Những cung đường mùa đông

Thời tiết mùa này lý tưởng cho các chương trình du lịch khám phá. Có những tuyến du lịch được gọi là “cung đường mùa đông” dành cho mùa du lịch cuối năm, nhất là thời điểm nghỉ Tết dương lịch...
Thời tiết mùa này lý tưởng cho các chương trình du lịch khám phá. Có những tuyến du lịch được gọi là “cung đường mùa đông” dành cho mùa du lịch cuối năm, nhất là thời điểm nghỉ Tết dương lịch...
Thác Bản Giốc là điểm đến của nhiều du khách.

LẠNH BUỐT VỚI TÂY BẮC

Nhiệt độ đang xuống thấp và dự báo sẽ có băng giá ở một số tỉnh Tây Bắc lại làm các “tay” du lịch bụi khấp khởi. Khu vực này được chia làm nhiều tuyến du lịch phù hợp với thời gian cho phép. Tuyến được ưa chuộng nhất vẫn là Hà Nội-Lào Cai phương tiện di chuyển khá thuận lợi. Du khách có thể tận dụng thời gian để ban đêm ngủ trên xe. Du khách phía Nam, 9 giờ tối có mặt tại ga Hà Nội, đi Lào Cai trong đêm. Với lịch trình này, du khách sẽ đón được bình minh Tây Bắc.

Mùa đông năm nay, Ô Quý Hồ, Mẫu Sơn và các khu vực lân cận Sa Pa dự báo sẽ có băng. Hiện nay nhiệt độ đang xuống thấp, có nơi dưới 5 độ C. Đến Tết dương lịch, nhiệt độ càng xuống thấp hơn. Du khách lại được trải nghiệm một mùa đông rét buốt. Năm nay, mùa du lịch Sa Pa càng thêm nhộn nhịp bởi nhiều người tò mò “một lần cho biết băng tuyết” sẽ đổ về rất đông. Mặt khác, Tết dương lịch 2011 trùng hợp ngẫu nhiên của các con số ngày 1, tháng 1, năm 2011 - nên khá nhiều người muốn tạo một “điểm nhấn” ghi dấu trong cuộc đời. Leo đỉnh Fansipan-nóc nhà Đông Dương cũng là chương trình hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trẻ...

Nhiều du khách chọn lên các điểm xa hơn ở Tây Bắc. Cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang cũng là một điểm đến. Đường đến đây khá xa, nhiều đèo, dốc khúc khuỷu hình chữ “W” nguy hiểm nhưng cột cờ Lũng Cú - vị trí địa đầu của Tổ quốc - lại thu hút nhiều bạn trẻ. Mùa này Hà Giang dù rất lạnh nhưng thích hợp cho khách miền xuôi lên ngao du các bản làng hoặc chinh phục cao nguyên đá. Một điểm đến khác cũng là niềm ước ao của nhiều du khách Việt là thác Bản Giốc ở Cao Bằng nằm ngay đường biên giới Việt-Trung. Đây là thác đẹp và hùng vĩ có nhiều tầng bậc. Chỗ sâu nhất là 35 mét, nước đổ xuống ầm ầm, những hạt nước li ti tóe lên như khói trên một dòng sông chảy xiết. Thác Bản Giốc chia làm hai dòng, thác Phụ và thác Chính. Thác Phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam. Riêng thác Chính được cả Việt Nam - Trung Quốc cùng khai thác du lịch, mỗi bên một nửa. Ai muốn ghi dấu chân mình trên những mảnh đất đặc biệt của Tổ quốc thì thác Bản Giốc không thể thiếu trong danh mục để đến.
Nhà mồ Tây Nguyên đặc sắc văn hóa bản địa.

LÃNG MẠN CAO NGUYÊN...

Nếu như cung đường Tây Bắc cho những cảm giác mạnh thì cung đường Tây Nguyên mùa đông chứa đựng sự lãng mạn. Tây Nguyên mùa này rực rỡ màu vàng hoa dã quỳ trong nắng. Đã từ lâu đó chính là đặc sản du lịch của vùng này.

