Những “chiêu” vỡ nợ của đại lý cà phê

(PLO) -Liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra hai vụ vỡ nợ của các đại lý thu mua cà phê khiến bà con ký gửi loại nông sản này như ngồi trên đống lửa. 
Người dân vây quanh bà Niềm (áo sọc ngang) đòi nợ
Người dân vây quanh bà Niềm (áo sọc ngang) đòi nợ

Hứa trả, nhưng chưa biết… bao giờ

Sáng 12/5, hàng chục người dân xã Ia Krái kéo đến nhà bà Đoàn Thị Niềm (53 tuổi, ngụ Ia Krái, Ia Grai, Gia Lai) để đòi nợ sau khi nghe tin bà này tuyên bố vỡ nợ. 

Theo những chủ nợ trình bày, bà Niềm làm nghề thu mua nông sản trên địa bàn sáu năm nay. Thấy gia đình bà này có vẻ làm ăn phát đạt, mua xe ô tô con, xe tải… nên nhiều người tin tưởng mang cà phê đến nhà bà này ký gửi, chờ giá cao sẽ bán. Nếu ứng tiền, bà Niềm sẽ cho người ký gửi ứng nhưng tính với lãi suất cao hơn ngân hàng (hiện tại là lãi suất 1,2%).

Đến khoảng 16h ngày 11/5, bà Niềm cùng chồng bất ngờ mang đơn lên công an xã trình báo vỡ nợ. Theo cơ quan công an xã, đơn trình báo của bà Niềm là vỡ nợ số tiền 7,5 tỷ đồng (tương đương hơn 200 tấn cà phê của 47 hộ dân).

Đến sáng 12/5, khi biết tin công an đến nhà bà Niềm để tìm hiểu vụ việc, người dân mới vỡ lẽ và kéo nhau đến nhà bà này để đòi nợ.

Theo người dân nơi đây, bà Niềm nói vỡ nợ do làm ăn thua lỗ là thiếu căn cứ bởi họ ký gửi cà phê cho bà Niềm chứ chưa bán. Khi họ bán đều bị bà Niềm trừ tiền tạp chất, hao mòn. Nếu ai kẹt tiền xin ứng thì bà Niềm sẽ cho ứng nhưng đều tính lãi suất cao hơn ngân hàng khoảng 0,4%.

Vì vậy những chủ nợ cho rằng bà Niềm đã lừa đảo họ để chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo người dân, trước khi nộp đơn xin vỡ nợ, gia đình bà Niềm đã có một loạt động thái “kỳ quặc” như: tổ chức thu mua, nhận ký gửi cà phê, điều của rất nhiều người với lý do “lấy cà phê mới trộn với cà phê thối cho dễ bán”.

Toàn bộ hơn 200 tấn cà phê nhân của người dân ký gửi tại kho của bà Niềm được gia đình bà này mang bán sạch. Sau đó bà Niềm đã mang tiền vào ngân hàng trả nợ, rút bìa đỏ nhà đất đang thế chấp ra để sang tên cho người thân. Ngoài ra, chiếc xe ô tô bà này đứng tên cũng được làm giấy tờ sang lại cho người thân…

Theo tin từ Công an huyện Ia Grai, gia đình bà Niềm sau khi tuyên bố vỡ nợ đã không bỏ trốn khỏi địa phương mà vẫn hứa sẽ trả nợ, nhưng chưa biết khi nào trả. Qua tìm hiểu thì vụ việc có dấu hiệu dân sự chứ chưa có dấu hiệu hình sự nên công an hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa.

Khất nợ chán, đến vỡ nợ

Ngay sau vụ bà Niềm vỡ nợ, thông tin bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ đại lý thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (trú thôn Hà Lòng 2, Kdang, Đắk Đoa, Gia Lai) tuyên bố vỡ nợ đã khiến hàng chục hộ nông dân là chủ nợ trở nên điêu đứng.

Ngày 2/6, bà Nguyệt đã chạy xe máy đến Công an xã Kdang để tuyên bố vỡ nợ, đồng thời nhờ chính quyền địa phương bảo vệ tính mạng khỏi người dân quá khích.

