Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thế nhưng, trong quá trình quy hoạch, thiết kế xây dựng, trong nhiều trường hợp địa phương này đã không tính đến tính bền vững của công trình và nhu cầu thực tế của người dân. Vì vậy, một số công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, một số công trình đang thi công thì bỏ dở, hoặc đã hoàn thành nhưng người dân chưa một lần sử dụng.
Nhà tang lễ 7 tỷ đồng chưa một lần sử dụng. |
Quảng trường 17/3 là một công trình vô cùng ý nghĩa của thành phố Pleiku, Gia Lai. Công trình này có tổng vốn đầu tư là 12 tỉ 212 triệu đồng, khởi công xây dựng năm 2006, đến cuối năm 2007 được đưa vào sử dụng, nhưng đến nay, số tiền hơn 12 tỉ kia đang nằm dưới hàng nghìn khối đất đá đổ lên để xây dựng Quảng trường Đại đoàn kết.
Công trình nước sạch tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai được đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ nguồn vốn không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ. Sau 6 năm thi công, đến nay, người dân tại thị trấn này vẫn không được sử dụng. Lý do mà ông Trần Trưng, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đưa ra là do người dân đã quen với việc sử dụng nước giếng, không quen sử dụng nguồn nước sạch nên họ không chịu đầu tư, lắp đặt các thiết bị đường ống dẫn nước vào nhà.
Nhưng quan sát của phóng viên tại nhà máy nước sạch huyện Ia Grai cho thấy một thực tế toàn trái ngược với điều mà ông Trần Trưng, Chủ tịch UBND huyện đã nói. Công trình dù đã được đầu tư xây dựng 6 năm qua nhưng đến nay vẫn còn dang dở, hàng loạt thiết bị như bể lọc nước, đường ống dẫn, khóa van do không có nước sử dụng nên đã bị rỉ sét và rêu bám. Một số thiết bị có giá trị thì đã bị kẻ xấu tháo giỡ bán sắt vụn.
Không hiểu chủ tịch huyện Trần Trưng đang đứng ở đâu khi vẫn một mực phát biểu: “Mình là nhà cung cấp, bán hàng, thị trường có nhu cầu thì mình cung ứng, không có nhu cầu thì không cung ứng. Đến giờ này thì dân vẫn chưa có nhu cầu. Đầu tiên người ta muốn tranh thủ vốn này để giải quyết nước sạch cho thị trấn. Thế nhưng mà giữa thói quen của dân thì mình chưa đo lường được. Người ta có bằng lòng sử dụng nước đó hay không, hay là sử dụng nước tự khoan. Bây giờ chưa đưa vào khai thác thì mình cũng chưa vội kết luận nó là lãng phí hay không lãng phí".
Năm 2007, làng Yăh, xã Ia Ly, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai được đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho hơn 50 héc ta lúa và hoa màu của người dân. Công trình được xây dựng và hoàn thành đã phần nào đem lại sự phấn khởi cho người dân địa phương. Thế nhưng, đáng buồn là hệ thống kênh mương nội đồng dài hơn 10 km này chỉ được thiết kế với chiều rộng 50 cm.
Ngay mùa khô đầu tiên, công trình này đã không phát huy được tác dụng, vì được thiết kế cao hơn so với dòng chảy của hệ thống suối trước đây. Thế là, dù kênh mương nội đồng đã có, nhưng người dân vẫn phải ngậm ngùi đầu tư vài chục triệu đồng để đào giếng lấy nước tưới cho cây trồng. Buồn hơn nữa là vào mùa mưa năm 2010, do dòng chảy quá hẹp, nước không thoát kịp nên bùn đất đã tràn vào gây ngập úng và bồi lấp hơn 5 héc ta đất trồng lúa nước của dân.
Điều đáng nói, do thi công không đảm bảo chất lượng, nên hơn một năm sau chỉ một trận mưa, hơn 2km hệ thống kênh mương này đã bị vỡ, càng gây khó khăn cho người dân mỗi khi vụ mùa tới. Điều này đã khiến cho người dân hết sức bức xúc. Ông Rơ Chăm Mui, trưởng làng Yăh, xã Ia Ly, huyện Chư Pẳh khảng khái: “Nhà nước với nhân dân cùng làm, đầu tư kênh mương bê tông hóa, thế mà chưa bao lâu đã bị bể, thiệt hại cho bà con chúng tôi không canh tác được khu vực nhánh N1. Chúng tôi đề nghị cấp trên phải nâng cấp, sửa chữa lại cho bà con để tránh lãng phí và thiệt hại”.
Không riêng Quảng trường 17/3, tại thành phố Pleiku còn có công trình Nhà Tang lễ do tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng và hoàn thành từ năm 2007 với số vốn gần 7 tỷ đồng nhưng chưa một lần sử dụng. Nhà tang lễ được đặt ở vị trí đắc địa và trang trọng, gần trung tâm thành phố Pleiku, đối diện với Nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh Gia Lai. Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên khu vực thắp nhang, nền nhà phủ một lớp bụi dày đến nửa đốt ngón tay. Bên ngoài cánh cửa, các ổ khóa đã rỉ sét do gần 5 năm qua chưa một lần được mở.
Theo một số người dân, do trong quá trình lập dự án, địa phương đã không tính đến phong tục và nhu cầu thực tế của người dân. Trong khi đất đai, nhà ở của người dân còn rộng, thì hiếm có trường hợp nào chịu đem người quá cố của gia đình đến quàn tại nhà tang lễ.
Ngọc Anh