Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sẽ kéo dài 7 ngày từ 8/2 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng). Dịp Tết này lượng người di chuyển luôn đông nhất trong năm, nhất là khu vực từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung, Hà Nội và ngược lại. Đây là dịp người lao động, người dân về quê ăn Tết, cũng là dịp nhiều gia đình đi du lịch.
Nắm bắt cơ hội trên, các hãng hàng không nội địa thường tăng chuyến bay, thêm ghế để bảo đảm phục vụ hành khách đi lại. Nhiều hãng hàng không đã mở bán vé máy bay Tết Nguyên đán từ tháng 9. Thông thường, theo quy luật, người mua vé máy bay Tết càng sớm thì giá càng thấp, càng sát Tết giá vé máy bay càng đắt đỏ. Hiện nay, dù còn hơn hai tháng nữa mới đến dịp Tết Nguyên đán, nhưng vấn đề vé máy bay đã thật sự “nóng ran”.
Theo đại diện hãng Vietnam Airlines, dịp Tết Nguyên đán 2024, đơn vị này sẽ “tung” ra khoảng 3 triệu vé máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Từ giữa tháng 7, vé đã được mở bán trên tất cả các kênh phân phối, từ website, ứng dụng di động, đến các phòng vé và đại lý chính thức cho ngày bay từ 25/1 đến 24/2/2024 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng). Căn cứ nhu cầu của hành khách, Vietnam Airlines tập trung tăng chuyến trên các đường bay nội địa kết nối 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam, Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Phú Quốc…
Đối với mạng bay quốc tế, các đường bay của hãng được cung ứng nhiều chỗ nhất là giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Australia, Pháp, Đức.
Tương tự, các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng đã mở bán vé dịp Tết. Cụ thể, Vietjet dự kiến có hơn 2,5 triệu vé, Bamboo Airways khoảng 1 triệu, còn Vietravel Airlines khoảng 700.000.
Cũng như các năm trước, giá vé máy bay dịp Tết được bán với giá cao. Khảo sát tại một số website bán vé máy bay cho thấy, mặt bằng chung, vé hãng Vietnam Airlines là cao nhất, sau đó đến Bamboo Airways, Vietjet… Cụ thể, giá vé máy bay khứ hồi cho chặng từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội đi vào ngày 8/2/2024 (ngày 29 tháng Chạp) và chiều vào ngày 14/2/2024 (mùng 5 tháng Giêng) của Vietnam Airlines ở hầu hết các khung giờ đều khoảng 7 triệu đồng, Bamboo Airways gần 7 triệu đồng. Cùng chặng này, Vietjet đang mở bán giá hơn 6 triệu đồng. Giá vé khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (tức chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 Tết) từ TP Hồ Chí Minh - Vinh (Nghệ An) của VietJet Air khoảng 5,6 triệu đồng, Bamboo Airways khoảng 7,1 triệu đồng và Vietnam Airlines là 9,9 triệu đồng…
Không chỉ vé máy bay nội địa có giá đắt đỏ, nhiều đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam dịp Tết giá vé cũng tăng giá, đặc biệt là các đường bay từ Mỹ, Canada, Úc, khu vực Tây Âu về Việt Nam. “Do đang tham khảo giá vé cận Tết bay sang Úc, em mới để ý và thắc mắc, sao bay thẳng Sài Gòn - Sydney tận 30 triệu?”, một khách hàng thắc mắc trên một diễn đàn hàng không. “Vé bay theo thời giá, mà vé Tết ở Mỹ về Việt Nam cũng đâu có rẻ, cũng chát thấy mồ”, một thành viên khác trả lời.
Theo tìm hiểu, hiện vé máy bao dịp Tết còn rất nhiều, ở tất cả các hãng bay nội địa. Đường bay đông người mua vé nhất là từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Tại một số hãng, chuyến bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội có tỷ lệ lấp đầy đã đạt 70 - 80% cho giai đoạn cận Tết. Dự báo, thời gian ngắn tới sẽ có nhiều chuyến bay có ngày giờ đẹp được lấp đầy. Cùng với đó, nhiều khả năng giá vé sẽ được đẩy lên cao hơn.
Để giá vé máy bay ở mức hợp lý, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai một số giải pháp. Đầu tiên là chỉ đạo các hãng tăng nguồn cung. Theo báo cáo, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024, các hãng dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sẵn sàng phương án khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao
Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải, xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải, đồng thời bảo đảm đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ trong dịp Tết; hướng dẫn, đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe…; Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay; tăng cường nhân lực, các trang thiết bị phục vụ công tác soi chiếu an ninh để bảo đảm an ninh, an toàn và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại trong các ngày cao điểm trước, trong và sau Tết; chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm…
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn…