Xử lý sao khi không xác minh được tính hợp pháp của văn bằng?

(PLVN) - Hiện nay, vấn đề những người bằng dỏm, học dỏm… vẫn “chui” vào được các cơ quan công quyền để trở thành ông này, bà kia đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc truy nguyên để xử lý sẽ có phần dễ dàng hơn nếu các cơ sở đào tạo cấp bằng vẫn còn hiện hữu. Còn đối với những đơn vị đã giải thể, không truy được địa chỉ làm sao có thể xác minh tính hợp pháp của văn bằng mà đơn vị đã cấp? Đây cũng là một trong những bài toán khiến TP HCM đau đầu, chưa có lời giải.
Một buổi thi tuyển công chức ở TP HCM
Một buổi thi tuyển công chức ở TP HCM

Theo Sở Nội vụ, thời gian qua, TP HCM chấp hành nghiêm các qui định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý, nâng ngạch công chức, viên chức. Theo đó, sau khi nhận đủ hồ sơ dự tuyển của người trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức có trách nhiệm thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển nhằm bảo đảm chính xác theo quy định của pháp luật.

Sau khi hoàn thành việc xác minh, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức ra quyết định tuyển dụng người trúng tuyển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có phát sinh vướng mắc như cơ sở đào tạo giải thể, không tìm được địa chỉ.

Liên quan đến việc này, TP HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận được phúc đáp tại Công văn số 1671 (ngày 13/11/2017) của Cục Quản lý chất lượng về việc xác minh văn bằng, chứng chỉ của thí sinh trúng tuyển viên chức như sau: Cơ quan chịu trách nhiệm xác định, trả lời về tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi cơ sở giáo dục đã bị chia tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản hồ sơ trên quyết định chia tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định chia tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở giáo dục.

Trong trường hợp cơ quan tuyển dụng không thể liên hệ được với cơ sở giáo dục đã cấp văn bằng, chứng chỉ thì người có văn bằng, chứng chỉ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về cơ sở đã cấp văn bằng, chứng chỉ và phối hợp với cơ quan tuyển dụng để xác minh tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ đó.

Thế nhưng, theo Sở Nội vụ TP HCM, thực tế là cơ quan tuyển dụng và người được tuyển dụng đều không biết cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ hoặc cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định chia tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở giáo dục hoặc cơ sở thay đổi địa điểm nên không có thông tin để có đề nghị xác minh theo quy định.

Do đó, hiện tại, TP HCM có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng chưa thể ra quyết định tuyển dụng, đặc biệt là số lượng người trúng tuyển vào ngành giáo dục và y tế rất nhiều, nhưng không thể xác minh được văn bằng, chứng chỉ. 

Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, mới đây, Sở Nội vụ TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ kiến nghị hướng dẫn cách thức xử lý khi chưa thể xác minh được tính hợp pháp của văn bằng. Trước mắt, Sở Nội vụ TP HCM kiến nghị Bộ Nội vụ chấp thuận giải quyết theo hướng: Nếu không xác minh được văn bằng, chứng chỉ thì cho phép thí sinh nộp bổ sung văn bản, chứng chỉ mới phù hợp với ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp và xác minh theo quy định để bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng công chức, viên chức... 

Đọc thêm