Khi những cựu binh về làng, họ vẫn thường được địa phương tín nhiệm giao những công việc xã hội. Có người làm liên tục 20 năm không nghỉ, có người vừa xoay xở việc gia đìn, vừa cống hiến sức lực và tâm huyết cho quê hương.
|
|||
Vợ chồng anh Trần Độ bán hàng tại chợ Túy Loan. |
Hai mươi năm trôi qua, kể từ ngày nghỉ hưu trở về địa phương, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khương, vẫn hằng ngày đạp chiếc xe cũ kỹ đến văn phòng Hội làm việc. 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, 12 năm ở cương vị Bí thư chi bộ thôn Phú Sơn 2, 10 năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh... Năm nay đã ở tuổi 70, nhưng xem ra công tác hội vẫn còn duyên níu giữ chân ông.
Quê ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh, đi bộ đội rồi vào Nam, năm 1964, ông bị thương ở Ba Gia - Quảng Ngãi; trong thời gian điều trị, người gần gũi chăm sóc ông là cô Lan (quê Quảng Ngãi) y tá. Hai người bén duyên nên nghĩa vợ chồng. Khi nghỉ hưu, cả hai vợ chồng về xã Hòa Khương xin đất lập nghiệp, đi lên từ bàn tay trắng. Khu vườn nhà ông rộng hơn 4.800m2, quanh nhà có 3 ao cá. Ông còn nuôi 8 con bò trên núi, sắp tới sẽ nuôi ếch lồng. Hiện mỗi lứa cá, trừ chi phí vẫn thu được vài chục triệu đồng. Đất rộng nên trồng thêm rau màu, vừa cải thiện bữa ăn, vừa làm thức ăn để nuôi heo và nuôi cá. Ngôi nhà ba gian lợp ngói, 5 đứa con nay đã trọn bề gia thất, chỉ còn duy nhất cô con gái út đang học năm cuối ở Trường Đại học Kinh tế, với ông, như thế là mãn nguyện lắm rồi. Ông nói: “Lo công tác Hội Cựu chiến binh một thời gian ngắn nữa, khi có người thay là về lo chăm sóc ruộng vườn”.
Ông Huy thường kể về các đồng đội khác như anh Nguyễn Vui, Nguyễn Lạc vượt khó làm giàu, đặc biệt là anh Ngô Văn Năm vừa trồng rừng, vừa chăn nuôi giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động, lại thường xuyên cho người nghèo vay vốn và làm nhiều việc từ thiện. Tuy không nói về mình, nhưng những thành tích mà Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khương đã đạt được trong 5 năm qua cũng phần nào nói lên được trách nhiệm và sự đóng góp của một Phó Chủ tịch Hội như ông.
|
|||
Ông Nguyễn Đức Huy đang cho cá ăn. |
Anh Trần Độ quê ở xã Hòa Phong - Hòa Vang, sau chiến dịch biên giới ở Campuchia, xuất ngũ trở về địa phương. Anh lính trẻ khoác ba lô đến đầu làng với một lời nguyện: Cô gái nào nhận ra anh và gọi đúng tên anh đầu tiên thì người ấy sẽ là vợ anh. Và cô thôn nữ ngày ấy tên là Ngô Thị Nhơn. Hạnh phúc vuông tròn mà họ gây dựng bắt đầu từ lò tráng mì Quảng. Cùng thức đêm tráng mì, rạng sáng anh Độ chở mì đi khắp nơi bỏ mối, chị Nhơn bán lẻ ở chợ Túy Loan. Năm 2006, cơn bão số 6 cuốn bay mái nhà cũ, hôm nay một ngôi nhà mới khang trang 2 tầng đã được dựng lên. Một phòng lớn chứa đầy bàn ghế cho thuê và bán hàng tạp hóa, lại thêm một sạp hàng ở chợ Túy Loan. Vừa gieo trồng, chăn nuôi, vừa bán buôn tần tảo, mức sống ngày một đi lên. 3 cô con gái lần lượt trưởng thành. Đầu xuân này cô con gái đầu sẽ lên xe hoa về nhà chồng. Vợ chồng anh dành một mâm cỗ mời đồng đội cũ về quây quần sum họp.
Về làng một thời gian ngắn, anh được phân công giữ một loạt công việc như Đội trưởng dân phòng, Tiểu đội trưởng quân dự bị, Chi hội trưởng Nông dân và Tổ trưởng tổ dân cư. Tổ dân cư mà anh phụ trách 5 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc. Ngần ấy việc, cũng đủ biết anh phải cố gắng như thế nào để cho công tư trọn vẹn cả đôi đường.
Nguyễn Đức Huy, Trần Độ đều là những cựu chiến binh trưởng thành từ Trung đoàn Thông tin 575 Quân khu 5 Anh hùng. Về giữa đời thường, họ vẫn luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.
Bài và ảnh: LÊ GIA THỤY