Việc bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình nông dân bị đảo lộn, đứng ngồi không yên. Bà Thương Thị Kim Nga (thôn Hà Lòng 2) mếu máo, năm 2014, gia đình bà bán cho bà Nguyệt hơn 5 tấn cà phê nhân được 200 triệu đồng. Mua xong cà phê, bà Nguyệt không trả tiền mà khất nợ, khi đến hạn trả nợ thì bà Nguyệt liên tục khất nợ và đến nay thì tuyên bố vỡ nợ.

“Vì bà Nguyệt là hàng xóm nhà tôi, lại là đồng hương từ quê xa vào đây lập nghiệp nên gia đình tôi mới cho nợ. Nghĩ là đồng hương xa quê đi lập nghiệp thì đùm bọc, giúp đỡ nhau nhưng ai ngờ bà ấy lại làm như vậy với nhà tôi”, bà Nga bức xúc.

Vụ vừa rồi, cà phê và tiêu xuống giá nên sau khi thu hoạch được 2,3 tấn cà phê nhân và 1 tấn tiêu (hiện tại trị giá khoảng 250 triệu đồng), gia đình anh Bùi Văn Mộc (làng Grat, Đắk Drjăng, Mang Yang) đã mang số nông sản trên ký gửi vào cơ sở thu mua của bà Nguyệt, chờ khi nào lên giá sẽ bán. Tuy nhiên, khi anh Mộc chưa kịp bán để trả nợ ngân hàng và sửa nhà thì anh Mộc nghe tin bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ.

Những ngày qua, nhiều hộ nông dân là chủ nợ của bà Nguyệt đã kéo nhau tới nhà bà này đòi nợ nhưng đều nhận được câu trả lời “không có tiền”.

Theo những người dân nơi đây, nguyên nhân bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ vì làm ăn thua lỗ là chuyện khó có thể xảy ra. Bởi, bà Nguyệt làm nghề thu mua nông sản được khoảng bảy năm nay. Từ tay trắng, bà này đã xây nhà, mua đất rẫy, mua ô tô… và đặc biệt, cách đây khoảng 10 ngày, người dân thấy bà Nguyệt chở nông sản đi bán rất nhiều.

“Những người bán nông sản cho bà này thì bà có quyền mang đi bán, nhưng nhiều người chúng tôi là ký gửi cho bà ấy. Tức là nhờ gửi nông sản trong kho của bà ấy, khi nào giá lên chúng tôi mới bán. Chúng tôi chưa hề bán cho bà ấy, thì bà lấy quyền nào mà bán của chúng tôi”, một số chủ nợ bức xúc.

Và trước khi bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ, bà này đã chở nhiều nông sản đi bán. Vì vậy, những chủ nợ cho rằng bà này lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải là vỡ nợ. “Chúng tôi nghĩ bà là đồng hương, nên chúng tôi mới tin tưởng, mang ký gửi và bán cho bà ấy, chứ không nghĩ bà lại lừa chúng tôi như vậy”, những chủ nợ bộc bạch.

Ông Vũ Văn Tiến - Trưởng Công an xã Kdang cho biết, lúc lên trình báo bà Nguyệt tuyên bố nợ của dân là trên 36 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của xã, bà Nguyệt nợ hàng chục người ở huyện Mang Yang và Đắk Đoa. Người nợ ít cũng vài chục triệu đồng, nhiều thì cũng lên đến tiền tỷ. Có người ký gửi cà phê, tiêu cho bà Nguyệt nhưng chưa bán thì xảy ra việc, có người thì cho bà này mượn tiền mặt để buôn bán, có người thì bán nợ cho bà này.

CQĐT Công an huyện Đăk Đoa cho biết, đơn vị đã nhận được hơn chục đơn thư tố cáo vụ việc của người dân. Công an huyện đang tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc có tính chất dân sự hay hình sự để có hướng xử lý. Bước đầu, ngành chức năng thống kê được tài sản của vợ chồng bà Nguyệt gồm có hai căn nhà và 4ha cà phê./.

Đọc thêm