Những cú lừa ngoạn mục Ngày Cá tháng tư

Ngày Cá tháng tư, còn gọi là Ngày nói dối, là ngày được chú ý ở nhiều nước trên thế giới. Vào ngày này, người ta có thể lừa hoặc chơi khăm người khác mà không bị giận dữ. Dưới đây là một số cú lừa được xem là ngoạn mục nhất từ trước đến nay trong ngày 1/4.

Ngày Cá tháng tư, còn gọi là Ngày nói dối, là ngày được chú ý ở nhiều nước trên thế giới. Vào ngày này, người ta có thể lừa hoặc chơi khăm người khác mà không bị giận dữ. Dưới đây là một số cú lừa được xem là ngoạn mục nhất từ trước đến nay trong ngày 1/4.

1. Vụ thu hoạch spaghetti Thụy Sỹ

Một trong những cú lừa ngoạn mục nhất trong lịch sử của Ngày Cá tháng tư là Vụ thu hoạch Spaghetti Thụy Sỹ năm 1957 của Đài BBC. Trong bản tin ngày 1/4/1957, đài BBC đã phát đi một bản tin, theo đó nói rằng nhờ việc diệt được các loài mọt mì ống mà người dân Thụy Sỹ đã có được một vụ mì spaghetti bội thu. Để tăng tính thuyết phục cho câu chuyện, BBC còn chiếu cả đoạn phim quay cảnh các nông dân Thụy Sĩ kéo các sợi mì spaghetti từ các cành cây xuống.

Ngay sau đó, BBC đã nhận được hàng trăm cuộc gọi với giọng điệu vô cùng tò mò, xen lẫn cả sự ghen tỵ của khán giả, những người muốn tự trồng cây mì spaghetti trong vườn nhà mình. Cuối cùng, sau khi đã thú nhận đó chỉ là một trò đùa nhưng vẫn có nhiều người tới tấp gọi đến, BBC đã cho đăng tải “bí kíp” trồng cây mì spaghetti như sau: Hãy đặt một sợi mì spaghetti vào trong một cốc đựng nước sốt cà chua và hy vọng điều tốt đẹp nhất!

2. Ni lông biến TV đen trắng thành TV màu!

Năm 1962, đài truyền hình nhà nước Thụy Điển vẫn phát hình đen trắng. Ngày 1/4 năm đó, đài truyền hình này đã mời một “chuyên gia kỹ thuật” đến để hướng dẫn khán giả cách biến chiếc TV của họ đột nhiên có màu bằng một vật dụng có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi nhà: Một chiếc tất bằng ni lông cũ.

Theo vị chuyên gia, mọi người chỉ việc dán chiếc tất ni lông lên màn hình TV. Tiếp sau đó, người xem chỉ việc điều chỉnh đầu tới gần hoặc ra xa hơn để điều chỉnh quang phổ màu là họ có thể được xem những hình ảnh với màu sắc sinh động trên chiếc TV đen trắng của mình.

Hàng trăm gia đình tại Thụy Điển khi đó đã vội vã đi lấy những chiếc tất cũ ra cắt dán lên màn hình TV với mong muốn được xem TV màu để rồi phát hiện ra mình đã bị lừa một cách ngớ ngẩn. Và phải đến 4 năm sau, đài truyền hình Thụy Sỹ mới thực sự phát hình màu.

3. Cầu thủ siêu phàm Sidd Finch

Trong ấn bản tháng 4/1985, tờ báo về thể thao hàng đầu của Mỹ  Sports Illustrated đã đăng tải một bài báo viết về một tân binh môn bóng chày với khả năng siêu phàm.

Bài báo cho hay, cầu thủ này tên Sidd Finch, được đào tạo tại câu lạc bộ Mets ở St. Petersburg, Florida. Anh ta có khả năng ném bóng với tốc độ lên đến 270km/giờ với độ chính xác cao. Tốc độ cao nhất từng được ghi nhận tại thời điểm đó chỉ là 166km/giờ.

Cũng theo tờ báo này, Finch được nuôi dưỡng tại một trại mồ côi của Anh rồi được một nhà khảo cổ học Pháp nuôi dưỡng. Sau khi cha nuôi qua đời trong một vụ tai nạn máy bay, Finch theo học tại đại học Harvard rồi tới Tây Tạng và được một nhà thơ truyền cho cách thức điều khiển cơ thể bằng trí óc nên anh ta có những kỹ năng ném bóng vào loại siêu phàm.

Thông tin này đã khiến các cổ động viên của đội Mets sướng âm ỉ cho đến ngày 15/4, khi Sports Illustrated thú nhận rằng đó chỉ là một trò bịp bợm!

4. Thạc sỹ Trung Quốc có thể sinh con thứ 2

Trong một bản tin được đăng tải ngày 1/4/1993, tờ China Youth Daily thông báo chính sách một con của nước này đã được nới lỏng hơn một chút, với việc cho phép những cặp vợ chồng có trình độ thạc sỹ có thể sinh nhiều hơn 1 con.

Theo tờ báo này, con cái của những người có trình độ thạc sỹ sẽ thông minh hơn, và vì thế, Trung Quốc sau này sẽ bớt phải phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài hơn.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm