Xuất khẩu lúa gạo tăng nhưng nông dân ĐBSCL vẫn nghèo

(PLO) - Hôm qua (28/10), tại TP Cần Thơ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới (1986-2016).
Tốc độ phát triển của ĐBSCL sau 30 năm đổi mới
Tốc độ phát triển của ĐBSCL sau 30 năm đổi mới

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Tây Nam Bộ là vùng có vị thế đặc biệt quan trọng cần phải phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tạo ra sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định. Sự phát triển của vùng sẽ góp phần to lớn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai.

Để thúc đẩy sự phát triển cần xác định được Tây Nam Bộ đang ở đâu trong quá trình phát triển và cần phải làm gì để phát huy lợi thế cạnh tranh của vùng. Đặc biệt cần làm rõ những đặc thù của đồng bằng để tìm có những biện pháp và tái cơ cấu cho phù hợp và phải quan tâm đến vấn nạn nghèo đói, phát triển nguồn nhân lực, phải để người nông dân sống được bằng nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, ba thách thức lớn đối với Việt Nam là về kinh tế, quản lý tài nguyên và thách thức xã hội. Kinh tế chuyển dịch chậm, năm 2000, kinh tế ĐBSCL lớn hơn TP HCM 1,5 lần nhưng đến 2015 đã đảo chiều nhỏ hơn kinh tế TP HCM 1,5 lần. Tài nguyên bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu làm mất an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường...

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn vướng phải những bất cập về chính sách, tập trung quá nhiều vào lúa gạo mà quên đi cây ăn quả. Đồng thời, cơ chế chính sách kém bền vững, thiếu hài hòa, xuất khẩu tăng nhưng nông dân nghèo. Ông Sánh cho rằng, cần tăng cường công tác liên kết vùng để phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên và cải tiến chính sách liên quan phát triển nông nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL.

Nói về tình hình kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể, trong các năm 2001 – 2010  tăng trưởng kinh tế trung bình 10%/năm nhưng đến năm 2015 tăng trưởng của vùng chỉ còn 7,8%. Tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước, đầu tư vùng còn ở mức thấp.

Cơ cấu kinh tế thay đổi chậm, số lượng doanh nghiệp còn ít, thiếu đầu tư vào khoa học công nghệ. Những khó khăn, thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối mặt trong thời gian dài là cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông luôn thấp so với nhu cầu nó ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp và khu  vực.

Đọc thêm