Những bí mật chưa được tiết lộ ở Syria

Các tài liệu do trang mạng Wikileaks mới công bố đã tiết lộ những thông tin bất thường về cuộc xung đột tại Syria, đặc biệt là những toan tính của các phe phái bên ngoài.

 Các tài liệu do trang mạng Wikileaks mới công bố đã tiết lộ những thông tin bất thường về cuộc xung đột tại Syria, đặc biệt là những toan tính của các phe phái bên ngoài. 

Chiến sự tại Syria đang ngày càng ác liệt. Ảnh: BBC

Sự chuyển hướng của Nhà Trắng

Vụ thảm sát Houla hồi tháng 5 đã được dự báo từ trước khi nó xảy ra trong tài liệu Wikileaks tiết lộ hồi tháng 2 về một cuộc họp giữa giới chức NATO với một công ty tình báo tư nhân. Nhưng những thông tin trong email mới được tiết lộ đã cho thấy ý đồ của Nhà Trắng đứng đằng sau châm ngòi hành động khiêu khích của phe đối lập. Bởi sự thật là, nhiều người chết trong vụ thảm sát là nạn nhân chịu bom rơi đạn lạc khi hai bên giao tranh, nhưng những xác trẻ em và phụ nữ bị đâm hoặc bắn chết hoàn toàn là do cố ý.

Trong tài liệu giải mật, nhà phân tích của Stratfor nhận định dù lực lượng đặc nhiệm của NATO cố tránh bị nghi ngờ nhúng tay trực tiếp giết người Syria thì cũng đã tiết lộ về “giả thiết” thực hiện các vụ tiến công du kích hoặc chiến dịch “ám sát”, cố gắng phá hoại các lực lượng ủng hộ chính phủ như quân du kích Alawite, châm ngòi cho mâu thuẫn nội bộ dẫn tới sụp đổ từ bên trong.

Bối cảnh trước khi xảy ra vụ thảm sát Tremseh dường như đang nghiêng về phía Tổng thống Assad. Đây có thể là lí do thúc đẩy NATO đi đến quyết định cần châm ngòi một kịch bản thảm sát mới. Hội nghị mở rộng của phe đối lập Syria tại Cairo, Ai Cập từ ngày 2/7 nhằm thống nhất các nhóm đối lập và tìm ra nhân vật chủ chốt đại diện cho nhóm này chẳng đi đến kết quả nào. Với những nỗ lực của mình, NATO chờ đợi cuộc họp của phe đối lập sẽ là chìa khóa để thay đổi tình hình tại Syria.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, những bất đồng và sự khác biệt giữa các nhóm đối lập không được giải quyết, các bên không tìm ra tiếng nói chung nào khác ngoài tranh chấp chiếc ghế trống khi ông Assad ra đi. Nhà phân tích Nadim Shehadi, Viện Chatham House, London nhận định: “Chia rẽ trong phe đối lập càng củng cố thêm quan điểm rằng không ai có thể thay thế được ông Assad.” Rõ ràng phe đối lập không phải là một nước bài hay như NATO mong đợi.

Tờ Telegraph ngày 17/7 đưa tin, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cảnh báo các đồng minh phương Tây và phe đối lập Syria rằng họ sẽ không can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước này cho tới khi kết thúc chiến dịch bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, thẳng thừng từ chối những yêu cầu về vũ khí hạng nặng và trợ giúp do thám.

Trong các nội dung trao đổi với những cá nhân, tổ chức ở nước ngoài từ khoảng tháng 6/2008 cho tới tháng 3 năm nay do Wikileaks công bố cho thấy một số thành tựu của chính phủ Syria và nền kinh tế nước này, đồng thời tiết lộ các nước phương Tây “nói một đằng, làm một nẻo”. Trường hợp đầu tiên được nêu tên là công ty quốc phòng Finmeccanica của Italia. Các email ban đầu hé lộ công ty này đã bán công nghệ liên lạc có tên là Tetra cho lực lượng an ninh của Syria.

Dữ liệu chứng tỏ việc mua bán, hỗ trợ và tập huấn sử dụng vẫn kéo dài tới tận năm  nay, dù trước mặt Italia luôn tỏ ra là thành viên tích cực của NATO. Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assagne đang trú ngụ ở Đại sứ quán Ecuado tại Anh bình luận: ““Hồ sơ Syria” làm sáng tỏ lợi ích, hành động và suy tính của các bên. Lần giải mật này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mâu thuẫn đang diễn ra tại Syria và hy vọng có thể sớm giải quyết mâu thuẫn đó.”

Vụ bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, Syria đối với Nga không chỉ đơn thuần là đối tác buôn bán vũ khí, Syria đóng vai trò là căn cứ quân sự chiến lược. Nga hiện duy trì duy nhất một căn cứ quân sự trên biển Địa Trung Hải, đặt tại cảng Tartus thuộc Syria. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí chính cho Syria, giá trị những hợp đồng mua bán vũ khí gần đây với Syria đã mang lại cho Nga hơn 4 tỷ USD mỗi năm.

Với gần như toàn bộ hệ thống máy bay phản lực, trực thăng, hệ thống tên lửa đạn đạo của Syria do Nga sản xuất, cộng với chi phí cho việc có được căn cứ quân sự tại cảng Tartus không hề rẻ cùng với hàng tỷ USD tiền nợ của Syria đã được xóa dưới chế độ Soviet, Nga khó có thể tức thời chấm dứt những hợp đồng mua bán với Syria.

Trong cuộc chiến đang diễn ra, tình báo Nga và Syria cũng chia sẻ những chiến dịch tình báo chung. Việc máy bay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ ngày 22/6 trên không phận Syria đã thể hiện sự kết hợp ăn ý của lực lượng tình báo hai nước. Sau vụ bắn hạ máy bay, Al-Zajeera đã phân tích tỉ mỉ kế hoạch này.

Theo đó, Nga đã cung cấp tin tình báo cho Syria về âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ hòng thu được máy bay MIG-21 của Syria để giải mã hệ thống nhận dạng nhằm đánh lừa hệ thống phòng không của Syria. Các nhà lãnh đạo Syria cũng nhận được báo cáo về hành vi đáng ngờ của tay phi công tên là Hassan Hamade. Tên này vốn là phản gián, đang đi lại với một số nhân vật người Jordan và chuẩn bị kế hoạch đào tẩu.

Syria đã thả cho Hassan trốn đi cùng một chiếc MIG-21, để hắn y kế hoạch, hạ cánh xuống Jordan và trao cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống nhận dạng đã được làm giả của máy bay này. Ngay ngày hôm sau, tình báo Nga thông báo chính xác về việc máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có bộ giải mã nhận dạng của MIG-21 bay vào không phận Syria. Đây chính là chiếc máy bay mà Syria đã bắn hạ.

Việc bắn hạ máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được coi là minh chứng cho sự quyết tâm và khả năng phản ứng chống lại mọi âm mưu bên ngoài của chính quyền Assad giữa lúc NATO đang gia tăng áp lực can thiệp quân sự. Nga không chỉ đóng vai trò một đồng minh, một chỗ đứng mà còn sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ chế độ Syria.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Đọc thêm