Những cái nhất của Olympic PyeongChang

(PLO) - Diễn ra từ 9/2 đến 25/2/2018, Olympic PyeongChang đã lập nhiều kỷ lục và cái nhất. Và để đảm bảo an toàn cho Olympic PyeongChang, Hàn Quốc đã tăng cường kiểm tra an ninh ở sân bay - hành lý của hành khách được kiểm tra kỹ bằng máy quét tia X nhằm phát hiện các vật nguy hiểm cũng như ngăn ngừa nguy cơ khủng bố.
Hàn Quốc có một kế hoạch an ninh toàn diện cho Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang
Hàn Quốc có một kế hoạch an ninh toàn diện cho Thế vận hội mùa Đông tại PyeongChang

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát và an ninh còn tổ chức diễn tập nhiều lần với sự tham gia của hàng nghìn người. Người đứng đầu lực lượng an ninh Hàn Quốc cho biết, nước này đảm bảo an toàn cho vận động viên với lực lượng tuần tra 24/24h ở các tuyến đường cũng như các địa điểm nghỉ ngơi. 

Khoảng 5.000 cảnh sát và nhân viên an ninh được huy động để đảm bảo an ninh cho Olympic Pyeongchang. Quân đội Hàn Quốc cũng diễn tập chống khủng bố quy mô lớn với sự tham gia của lính đặc nhiệm, chó nghiệp vụ, máy bay không người lái và robot phá bom nhằm chuẩn bị cho Olympic PyeongChang. 

Mỹ đánh giá cao kế hoạch đảm bảo an ninh của Hàn Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein tuyên bố, bất cứ công dân nào của Mỹ đến Thế vận hội Mùa Đông 2018 đều được đảm bảo rằng, Hàn Quốc có một kế hoạch an ninh toàn diện và Washington ủng hộ mạnh mẽ đồng minh của mình.

Mỹ tham dự với đoàn thể thao đông nhất trong lịch sử Olympic mùa Đông. Mục tiêu của đoàn thể thao Mỹ tại PyeongChang là giành tấm huy chương vàng thứ 100 và tấm huy chương thứ 300 của Olympic mùa Đông. 

Đây là Thế vận hội mùa Đông lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á ngoài Nhật Bản. Việc để đoàn văn công CHDCND Triều Tiên đi tàu thủy qua Hàn Quốc biểu diễn nhân dịp Olympic PyeongChang là một ngoại lệ và đó là nỗ lực nhằm thúc đẩy ngoại giao với Bình Nhưỡng của Seoul. Bởi theo đề nghị của Bình Nhưỡng, đoàn văn công CHDCND Triều Tiên muốn đi bằng tàu Mangyongbong 92, vốn bị Seoul cấm từ tháng 5/2010.

Cảnh sát Hàn Quốc diễn tập chuẩn bị cho Olympic mùa Đông
Cảnh sát Hàn Quốc diễn tập chuẩn bị cho Olympic mùa Đông

Ông Choi Moon-soon, Thống đốc tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Olympic PyeongChang từng tuyên bố, họ sẵn sàng dùng một du thuyền để đưa đoàn Triều Tiên đến cảng Sokcho gần với những điểm thi đấu. Việc ông Kim Yong-nam, Chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên (từng dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic Sochi 2014 và không nằm trong danh sách cấm vận của Liên hợp quốc và Mỹ) dẫn đầu đoàn đại biểu gồm 22 thành viên sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc Olympic PyeongChang cũng là cái nhất đáng quan tâm. Bởi ông Kim Yong-nam là quan chức cấp cao nhất của CHDCND Triều Tiên tới thăm Hàn Quốc từ trước đến nay. 

Hành trình hơn 2.000 km của ngọn đuốc Olympic Pyeongchang cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi sự xuất hiện lần đầu tiên của robot rước đuốc - robot rước đuốc có tên HUBO (di chuyển 65 bước/phút) do Giáo sư Oh Jun-ho của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc chế tạo và nó hoạt động dưới sự điều khiển của FX-2, một robot khác do con người vận hành.

Với việc lần đầu tiên đưa robot tham gia rước đuốc Olympic, Hàn Quốc muốn khẳng định sức mạnh công nghệ của mình. Được biết, nhà vô địch trượt băng nghệ thuật Olympic Kim Yu-na cùng Thủ tướng Lee Nak-yon đã tiếp lửa và ngọn đuốc được chuyền tay nhau trong 100 ngày. Ngôi sao trượt băng nghệ thuật You Young là người đầu tiên trong số 7.500 người rước đuốc, đi qua 9 tỉnh, 8 thành phố, hơn 150 quận và huyện trước khi đến đích cuối cùng.

Tờ Time cho biết, Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc đã kêu gọi chấm dứt thói quen ăn thịt chó của người dân nước này vì lo ngại du khách quốc tế có thể phẫn nộ trước thói quen kể trên của xứ sở kim chi khi tham dự Olympic PyeongChang. 

“Chúng tôi đón tổng cộng 2.943 vận động viên từ 92 quốc gia tham dự Olympic. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử một kỳ Thế Vận hội mùa Đông”, lãnh đạo ban tổ chức thông báo. Lễ khai mạc và bế mạc của Olympic PyeongChang mang chủ đề tôn vinh hòa bình và hướng tới tương lai.
Theo đài NPR, sân vận động Olympic mới xây tại Pyeongchang chỉ được dùng 4 lần - khai mạc và bế mạc của sự kiện Olympic và Paralympic mùa đông năm nay, sau đó bị phá bỏ. Và tổng chi phí cho các công trình phục vụ Olympic Pyeongchang lên tới gần 13 tỉ USD. Việc chi tới 109 triệu USD để xây dựng nhưng chỉ được dùng 4 lần rồi bỏ đã dấy lên câu hỏi về việc đăng cai tổ chức Thế vận hội có thực sự đem lại hiệu quả kinh tế.