sắc mà cha mẹ hoặc không hề hay biết, hoặc không chịu thừa nhận, không cho nó quyền tồn tại. Nhiều cha mẹ yêu thương con không đúng cách - họ yêu con bằng tình yêu vô minh. Họ gắn tình yêu đó với vô số điều kiện: Thành tích học tập, sự phục tùng những mong muốn của họ về nghề nghiệp, về việc yêu đương. Họ đe dọa thu lại tình yêu thương khi họ không vừa lòng. Hơn thế nữa, họ mắng nhiếc, đánh đập, xúc phạm khi trẻ không làm được điều họ muốn hay không làm đúng điều họ muốn. Trong nhiều trường hợp, họ muốn đứa trẻ trở thành công cụ giúp họ “nở mày nở mặt” trước họ hàng, đồng nghiệp, thay vì muốn chúng phát triển bản thân một cách lành mạnh.

Cách nuôi dạy này phủ nhận cái tôi của trẻ. Đứa trẻ sẽ trải qua những cuộc khủng hoảng, những cơn sang chấn và phải dằn vặt giữa các lựa chọn: Hoặc tiếp tục xung đột với cha mẹ để phát triển bản thân theo hướng mình mong muốn trong học hành, công việc, chuyện tình cảm, hoặc buông xuôi, biến thành cục đất sét để cha mẹ nhào nặn. Khi đó, bên dưới không khí “hòa bình” trong gia đình và sự “nghe lời” của trẻ là một sự xa cách, lạnh lẽo. Trong thế giới hậu tuổi thơ này, nhiều bạn phải vật lộn để đi tìm chỗ đứng của bản thân, họ trở nên nổi loạn dữ dội, hoặc thành bạc nhược, chai sạn, trầm cảm. Trường hợp nào thì họ cũng bị phá hủy từ bên trong, họ trở nên căm ghét chính bản thân mình. Và bao trùm là một sự cô đơn khổng lồ…

Nhân vật Phương Anh, nếu không đi sâu vào bên trong tâm hồn, có thể thấy đó là cô gái ngổ ngáo, nói tục, chửi bậy... Ẩn sâu bên ngoài lớp ngổ ngáo đó lại là một cô gái hoạt ngôn, giỏi giang, nhanh nhạy, không biết tương lai rồi sẽ đi về đâu. Người lớn đã không chạm vào được phần kim cương của con trẻ, họ chỉ nhìn bề mặt bên ngoài. Vết mòn trong tương tác gia đình khiến những thành viên trở nên hằn học và xa lạ với nhau.

Có thể chính cha mẹ cũng đang rất đau khổ, đứng trước đống đổ nát là cuộc đời của họ nên không có khả năng chu cấp về mặt tinh thần cho con cái mình? Bi kịch là như vậy.

Một khái niệm mới được đưa ra trong cuốn sách là “phụ huynh hóa”, vậy ông có thể nói rõ hơn về cụm từ này?

- Các bạn trẻ trong nhóm “những đứa trẻ bị phụ huynh hoá” gây cho tôi nhiều khó khăn nhất bởi trên bề mặt không thể thấy được họ gặp vấn đề gì. Họ không bị đánh đập, không bị bố mẹ bắt ép, họ khá tự do. Tuy nhiên, họ lại gặp rất nhiều bất hạnh. Vậy tại sao? Khi đi sâu vào cuộc đời của các bạn ấy, tôi mới thấy được bi kịch trong trường hợp này đến từ một chữ rất nguy hiểm đó là chữ “ngoan”.

Đứa con ngoan là làm những điều mà gia đình đang thiếu thốn, nghe lời bố mẹ, biết đọc vị những mong muốn, khao khát giấc mơ của bố mẹ và lấy việc thực hiện chúng là mục tiêu, ý nghĩa sống của mình. Đây là điều vô cùng độc hại khi chúng phá hủy, khiến người trẻ không có cơ hội đi tìm bản thể của mình.

Đáng tiếc, ở Việt Nam, việc khao khát có đứa con ngoan rất phổ biến. Tất cả ước mơ của bố mẹ chưa thực hiện được đều trao cho những đứa con thực hiện thay mình để được “nở mày nở mặt”. Điều đó trở thành những gánh nặng khủng khiếp đặt lên vai những đứa trẻ ưu tú như 2 chị em Ly và Huy trong phần hai của cuốn sách. Chỉ sau khi Ly suy sụp bởi cô bé không chịu được gánh nặng khổng lồ trên đôi vai 22 tuổi, cô rơi vào trầm cảm. Ly giỏi giang, kiếm tiền đi du học, nuôi em,… nhưng cuối cùng bị trầm cảm và quay về nước. Rất may, Ly đã tìm hiểu sách báo và sự chiêm nghiệm của mình ngộ ra rằng, trước nay mình như con trâu kéo cái xe chở đầy ước mơ, hạnh phúc của mẹ. Rất nhiều gia đình đang là như thế và rất nhiều bà mẹ đang như vậy. 

