Những điều luật cần được hiểu đúng vụ nhà 194 phố Huế

Việc thi cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế đang được dư luận và nhiều cơ quan nhà nước quan tâm, xem xét. Nhưng, vẫn còn nhưng quy định của pháp luật bị hiểu sai...

[links()]Việc thi cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế đang được dư luận và nhiều cơ quan nhà nước quan tâm, xem xét. Nhưng, vẫn còn nhưng quy định của pháp luật bị hiểu sai..

Không chiếm giữ trái phép?

Báo Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2011 có bài “Công an làm ngơ trước vi phạm pháp luật?” phản ánh việc chủ nhà cũ của ngôi nhà 194 phố Huế đã đuổi lực lượng bảo vệ của Công ty bảo vệ Việt Tín đang bảo vệ theo hợp đồng với ông Đặng Văn Thoán để tái chiếm ngôi nhà 194 phố Huế, vốn đã được Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng cưỡng chế bàn giao cho ông Đặng Văn Thoán. Sau những thông tin về vụ việc này, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của ông Hoàng Ngọc Minh với nội dung cho rằng, không có việc ông Minh dùng vũ lực để chiếm lại nhà 194 phố Huế

Theo ông Hoàng Ngọc Minh khẳng định đã không dùng dây xích để khóa cửa, không phá hệ thống camera mới lắp đặt như phản ánh của Công ty bảo vệ Việt Tín. Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, ông Đặng Văn Thoán đã có hành vi thay đổi hiện trạng ngôi nhà. Vì lý do này, ông Minh và gia đình đã đến yêu cầu ông Thoán phải ngừng tất cả các hoạt động làm ảnh hưởng đến kết cấu, hiện trạng ngôi nhà 194 phố Huế.

Trong đơn tố cáo gửi Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan nhà nước khác, ông Minh khẳng định, ông Thoán đã không chấp nhận yêu cầu này mà còn “huy động gần 100 chiến sỹ công an quận (Hai Bà Trưng), phường và lực lượng vệ sỹ bảo vệ đến trấn áp, tìm mọi cách để xông vào ngôi nhà”. Nếu không có việc dùng vũ lực thì liệu có việc ông Đặng Văn Thoán muốn vào nhà lại phải cần đến sự hộ tống và giúp đỡ của gần 100 chiến sỹ công an? Và phải chăng, việc ông Minh đang chiếm giữ ngôi nhà 194 phố Huế là do lực lượng bảo vệ của Công ty bảo vệ Việt Tín tự nguyện bàn giao? Thực hư chuyện này như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong các số báo tiếp theo.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã làm việc với Công an quận Hai Bà Trưng để làm rõ những thông tin trên. Được biết, Công an quận Hai Bà Trưng đang xác minh, làm rõ sự việc để xem xét có dấu hiệu hình sự trong việc chiếm giữ nhà 194 phố Huế. Nếu đủ căn cứ xác định hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, sẽ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thi hành án làm đúng hay sai?

Xung quanh việc cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế cho ông Đặng Văn Thoán, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng đã làm sai quy định của pháp luật. Vì, Quyết định công nhận số 143/QĐST-KDTM của TAND TP Hà Nội đã bị hủy để xét xử lại và ngôi nhà trên vẫn thuộc sở hữu của chủ cũ như trước khi bán đấu giá.

Trở lại vụ việc này, theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, ngày 10/3/2009, tại cơ quan thi hành án, anh Hoàng Đình Mạnh, chị Hoàng Thị Thu Hằng đã ủy quyền cho anh Hoàng Ngọc Minh xử lý ngôi nhà 194 phố Huế để thanh toán các khoản nợ của ông Hoàng Đình Mậu với ngân hàng và các nghĩa vụ theo một số bá án đã có hiệu lực. Ngày 24/4/2009, Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng đã kê biên một phần ngôi nhà 194 phố Huế mà những người liên quan tự nguyện bàn giao. Ngày 28/4/2009, ông Hoàng Ngọc Minh, bà Nguyễn Thị Hồng cùng đại diện bên được thi hành án đã thỏa thuận về giá của ngôi nhà 194 phố Huế làm cơ sở để thi hành án. Theo đó, giá của diện tích bị kê biên được xác định là 250 triệu đồng/m2. Tại biên bản này, hai bên cũng thỏa thuận, ông Hoàng Ngọc Minh có 1 tháng để bán tài sản trên, nếu không bán được thì giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo đúng thỏa thuận của các bên, hết 1 tháng nhưng gia đình ông Minh không bán được nhà và cũng không chọn được tổ chức bán đấu giá. Vì thế, Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng đã ủy quyền cho Công ty CP bán đấu giá Hà Nội thực hiện việc bán đấu giá theo mức khởi điểm như hai bên đã thỏa thuận ngày 28/4/2009, nhưng đến hết thời hạn đăng ký mua mà không có ai đăng ký mua tài sản với giá trên.

Vì thế, Chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng đã quyết định giảm giá khởi điểm 10% theo quy định của pháp luật nên đã có 2 cá nhân đăng ký mua. Phiên đấu giá được tổ chức, sau hai vòng đấu giá, ông Đặng Văn Thoán đã trúng đấu giá với mức cao hơn giá khởi điểm. Việc thi hành bản án đã được thực hiện theo đúng thủ tục mà pháp luật quy định trước khi có kháng nghị đối với quyết định của TAND TO Hà Nội.

Theo Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, sau khi ông Đặng Văn Thoán trúng đấu giá, những người đang quản lý phần tài sản đã bán đấu giá không chịu giao tài sản. Vì thế, cơ quan thi hành án buộc phải cưỡng chế giao tài sản cho bên trúng đấu giá. Ngày 7/7/2011, việc cưỡng chế giao tài sản cho ông Đặng Văn Thoán đã được Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng thực hiện xong.

Nhưng, việc cưỡng chế giao phần diện tích nhà 194 đã bán đấu giá sau khi có bản án giám đốc thẩm của TAND tối cao hủy Quyết định 143/2007/QĐST-KDTM liệu có trái pháp luật như ý kiến của gia đình ông Hoàng Ngọc Minh và một số cơ quan truyền thông phản ánh? Về vấn đề này, trong báo cáo gửi Tổng Cục thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã nêu rõ các quy định của pháp luật làm căn cứ cho việc cưỡng chế giao nhà.

Theo quy định của pháp luật, việc bán đấu giá tài sản là công đoạn cuối của công tác thi hành án. Sau khi thực hiện xong việc bán đấu giá, tài sản sẽ thuộc sở hữu của người mua trúng đấu giá. Người phải thi hành án có nghĩa vụ bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Nếu không tự nguyện, sẽ bị cưỡng chế thực hiện.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngay tình của người mua đấu giá thì việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá được thực hiện kể cả khi bản án liên quan bị hủy. Tại các Điều 138, 258 Bộ luật dân sự và Điều 103, 115, 117 Luật Thi hành án dân sự, Điều 2, Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì tài sản đã bán đấu giá thuộc sở hữu của người mua đấu giá, cơ quan thi hành án phải thực hiện phần bản án đã được thi hành, kể cả trường hợp bản án đó đã bị hủy.

Vì vậy, việc cho rằng Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng cưỡng chế thi hành bản án đã bị hủy là trái pháp luật rõ ràng là việc hiểu sai lệch các quy định của pháp luật về vấn đề này.                                            

Bình Minh

Điều 258. Bộ Luật dân sự

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

Khoản 5. Điều 2, Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC

Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật.

Đọc thêm