Những bà mẹ nói “không“với phong bì cho cô giáo

Nghe cô con gái 3 tuổi thắc mắc "sao mẹ không tặng 'máy bay' cho các cô như mẹ các bạn lớp con", chị Nhung mỉm cười nửa đùa nửa thật "Tại nhà mình nghèo hơn con ạ". 
Có hai con đang học mầm non, chị Nhung (khu đô thị Pháp Vân, Hà Nội) cho biết chị chưa từng biếu phong bì hay tặng quà cho cô giáo, dù vào bất cứ dịp nào trong năm. Hồi bé lớn 3 tuổi, cháu từng phụng phịu khi không thấy mẹ tặng "máy bay" (hình in trên chiếc phong bì) cho cô giáo vào dịp 20/11 như các phụ huynh khác. Chị Nhung hướng dẫn con tự làm bưu thiếp tặng cô và chỉ nhẹ nhàng bảo bé "con ngoan là cô vui nhất, và đó là món quà lớn nhất của cô".
"Con bé cũng không thắc mắc gì thêm, và từ đó, dịp nào, dù 8/3 hay 20/11, cháu cũng rất hào hứng tự làm những tấm thiệp để tặng các cô", chị Nhung nói.
Chị Nhung cho biết, hồi bé đầu mới đi học, vào những dịp đặc biệt như ngày Nhà giáo Việt Nam, chị cũng định mua quà hay biếu phong bì cho cô như các phụ huynh khác có con học cùng lớp, nhưng anh xã chị không đồng ý. Theo anh, cư xử như vậy là "làm hư" cô giáo chứ không phải thể hiện tấm lòng trân trọng và biết ơn. Thấy quan điểm này hợp lý, chị thực hiện theo.
Hiện nay, hai bé nhà chị, một 3 tuổi, một 5 tuổi đều đang học tại một trường mầm non tư thục gần nhà. Dù chưa bao giờ mẹ tặng quà cho cô, nhưng các con luôn được cô giáo quý vì bé nào cũng ngoan. Chị Nhung cho rằng không ít phụ huynh hiện nay tặng quà hay tiền cho cô giáo chưa hẳn xuất phát từ tấm lòng, mà vì tâm lý sợ không có gì thì con mình không được quan tâm nhiều hoặc bị "trù".
Chị nghĩ, nếu con mình thái độ tốt, học bình thường thì không cô nào lại có thái độ thiếu thiện chí. Hơn nữa, vợ chồng chị cũng quan niệm, việc học ở trường không phải là quan trọng nhất, mà cái chính là giúp con biết kỹ năng sống, và điều này chính bố mẹ phải hướng dẫn con. 
Học trò mang hoa tặng cô 20/11. Ảnh minh họa: Đức Quang.
Học trò mang hoa tặng cô 20/11. Ảnh minh họa: Đức Quang. 
Cũng "dị ứng" với chuyện "phong bì", chị My (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, 3 năm nay, cứ ngày 20/11, chị lại mua 2 bó hoa và một chiếc bánh gato mang tới trường con. "Một bó hoa tặng các cô lớp con, một bó hoa tặng các cô văn phòng, còn bánh gato để cả lớp liên hoan", chị My chia sẻ.
Chị My cho biết bắt đầu biết tới khái niệm "phong bì" trong trường học từ khi bước chân vào đại học. Đa số các bạn rủ nhau tới nhà thầy cô biếu quà, tiền vào các dịp 20/11 hay cận kỳ thi là những người hay nghỉ học, học kém, sợ bị đánh trượt hoặc không được thi.
"4 năm ngồi giảng đường mình chưa từng đi phong bì thầy cô nào, và mình cảm thấy việc làm đó làm hạ thấp danh dự, cả người nhận và người tặng. Có lẽ vì thế, ngay khi cho con đi học, nguyên tắc từ đầu của mình cũng là 'nói không với phong bì'", bà mẹ 28 tuổi nói.
Theo chị My, trong thâm tâm, chị luôn rất quý trọng và cảm ơn các cô giáo, khi thời gian con ở bên cô nhiều hơn bên bố mẹ, các cô cũng rất tận tình và chu đáo với trẻ. Chị cho rằng có nhiều cách để bày tỏ tấm lòng với cô, và chị chọn những cách khác, ngoài tiền mặt. 
Một trong những lý do khiến chị Huyền (Mỹ Đình, Hà Nội) không tặng quà các cô giáo của con như hầu hết phụ huynh có con học lớp 2 cùng bé nhà chị là học phí của con cũng như khoản quỹ chi cho các ngày lễ (gồm 20/11) đã rất cao. 
Con gái chị Huyền đang học tại một trường tiểu học tư thục chất lượng cao, với mức phí đóng mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Mỗi năm, phụ huynh còn đóng khoảng 1 triệu đồng để ban đại diện mua hoa, tặng phẩm cho các cô vào các dịp lễ tết. "Bố mẹ nhiều bạn cùng lớp với con tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi không có gì đặc biệt dành cho cô vào 20/11, nhưng tôi lại thấy việc mỗi người mua thêm hoa, quà ngoài phần đại diện ban phụ huynh đã trao là... lạ. Tại sao chúng ta phải làm thế", chị Huyền bày tỏ.
Chị cho biết, những năm con học mầm non, chị cũng không mấy khi lo lắng đến việc nên để phong bì cho cô bao nhiêu hay nên mua quà gì thì cô thích vào cận các dịp lễ như nhiều đồng nghiệp khác.

Đọc thêm