Nhói lòng trước một tổ ấm sắp tan...

Nhìn cô ôm các con vào lòng, bên cạnh là người cha bệnh tật phải làm chỗ dựa cho con cháu, tôi cảm nhận được tiếng sóng đang vỗ ào ạt vào bờ như tiếng lòng trắc ẩn của thiếu phụ trẻ trên con đường cô quạnh phía trước…

 Phiên tòa xét xử một vụ ly hôn xảy ra ở một thị xã nhỏ thuộc một tỉnh miền Tây Nam Bộ đang diễn ra tại phần căng thẳng nhất từ quan điểm trình bày bảo vệ quyền lợi của đôi bên, trong cái nắng chói chang và giông tố bất chợt đầu tháng 5/2012… 

Ảnh minh họa.

Có lẽ, cuộc hôn nhân nào cũng có cơ duyên của nó. Chẳng phải người xưa đã phải thốt lên từ “duyên phận” để chỉ những cuộc hôn nhân chứa đựng trong nó những ngất ngây hạnh phúc hay cay đắng trăm bề, về sự ngẫu nhiên mà một cá thể nam và nữ đến tuổi trưởng thành gặp nhau trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi.

Cách đây tròn mười năm, cô gái vừa bước chân vào đại học, từ TP HCM về thăm quê trong dịp nghỉ hè, khi đến nhà người chị họ - ngôi nhà nằm đối diện một tiệm vàng nổi tiếng của thị xã. Cô gái bắt gặp một chàng trai cứ nhìn mình đăm đắm, buông lời hỏi thăm địa chỉ nhà. Cô gái nói tinh nghịch: “Anh muốn đến nhà em chơi thì phải đưa cha mẹ đến nói chuyện…”.

Câu chuyện bâng quơ thế mà cũng đủ sức dẫn chàng trai về nhà xin phép cha mẹ đến tận nhà cô gái thưa chuyện, từ đây bắt đầu hình thành nên một trong những cuộc hôn nhân nổi tiếng cả một vùng.

“Trai tài, gái sắc” - là câu cửa miệng của mọi người khi nói về đôi trai gái này. Được cha mẹ hai bên vun trồng, hỗ trợ nên tiệm vàng đứng tên riêng của hai vợ chồng ngày càng đông khách. Hạnh phúc càng viên mãn hơn khi ba đứa con lần lượt ra đời, hai trai, một gái, kháu khỉnh, bụ bẫm, mặc dù cả ba lần cô đều phải sinh mổ.

Không rõ có phải vì sức hút của người mua đến với tiệm vàng của người con dẫn đến tiệm vàng nguyên thủy của cha mẹ chồng thưa khách, rồi dẫn đến tâm lý cạnh tranh, nảy sinh ý muốn thu hồi thương hiệu hay không, nhưng từ đó vốn liếng kinh doanh, cửa tiệm của hai vợ chồng bị cha mẹ chồng đòi lại.

Thời gian đầu, chồng còn đứng bên cạnh vợ để bảo vệ hạnh phúc mỏng manh có nguy cơ bị tan vỡ. Nhưng sau đó, do áp lực quá lớn từ cha mẹ chồng, nên anh đã buông xuôi. Lá đơn ly hôn được gửi đến Tòa án là sự tích tụ mâu thuẫn qua những sự kiện không ngờ, đến từ cả hai phía, với những căng thẳng, ầm ĩ, hao tổn bao sức lực và tinh thần của gia đình cả hai bên sui gia.

Cuộc tranh luận giữa các luật sư, với những cách tiếp cận khác nhau, cố gắng bảo vệ tối đa quyền lợi khách hàng của mình. Sau một ngày căng thẳng, phiên tòa chưa kết thúc. Ngồi trong một quán nhỏ cặp sát bờ sông Tiền, người cha bị tai biến mạch máu não lâu lâu nhìn về đứa con gái  rồi ông chép miệng: “Tội nghiệp nó quá! Là con gái út, tưởng nó được hạnh phúc khi gửi gắm vào gia đình có điều kiện, ai dè nên nông nỗi này…”. 

Chốc chốc, ông lại nhìn ra cửa… Ông đang chờ ba đứa cháu ngoại được đón từ trường về. Khoảng chừng hơn tiếng sau, cả ba đứa như ba con chim non xà vào lòng ông. Nắm bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn như những nụ hồng, nhìn vào đôi mắt trong veo, tròn xoe như viên bi ngây thơ của các cháu, tôi cảm thấy cái giá của sự chia tay quá lớn! Tôi hiểu, hơn ai hết, những đứa trẻ sẽ là những người bị thiệt thòi nhất…

Bất chợt, trời lại chuyển cơn mưa. Vẫn những hạt mưa đan chéo không gian, qua ánh đèn mờ ảo chiếu xuống dòng sông đang chảy xiết. Ngày mai, không biết Hội đồng xét xử sẽ phán định như thế nào về sự tồn tại cuộc hôn nhân, quyền lợi về tài sản của đôi bên và liệu cô có gượng dậy được không trước sự đổ vỡ này?.

Nhìn cô ôm các con vào lòng, bên cạnh là người cha bệnh tật phải làm chỗ dựa cho con cháu, tôi cảm nhận được tiếng sóng đang vỗ ào ạt vào bờ như tiếng lòng trắc ẩn của thiếu phụ trẻ trên con đường cô quạnh phía trước…

Luật sư PHAN TRUNG HOÀI

Đọc thêm