Năm 1960, chị Lý thoát khỏi ngục tù, được tổ chức đưa ra miền Bắc chữa trị các vết thương và những bệnh tật mà những ngày “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” đã để lại trên cơ thể và tâm hồn chị.
Năm ấy, tôi công tác ở Hà Nội, mới có hai mươi mấy tuổi, đang sôi nổi hoạt động thanh niên. Với tôi, chị Lý là tấm gương, là thần tượng (chị hơn tôi có 1 tuổi).
Chúng tôi được biết chị là người chiến sĩ cách mạng kiên trung bất khuất, cả nước bên chị “quanh giường nệm trắng” và chị được Bác Hồ tận tay chăm sóc, hết mực yêu thương. Tất cả đều nhờ đọc báo, nghe đài, nhất là qua bài thơ “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu. Riêng tôi, tôi còn có chút tự hào là người đồng hương với chị, tôi không hình dung có ngày mình sẽ vào bệnh viện thăm chị. Nhưng chắc chắn là hình tượng người con gái anh hùng ấy, cùng với vô số những điều giản dị và thiêng liêng khác đã thôi thúc tôi bằng mọi cách đứng vào đội ngũ đông đảo những người cùng trang lứa hăm hở ra tiền tuyến, những năm tháng không thể nào quên đó.
Mười mấy năm sau, từ chiến trường Quảng Đà tôi ra miền Bắc về Hà Nội chữa bệnh và cùng một khu điều dưỡng K5 với chị Lý. Chị ở một căn nhà cấp 4 nhỏ ven hồ Tây. Tôi thường đến thăm chị, kể chuyện Tư Phú, Gò Nổi cho chị nghe. Trước và sau Mậu Thân (1968), tôi luôn ghé nhà chị ở xóm Giếng Đôi (Điện Quang). Mẹ và em gái chị đang ở đó. Như bao bà mẹ xứ Quảng hiền hòa, bà làm mỳ Quảng cho chúng tôi ăn. Bà còn kể: “Các anh bộ đội miền Bắc, nhiều người biết bà là mẹ chị Trần Thị Lý (mà tôi nghĩ rằng phần lớn họ là học sinh cấp 3, ít nhiều biết chị qua bài thơ của Tố Hữu) nói vui: “Có lẽ cả nước này chỉ có nhà mẹ chị Lý là lợp lá chuối” và bà giải thích cho tôi rõ: “Nó càn hoài, đốt hoài, không công sức đâu mà cắt tranh, đánh tranh; sẵn chuối trong vườn nhà, cây nào cây nấy tốt um, chặt đại mấy tàu lá chuối che nắng, chứ khi nào mưa lại phải phủ giấy dầu”.
Nghe tôi nói chuyện mẹ và quê hương, gương mặt chị hơi buồn. Chị nhìn xa xôi rồi bất chợt chỉ vào một cây mít chi chít những quả ở ngay bên thềm: “Anh thấy cây mít đó. Nó chưa phải là cổ thụ nhưng cũng đã già rồi. Về đây ở tôi mới trồng, cả chục năm rồi còn gì. Vườn nhà tôi trong nớ nhiều mít lắm”. Tôi không biết nói sao với chị. Cả Gò Nổi đã bị Mỹ cày đi ủi lại không biết mấy lần, chỉ còn bạt ngàn tranh và bói. Đây đó có mấy bụi tre, hàng keo nhỏ. Chúng chưa kịp lớn lại bị cày ủi.
Lúc này với tôi, chị không còn là thần tượng xa xôi nữa mà là người đồng chí, đồng hương gần gũi, dễ thương. Chúng tôi, những người từ chiến trường ra ở K5, nhiều lúc còn trêu chọc chị.
Thời bao cấp, khó khăn thiếu thốn đó, chúng tôi được ưu tiên lắm. Các mặt hàng cung cấp định lượng nhiều hơn, lại được đưa về tận nơi. Đến ngày bán thịt heo theo lịch, chỉ việc tới căng-tin xếp sổ mua hàng, ngồi chờ đến lượt mình, không phải xếp hàng. Chúng tôi ngồi bên nhau trên những chiếc ghế dài, có chỗ tựa lưng, nói đủ thứ chuyện. Tôi nhớ có một anh ngồi ngay bên chị Lý, khẽ đụng vào chân chị nói vui: “Sao hôm nay anh không thấy bàn chân em lạnh ngắt” (1). Tất cả cười vui, thông cảm với chị. Chị không còn thê thảm, nguy kịch như ngày ở chiến trường mới ra Hà Nội.
