Ký ức về Hội nghị thành lập Đảng
Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá tư tưởng cộng sản tại các lớp học ở Hương Cảng. Đồng chí Lê Văn Hiến – nguyên là Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau này nhớ lại: “Ngay từ năm 1927, Tổng bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã có chỉ thị rút người đưa ra học tập ở nước ngoài. Quảng Nam cử đi ba đồng chí: Lê Quang Sung, Đỗ Quỳ và Phan Thêm.
|
Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh ủy Quảng Đà và Quảng Nam bàn việc hợp nhất bộ máy tổ chức 2 tỉnh ngày 29-9-1975. |
Cần có một số tiền khá khá để các đồng chí đó chi dùng ở dọc đường và trong thời gian ăn học, chi bộ chúng tôi liền khẩn trương tổ chức quyên góp tiền giúp cho số anh em được đi học ở nước ngoài. Chỉ trong khoảng mấy ngày đã lo liệu khá chu đáo. Theo kế hoạch dự tính lúc đầu, một đồng chí đi theo đường Quảng Trị để sang học ở Thái Lan; hai đồng chí Đỗ Quỳ và Phan Thêm vào Sài Gòn xuống tàu biển sang Trung Quốc. Nhưng sau đó, để tránh con mắt theo dõi của bọn mật thám và cũng còn do một số khó khăn khác, việc thực hiện có thay đổi. Dù vậy, ba đồng chí đi học vẫn trót lọt. Mấy tháng sau, anh chị em vui mừng đón đồng chí Lê Quang Sung trở về.
Sau đó đến lượt đồng chí Đỗ Quỳ. Riêng đồng chí Phan Thêm không rõ vì sao không thấy trở về”. Trong hồi ký của mình, đồng chí Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) cho biết mình là một trong những người tham gia Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Về Hội nghị thành lập Đảng và sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng, sau này đồng chí Phan Văn Định – Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng nhớ lại: “Cuối tháng 3 năm 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Nguyễn Thịnh) vào truyền đạt, cho biết: Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Hội nghị Hồng Kông, các Đảng Cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn) đã thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi nghe tin Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập mà người chủ trì việc thống nhất các Đảng Cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lại là Nguyễn Ái Quốc thì vui mừng khôn xiết. Thế là từ nay, những người như chúng tôi, những người mày mò tìm con đường cách mạng cứu nước đã có được một tổ chức thống nhất và có những người lãnh đạo uy tín, tin cậy. Theo gợi ý của Xứ ủy, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định ngày làm lễ chính thức đổi tên Đảng của mình. Mãi mãi suốt đời tôi còn nhớ ngày hôm ấy. Cũng tại bãi cát Trường Lệ trên đất Hội An, vào tối ngày 28 tháng 3 năm 1930, tất cả các đồng chí trong Tỉnh ủy đều có mặt.
Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Phong Sắc thông báo, tôi thay mặt cho các đồng chí đảng viên Quảng Nam chính thức tuyên bố kể từ ngày 28 tháng 3 năm 1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Quảng Nam chuyển thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Từ đây, những người làm cách mạng chân chính chỉ có một Đảng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, người đại diện duy nhất cho quyền lợi của giai cấp công nông và nhân dân lao động khác. Tôn chỉ mục đích không thay đổi. Giờ phút thiêng liêng ấy làm nhiều đồng chí xúc động. Tôi lúc ấy cũng bùi ngùi không tả nổi.
Nhớ lại ngày mới lên bảy, lên tám, theo cha đi tập cày để kiếm miếng cơm, tôi thấy xã hội giàu nghèo mà uất ức, biết thằng Pháp bạo tàn mà căm tức rồi quyết chí tìm đường chống Pháp bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng cảm thấy lẻ loi, mù mịt. Hôm nay, tôi đã được đứng vào hàng ngũ của những người Cộng sản, có sức mạnh đoàn kết. Việc thống nhất lại các Đảng cho tôi hiểu: Đảng của mình sắp sửa bước vào cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù. Thật không ngờ, giờ đây trên vùng đất Quảng Nam, mới mấy năm, tôi đã tìm gặp được bao nhiêu người bạn, người đồng chí tốt. Họ đã giúp cho tôi lớn lên vững vàng, trưởng thành trong cuộc sống và lý tưởng cao quý của đời mình - và tôi tin, con đường đời mình chọn là đúng hướng!”.
Nhớ kỳ Đại hội sau ngày đất nước thống nhất
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hơn 1 năm lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước, Đảng ta đã từng bước ổn định tình hình tại miền Nam và giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Ngày 10-11-1976, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tiến hành Đại hội lần thứ XI (vòng 1). Đại hội thông qua các văn kiện: Báo cáo chính trị Đại hội, phương hướng kế hoạch 5 năm (1976-1980) và tổng kết công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và tổng kết tình hình 2 năm sau ngày giải phóng quê hương. Để tiếp tục đưa đất nước tiến lên, từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã thông qua các văn kiện báo cáo chính trị, vạch ra các phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch 5 năm lần thứ 2 trong toàn quốc (1976-1980).
Để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, Thành ủy Đà Nẵng phát động phong trào ra quân đánh bắt vụ cá Nam, đã thu được nhiều thắng lợi lớn. Ngư dân các phường có nghề cá lâu đời như: An Hải Tây, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, Thọ Quang… hăng hái bán cá cho các cơ sở thu mua và cung ứng nghề cá của thành phố với số lượng lớn. Đặc biệt, để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, bà con ngư dân Đà Nẵng đã chuyển 2 tàu cá ra Hà Nội để tặng Đại hội. Nhớ lại kỷ niệm này, ông Phạm Đào – lúc đó là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận III cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ Đà Nẵng, để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, Quận ủy quận III chúng tôi ngoài việc phát động đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ, còn cử người chở 2 tàu cá từ An Hải Tây ra Hà Nội để tặng Trung ương phục vụ Đại hội!”.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng triển khai hàng loạt công trình quan trọng, gây được tiếng vang lớn, được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong tỉnh như: Tiến hành xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh, vận động nhân dân lên đường xây dựng vùng kinh tế mới tại Tây Nguyên, cải tạo công thương nghiệp, thực hiện rà phá bom mìn, tấn công đồng cỏ để giải phóng đất đai, phát triển nông nghiệp…
LƯU HOÀNG GIANG