Vượt lên đèo Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng, du khách đã bắt đầu thấy những vạt hoa dã quỳ vàng khổng lồ. Từ đây lên tận Buôn Mê Thuột, đâu đâu cũng một màu dã quỳ vàng. Theo tuyến này, du khách phải dành ra khoảng 4 ngày đến một tuần mới có thể thưởng thức gần đủ các điều thú vị cơ bản. Với chương trình 4 ngày, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, du khách thường đi thẳng lên Buôn Mê Thuột bằng xe chất lượng cao, còn ai có điều kiện đi bằng máy bay rút ngắn thời gian di chuyển hơn để đi chơi nhiều hơn. Cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 20-50 cây số là những điểm du lịch lý tưởng như: Buôn Đôn, Vườn quốc gia Yok Đôn, hồ Đăk Min, mộ Vua Voi, nhà sàn cổ... với khá nhiều món vui chơi: dịch vụ cưỡi voi vượt sông, đi thuyền độc mộc và văn hóa cồng chiêng.

Nếu được thời gian một tuần, du khách có thể chia nhiều chặng dừng chân từ Đà Lạt lên Buôn Mê Thuột. Đà Lạt mùa này lạnh hơn cả. Nắng trở nên hiếm hoi và quý giá trên thành phố cao nguyên này. Mỗi khi có chút nắng, không gian như thêm lung linh, trăm hoa như nhuốm thêm sắc. Lúc này, dân trồng hoa đang chuẩn bị cho Tết. Thành phố Đà Lạt như đang thay vào chiếc áo mới từ cách trang trí đường phố, cách trồng hoa... Dịp Tết dương lịch, không gian Đà Lạt rất lãng mạn và tràn ngập sắc hoa, lễ hội. Nếu không thích đông người, du khách hãy tìm đến khám phá vẻ hoang sơ của cao nguyên Lang Biang. Đường đèo Prenn, đường Trại Mát, đường Tà Nung... là những con đường đẹp, có nhiều điểm khám phá mới mẻ, thú vị. Dọc đường đi từ Đà Lạt đến Buôn Mê Thuột, du khách có nhiều điểm dừng chân tại Đắk Lắk, Gia Lai để khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Nguyên qua các con sông, con suối, hồ lớn trên núi cao của vùng đất đỏ bazan.

Lộ trình TP Hồ Chí Minh lên Buôn Mê Thuột chỉ mất một ngày đường và có thể tham quan thác Gia Long trên đường đi. Ngày thứ hai của chương trình này, du khách nên ghé tuyến Kon Tum-Pleiku tham quan nhà thờ gỗ, đại chủng viện, cầu treo Sê Đăng, công trình thủy điện Ialy lớn nhất miền Trung và làng dân tộc Jarai. Từ Pleiku trở lại Buôn Mê Thuột, du khách thăm các nhà sàn gỗ trăm năm tuổi, nhà mồ của dân tộc Ê-đê, đi cầu treo dài 250 mét bắc qua sông Sê-rê-pok. Trên đường trở về, du khách ghé thăm thác Dray Sap hùng vĩ. Với chuyến đi 7 ngày trở lên, du khách có thể nối tuyến Đà Lạt-Tây Nguyên-Nha Trang. Đây là cung đường lý tưởng để trải nghiệm cảm giác từ cao nguyên đất đỏ đến biển xanh, cát trắng. Tại Nha Trang, du khách sẽ đi thuyền ngược sông Cái để vào các làng nghề, ra chơi đảo khỉ, các vịnh biển... khám phá nét đẹp của thành phố biển Nha Trang. Mùa này không thích hợp lặn biển nhưng Nha Trang có nhiều thú vui khác. Tại Nha Trang, có xe đi thẳng về TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành ở ĐBSCL nên sau khi vui chơi, chỉ mất một đêm ngủ trên xe, du khách có thể về đến nhà.

Theo Báo Cần thơ

Đọc thêm