Ở K5 tôi còn được nghe nhiều chuyện về chị. Chuyện bị tra tấn hiểm độc để đến bây giờ chị không thể thực hiện thiên chức làm mẹ. Chuyện một gia đình cơ sở chăm nuôi chị hồi mới thoát ngục. Mấy lần vào tù ra khám, chết đi sống lại, chị không chịu được tiếng động, dù không lớn, thế là gia đình ấy tháo cả bộ phận chuông báo giờ của đồng hồ treo tường và làm thịt cả bầy vịt đang đẻ nuôi ở ngoài vườn. Đặc biệt, chuyện Bác Hồ trực tiếp chăm lo cho chị. Bác tự tay hái những bông hoa trong vườn Phủ Chủ tịch tặng chị mỗi lần chị đến thăm. Bác có ý kiến với các bác sĩ hết sức chữa chạy cho chị và cố giữ để không ảnh hưởng đến chuyện sinh nở. Bác dỗ chị ăn hết chén cháo đậu xanh khi chị đến chào Bác đi chữa bệnh ở nước ngoài (đây là lần cuối cùng chị được gặp Bác).
Sau này tôi còn được biết, khi Bác còn khỏe mạnh, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn cùng Bác chăm sóc chị. Hình như trước lúc đi xa, Bác có nói sao đó với đồng chí, lĩnh ý đó của Bác, sau ngày Bác mất, đồng chí chăm sóc chu đáo, ân cần hơn. Sau ngày miền Nam giải phóng, theo nguyện vọng của chị, tổ chức bố trí chị về sống ở Đà Nẵng, một ngôi nhà nhỏ gần Bệnh viện C. Đồng chí Phạm Văn Đồng lại giao việc ân tình này cho các đồng chí Võ Chí Công, Hồ Nghinh. Tôi nhớ một chiều 30 Tết năm đó, ngoài những quà Tết như dành cho những gia đình có công với nước, đồng chí Hồ Nghinh còn cho người đem đến tặng chị một cành đào, đồng chí nói: “Cô ấy nhiều năm ăn Tết ở miền Bắc, gửi cành đào cho cô ấy đỡ nhớ Hà Nội”.
Những ngày ở K5 ấy tôi cũng được biết, nhiều người có ý kiến “gan góc, kiên cường như cô Nhâm (một tên của chị Lý) ở miền Nam nhiều lắm, nhiều lắm”. Nhưng không vì thế mà giảm đi sự quý mến chị, ngược lại ai cũng thấy nhân dân ta rất anh hùng và càng thương quý chị hơn. Chẳng ai đặt vấn đề so người anh hùng này và người anh hùng khác, để rồi cho rằng chị Lý và một số người nào đó may mắn hơn, trong một hoàn cảnh cụ thể được biết đến, được tôn vinh. Thực ra, cho đến lúc về sống ở Đà Nẵng, chị chưa được phong Anh hùng. Người ta biết chị, yêu quý, ngưỡng mộ chị vì được biết tấm gương kiên trung, bất khuất tuyệt vời của chị và chẳng ai nhớ đến (thấy là cần thiết) làm các thủ tục để chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Ai cũng biết vinh dự đó là thuộc về tất cả những người đã dâng hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc, những người được biết tên và những người không tên. Như Bác Hồ đã nói “Cứ mỗi lần có thử thách lớn thì nhân dân ta lại tỏ rõ khí phách, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình. Ngày nay chúng ta lại đang đứng trước nhiều thử thách rất lớn. Truyền thống anh hùng hàng nghìn năm đang được nhân dân ta phát huy đến độ cao chưa từng thấy. Đã có những người làm nên sự tích oanh liệt, được Đảng và Nhà nước tuyên dương. Dù sao, số người và những tập thể được công nhận anh hùng, được tuyên dương cũng chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hằng ngày góp gió thành bão gánh vác mọi việc nước, việc nhà để đánh thắng giặc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Nói về những người anh hùng không tên, hay nói cho đúng là họ có tên, nhưng không được nêu tên, được tuyên dương, hơn thế cuộc đời và công tích của họ có thể bị rơi vào quên lãng, một sự quên lãng mà không ai chịu trách nhiệm trừ cuộc đời vô cùng phong phú, bề bộn này.
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐÌNH AN
(1) Trong bài thơ viết về chị Lý “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu có câu “Cho anh hôn bàn chân em lạnh ngắt”.