Xây dựng nông thôn mới có chạy theo thành tích?

(PLO) - Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Quốc hội (QH) ngày 4/11, nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại về khoản 15.277 tỷ đồng nợ đọng của các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua.
Nông dân Tuyên Quang cùng góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: MH)
Nông dân Tuyên Quang cùng góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: MH)

53/63 tỉnh “ôm” khoản nợ 15.277 tỷ đồng

Báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của Ủy ban Kinh tế QH cho thấy, sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), giáo dục (77,86%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng hiện vẫn có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Trong đó, theo báo cáo, có 3.637 xã có nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước). Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán. Các địa phương có số nợ đọng lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc.

Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chỉ ra rằng, theo báo cáo, đến năm 2015, số xã đạt nông thôn mới là 17,1%. Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, đến tháng 10/2016, con số tăng lên bất thường là 23%. “Liệu có việc chạy theo thành tích ở đây không?” – ông đặt nghi vấn. 

Chung băn khoăn về khoản nợ trên, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng “không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng của kết quả đạt được với chi phí bỏ ra”, cũng như không thể phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài mà nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt là những gia đình nghèo phải gánh chịu. ĐB Nguyễn Tuấn Anh đề nghị đặt câu hỏi về cách xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều chỗ hướng tới thành tích phô trương, chạy theo chủ nghĩa thành tích, nặng tính phong trào, trong giai đoạn hiện nay còn phù hợp hay không. Ông cũng đề nghị bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. 

Một số ĐB cũng đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu huy động quá sức dân, hay để nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng 2 chân

Đi sâu vào một số biện pháp cụ thể để thúc đẩy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, ĐB Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nêu: “Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy chúng ta phải bỏ ra 500 triệu USD mỗi năm để nhập 8 nghìn tấn hạt giống các loại; 12,4 tỷ USD nhập vật tư cho nông nghiệp, phải nhập 90% thuốc bảo vệ thực vật, 90% giống hoa các loại. Điều đó cho thấy chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với những nghiên cứu khoa học phục vụ cho nông nghiệp, chưa tổ chức tốt việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và sản xuất. Công tác kết hợp giữa bốn nhà trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực hiện có hiệu quả” – ông nói. 

Nhất trí với nhận định trên, ĐB Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) đề nghị tái cơ cấu nông nghiệp phải đi bằng 2 chân. Thứ nhất là tổ chức lại sản xuất, phải tích tụ ruộng đất, phải gắn với liên kết sản xuất và thị trường, phá thế manh mún đầu tư; ứng dụng công nghệ và cơ giới hóa thuận lợi hơn. Thứ hai là phải tập trung vào khoa học, công nghệ để khoa học thực sự dẫn dắt, là đầu tàu tạo ra các loại giống đồng nhất và chất lượng cao để thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số ĐB cũng đề nghị tái cơ cấu chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 

Xử lý thách thức ô nhiễm môi trường nông thôn

Ngoài ra, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, ô nhiễm môi trường hiện không còn là vấn đề của thành phố, các khu công nghiệp lớn mà đã len lỏi về đến tận làng quê xa xôi. “Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn địa bàn nông thôn để đầu tư ngoài việc tận dụng lao động rẻ còn nhằm tiết kiệm được chi phí xử lý môi trường bằng cách xả nước thải thẳng vào dòng sông, kênh mương” – ông nói.

Để ngăn chặn tình trạng hủy hoại môi trường nông thôn, ĐB Đức đề nghị Chính phủ không chỉ đưa ra tiêu chí về môi trường cho nông thôn mới mà còn phải chủ động nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp để xử lý các thách thức ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn ngày nay như nghiên cứu, hướng dẫn, giúp đỡ giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt an toàn ở nông thôn, phát triển và sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp, xử lý nghiêm những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Đọc thêm