Vấn đề “phụ huynh hoá” được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể những người như Ly khi lớn lên nhu cầu tình cảm không được đáp ứng lại biến con của Ly thành những người đáp ứng cho mẹ,… trừ khi nhìn được vấn đề và dừng lại. 

Tại sao nhiều cha mẹ lại yêu con với tình yêu gây đau đớn như thế? Có lẽ họ đã không ý thức được họ đang gây tổn thương cho những đứa trẻ của mình?

- Rất nhiều phụ huynh từng sống trong tuổi thơ bị áp đặt, không được tôn trọng, không được lắng nghe, bị bạo hành. Sau đó họ lại cư xử với con em họ y như thế. Họ trở thành người không quản lý được những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hay giận dữ. Họ từng bị xúc phạm nặng nề và giờ đây coi việc xúc phạm con cái mình là bình thường. Họ không biết cách hành xử khác. Một vòng tròn luẩn quẩn.

Những cha mẹ này nằm trong tuýp người ái kỷ, sĩ diện, triền miên sống trong sự sợ hãi không được tôn trọng. Họ khao khát con mình phải là nguồn cung cấp thể diện cho mình. Khi cảm thấy bản thể của mình bị tổn thương, họ sẽ quay ra trừng phạt con.

Cha mẹ ái kỷ có năng lực cảm xúc thấp, thường bị chìm đắm trong sự giận dữ, cuồng nộ của bản thân mà không có sự thấu cảm, không nhìn được vào nỗi đau khổ cùng cực của các con.

Theo tôi, đây cũng là trường hợp bi đát nhất, bản thể trong những đứa trẻ bị bẻ gãy. Hoặc là họ sống theo bố mẹ như những cái bóng vật vờ, như một cái bình rỗng để bố mẹ đổ đầy những khao khát, ước mơ vào đó. Hoặc là họ nổi loạn dẫn đến những kết cục đau thương: Trầm cảm, tự căm ghét bản thân, căm ghét bố mẹ, thậm chí là tự tử.

Dự án này cũng tìm hiểu về những trải nghiệm tình dục đầu tiên của người trẻ. Ông có thấy định kiến gì về tình dục của các bạn ấy không?

- Tôi nghĩ về tình dục các bạn trẻ Việt Nam ngày nay đã khá gần các bạn trẻ phương Tây. Họ thoáng hơn và không coi tình dục trước hôn nhân là vấn đề. Việc đổi bạn tình với họ giờ không quá là nghiêm trọng nữa.

Tôi nghĩ rằng nếu như phụ huynh cứ bám vào giá trị đạo đức là tình dục phải đi kèm với hôn nhân thì sẽ tạo ra một xung đột rất lớn với con cái mình. Nó sẽ tạo ra hai hướng tiêu cực: Hoặc là các bạn ấy sẽ phải giấu giếm bố mẹ và có một đời sống riêng của mình mà bố mẹ không biết; hai là các bạn ấy sẽ phải kìm nén bản thân để hài lòng bố mẹ - điều đó cũng không lành mạnh. Điều đó cũng tương tự như việc mình phải học cái ngành mà bố mẹ muốn, chứ không phải ngành mình thích.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp người trẻ lao vào tình dục như một hệ quả của sự cô đơn, bị gia đình bỏ rơi. Họ tìm tới yêu đương chóng vánh và tình dục như một sự chạy trốn. Trong những trường hợp đó, các bạn đó cần nhận được sự giúp đỡ, thay vì bị lên án.

Vậy ông có muốn nhắn nhủ tới các gia đình điều gì từ những trải nghiệm, chia sẻ mình có được?

- Nhiều lúc tôi cảm thấy bất ngờ về mức độ dữ dội của bạo lực gia đình. Những chấn thương tâm lý xuất hiện không chỉ trong những gia đình lao động, nghèo túng, mà còn có rất nhiều ở những gia đình trung lưu, thậm chí giàu có. Đằng sau cái vẻ ngoài ngổ ngáo, bất cần của họ là một trái tim hướng thiện, khao khát được sống trong một gia đình ấm áp, được có ích cho xã hội.

Nhiều cha mẹ có cách nuôi dạy con độc hại bởi chính họ đang quay cuồng với các vấn đề của mình: Hôn nhân bất hạnh, xung đột với bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng/vợ, túng quẫn về kinh tế. Họ quá bận bịu với những đổ vỡ của mình, vật lộn với chính cuộc sống của mình, nên không thể quan tâm đến con cái. Hoặc họ cho rằng, nghĩa vụ làm cha mẹ của họ chỉ gói gọn trong việc chu cấp tiền nong cho con… 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của ông có ảnh hưởng rộng trong xã hội: Bức xúc không làm ta vô can, Thiện ác Smartphone, Điểm đến cuộc đời. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ - cuốn sách vẽ nên một bức tranh rộng lớn về tâm lý của người trẻ. Nhưng đáng tiếc, những người trẻ ấy chưa từng được lắng nghe ngay với người thân của mình.

Đọc thêm