Ươm 'hạt giống đỏ' nơi Cổng Trời

(PLO) - Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trung Lý (BĐBP Thanh Hóa) có hơn 20 năm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 
Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh cùng nhân dân lao động, sản xuất
Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh cùng nhân dân lao động, sản xuất

Năm 2010, anh được giao nhiệm vụ lên Cổng Trời phụ trách 3 bản: Khằm 1, Khằm 2, Khằm 3 (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) với 147 hộ, 798 khẩu đồng bào Mông đang đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, có nhiều người nghiện ma túy và tham gia mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

“Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, tôi thực sự lo lắng vì mọi việc đều mới mẻ, trong khi đó lại chưa biết tiếng đồng bào, không hiểu phong tục tập quán của bà con. Phải làm gì đây? Làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Đó là những câu hỏi khó mà tôi chưa tìm được câu trả lời. Song, với trách nhiệm của người đảng viên, người quân nhân cách mạng, tất cả vì đồng bào nghèo đói, lạc hậu, ma túy bủa vây, tôi không được phép dừng bước” - Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh tâm sự.

Anh quyết định về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào và nhận thấy rằng, tập tục lạc hậu còn đè nặng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên cái đói, cái nghèo mới đeo bám không dứt.

“Để giải quyết vấn đề này, tôi tham mưu cho Đảng ủy xã Trung Lý thành lập chi bộ Đảng lâm thời cho 3 bản và được Đảng ủy xã ủng hộ. Trong khi nhiều thanh niên trong các bản còn say sưa với rượu, ma túy, thì Sùng A Pó là một quần chúng ưu tú, năng nổ trong công việc xã hội, vừa tốt nghiệp THPT được tôi chú ý động viên, bồi dưỡng.

Sau hơn 3 tháng, cùng với sự giúp sức của chi bộ, công tác bồi dưỡng, thẩm tra lý lịch, hướng dẫn làm hồ sơ cho Sùng A Pó đã được anh hoàn tất. Và “hạt giống đỏ” nảy mầm đúng vào ngày Quốc khánh  năm 2010, được xem là sự kiện quan trọng của nhân dân 3 bản, mở ra thời kỳ phát triển đảng viên mới nơi đây. Thiếu tá Cảnh còn phát hiện một nhân tố mới Giàng Seo Lềnh - tuy tuổi còn trẻ, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng sớm có ý thức học hỏi, chăm lo lao động sản xuất, cầu tiến. 

Để tạo dựng niềm tin cho đồng bào Mông với Đảng, bằng việc luôn gương mẫu, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, anh tham mưu với đơn vị thực hiện xây dựng mô hình lúa nước, ngô lai 2 vụ và sáng kiến của anh đã được cấp ủy, chỉ huy đơn vị nhất trí cao. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tổ chức khai hoang, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp gieo trồng vụ lúa nước, ngô hai vụ, chỉ sau vài tháng lúa đông xuân, ngô vụ đông phát triển tốt, năng suất cao.

Từ đó, bà con tin tưởng, hăng hái làm theo cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, tích cực mở rộng diện tích trồng lúa nước, mỗi năm 2 vụ với gần 25ha, cho năng suất 300kg/sào, tình trạng “no ba, đói chín” trên địa bàn đã được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, 40ha ngô vụ đông đạt năng suất hơn 80% so với chính vụ cũng là bước đột phá, không chỉ giúp cho bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo mà còn xóa bỏ tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.

Từ những việc làm thiết thực, cùng với sự gần gũi, chân tình của Thiếu tá Nguyễn Văn Cảnh, nhân dân đã nhận ra Đảng không khó hiểu, trừu tượng như họ từng nghĩ; Đảng đưa ra chủ trương, đường lối, cách làm hay để chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ. Từ đó, nhiều quần chúng ưu tú tiếp tục được chi bộ phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng, Chi bộ của 3 bản đến nay đã có 13 đảng viên. Từ đây, các đảng viên trẻ đồng bào Mông trở thành hạt nhân đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống...

Đọc thêm