Những chủ đề Hải quan Việt Nam đưa ra đều đáp ứng sự quan tâm của các thành viên APEC

(PLO) - Sau các phiên làm việc của Tiểu ban thủ tục hải quan (SCCP), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc xây dựng chủ đề và những đề xuất, đóng góp của Hải quan Việt Nam vào cuộc họp Tiểu ban thủ tục hải quan lần thứ 2 (SCCP2). 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh

Thưa ông, trong số những chủ đề Việt Nam đưa ra tại Hội nghị lần này, nổi bật như tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu một cách an toàn trong các quốc gia. Những chủ đề đó rất được các đại biểu quan tâm và đã được thống nhất như thế nào? 

- Có hai vấn đề Việt Nam rất được quan tâm đó là vấn đề kết nối giữa các nền kinh tế thành viên để đảm bảo tạo thuận lợi thương mại cũng như đảm bảo chuỗi an ninh cung ứng toàn cầu và trong vấn đề về chống buôn lậu, chống gian lận thương mại đảm bảo an ninh.

Tất cả những chủ đề này đã được Việt Nam đưa ra và được các nước tán thành chia sẻ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề xuất thêm hoạt động về triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới. Hoạt động này cũng được sự chia sẻ của các thành viên APEC chấp nhận nó như là một chủ đề để thảo luận chính trong cuộc họp. 

Hải quan Việt Nam với vai trò và trọng trách được giao tổ chức SCCP và đã tổ chức thành công, được các thành viên APEC đánh giá cao. Ông có thể chia sẻ nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong vấn đề tổ chức và nội dung cuộc họp?

- Việt Nam cũng nằm trong chủ đề chung của APEC chia sẻ sự phát triển và qua đó Hải quan Việt Nam cũng đã nỗ lực rất lớn. Chúng ta đã xây dựng chủ đề hết sức phong phú cho hội nghị lần này, từ việc thực hiện một cửa quốc gia, việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nền kinh tế thành viên cho đến việc thực hiện quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin,…

Tất cả những chủ đề này đều đáp ứng được sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên hiện nay, đó là làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận được với cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới liên quan đến thương mại điện tử, đồng thời vừa tạo thuận lợi thương mại vừa có thể tăng cường an ninh trong thương mại của khối.

Đó là tất cả những vấn đề mà Việt Nam đã cùng với các nền kinh tế thành viên xây dựng nội dung của hội nghị hết sức đa dạng và phong phú.

Sự thành công của SCCP do Hải quan Việt Nam tổ chức được kỳ vọng sẽ đóng góp như thế nào vào thành công chung của APEC 2017 tại Việt Nam, thưa ông? 

- Tiểu ban về thủ tục hải quan (SCCP) là một trong những hoạt động nằm chung trong Ủy ban Thương mại và Đầu tư. Trong đó đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo một nền thương mại công bằng và an toàn.

Cuộc họp của Tiểu ban thủ tục hải quan bàn rất nhiều về thủ tục hành chính, vấn đề giấy tờ, đảm bảo an ninh cho thương mại. Đây là những đóng góp quan trọng nhất để làm thế nào đảm bảo cho môi trường thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên của APEC có thể giảm nhẹ được thủ tục hành chính, giảm được chi phí và  tăng cường đầu tư cũng như tăng cường khối lượng thương mại giữa các nền kinh thế thành viên. Tôi cho rằng đó là những đóng góp quan trọng của Tiểu ban thủ tục hải quan. 

Theo như ông nói là tăng cường sự liên kết giao thương của các nền kinh tế APEC về mặt thông quan, vậy mình đã đạt được bao nhiêu % mục tiêu hướng tới?

- Vấn đề này chúng ta không có một chỉ tiêu cụ thể nào để có thể nêu ra được là đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được thông qua việc xây dựng nâng cao năng lực của Hải quan của mỗi nền kinh tế thành viên, họ đã xây dựng được như thế nào, đã áp dụng những biện pháp công nghệ kỹ thuật, đã ứng dụng công nghệ thông tin đến mức độ nào và đã thực hiện quản lý rủi ro ở mức độ nào,…

Mỗi nền kinh tế thành viên có một chỉ tiêu đánh giá riêng và hiện nay trong khối APEC chỉ có các chỉ tiêu so sánh. Còn về chỉ tiêu chung của 21 nền kinh tế thành viên thì không có.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm