Những đơn kiện... "điên rồ" nhất thế giới

Lái xe tông chết người nhưng vẫn đòi bồi thường thiệt hại cho chiếc xe, cứu người gặp nạn xong lại quay ra buộc người ta phải trả tiền thuốc men, đòi ngân hàng tinh trùng trả lại tinh binh… là nội dung những đơn kiện được xem là oái oăm nhất từng được đệ trình lên tòa án.

Lái xe tông chết người nhưng vẫn đòi bồi thường thiệt hại cho chiếc xe, cứu người gặp nạn xong lại quay ra buộc người ta phải trả tiền thuốc men, đòi ngân hàng tinh trùng trả lại tinh binh… là nội dung những đơn kiện được xem là oái oăm nhất từng được đệ trình lên tòa án.

Kẻ bắt cóc kiện... con tin

Năm 2009, Jesse Dimmick, 23 tuổi, sống tại Aurora, Colombia, Mỹ đang chạy trốn khỏi sự truy nã của cảnh sát do bị cáo buộc đã giết chết một người đàn ông ở Denver vào tháng 9 cùng năm. Trên đường bỏ trốn, Jesse đã xông vào nhà cặp vợ chồng mới cưới ở Kansas là Jared và Lindsay Rowley, bắt giữ cả 2 hòng uy hiếp cảnh sát một khi họ ập đến.

Vợ chồng Rowleys khi đó đã đợi cho đến khi Jesse ngủ say để bỏ trốn. Jesse đã bị bắt giữ và bị bắn một phát vào lưng do khẩu súng của một cảnh sát bị cướp cò trong lúc truy đuổi. Tháng 5/2010, Jesse đã bị buộc tội giết người và một số tội danh khác cùng mức án 11 năm tù.

 

Đến tháng 9/2010, vợ chồng Rowleys đã đệ đơn kiện đòi Jesse bồi thường 75.000 USD vì những tổn hại tinh thần mà họ đã trải qua do vụ xâm nhập trái phép của anh ta. Không vừa, Jesse cũng đệ đơn kiện ngược lại vợ chồng Rowleys đòi bồi thường 235.000 USD vì đã phá “hợp đồng miệng”, theo đó cặp đôi này đã thống nhất sẽ che giấu Jesse, đổi lại anh ta sẽ trả cho vợ chồng họ một khoản tiền.

“Vì sự phá vỡ hợp đồng của các bị đơn mà tôi đã bị bắn một viên đạn vào lưng, suýt chết. Chỉ riêng tiền viện phí đã hơn 160.000 USD, và tôi không thể nào trả nổi” – đơn kiện của Jesse viết. Tù nhân này cũng đã kiện đòi chính quyền thành phố Topeka, Kansas bồi thường hơn 75.000 USD chi phí điều trị vết thương.

Người béo nhất thế giới kiện chính quyền vì để anh ta béo

Paul Mason, 50 tuổi – từng là người béo nhất thế giới với trọng lượng lên tới 445kg - đã kiện Cơ quan y tế quốc gia Anh vì đã khiến anh ta tăng cân đến mức như vậy. Đơn kiện của người đàn ông này viết, từ năm 1996, khi cân nặng đã ở mức 190 kg thì ông ta đã xin được trợ giúp giảm cân và được các nhân viên y tế khuyên nên đạp xe nhiều hơn.

Khi cân nặng đã ở mức gần 400 kg, Paul yêu cầu nhà chức trách cử một chuyên gia về rối loạn ăn uống đến để tư vấn cho anh ta nhưng họ lại cử đến một chuyên gia dinh dưỡng. Trong nhiều năm liền, Paul đã 3 lần tìm đến cái chết, trong đó có một lần tự tử hụt vào năm 2005, sau khi bị hủy bỏ cuộc phẫu thuật cắt bớt dạ dày.

 

Năm 2010, sau khi bệnh viện đã có nhiều biện pháp để giảm cân cho Paul, ông ta cuối cùng cũng đã được phẫu thuật cắt dạ dày và bắt đầu giảm cân. Và đến tháng 1/2011, khi cân nặng xuống còn hơn 200kg, Paul Mason đã kiện chính quyền về cáo buộc đã lơ là trong trường hợp của anh ta, khiến anh ta phải chịu những tổn thương về tinh thần, thậm chí suýt mất mạng.

Kiện… đòi lại tinh trùng

Một người đàn ông tên Joe Pressil, 36 tuổi, sống tại Houston, bang Texas, Mỹ đã đệ đơn kiện bệnh viện sinh sản ở Houston và ngân hàng tinh trùng của bệnh viện này. Trong đơn kiện, Joe nói rằng bạn gái của anh ta là Anetria Pressil đã tự ý lấy mẫu tinh trùng của anh ta để gửi đến bệnh viện sinh sản nói trên.

 

Sau đó, bệnh viện này đã tự lấy tinh trùng của Joe để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm cho Anetria mà không hề thông báo hay nhận được sự đồng thuận của Joe. Theo lời của Joe, anh ta chỉ biết việc Antetria mang thai đôi tròn 3 tháng sau khi họ chia tay năm 2007.

Antetria sau đó đã sinh ra 2 bé trai song sinh rồi kiện buộc phải  Joe có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Joe sau đó đã đồng ý cấp dưỡng cho bạn gái cũ và 2 con sau khi kết quả xét nghiệm huyết thống cho thấy Joe đúng là cha của 2 đứa trẻ.

Joe cho rằng, niềm tin tôn giáo không cho phép anh tới một trung tâm hỗ trợ sinh sản nào cũng như việc tiến hành thụ tinh nhân tạo. Joe đã đệ đơn kiện đòi bệnh viện sinh sản bồi thường cho những thiệt hại về vật chất và nỗi thống khổ về tinh thần mà anh ta phải chịu đựng.

Joe còn yêu cầu bệnh viện phải trả lại tinh trùng cho anh ta. Trong đơn kiện của mình, Joe cáo buộc bạn gái đã ăn trộm tinh trùng của mình và giữ trong bao cao su sau khi 2 hai người quan hệ. Jason Gibson - luật sư của Joe - cho biết đây là điều kinh khủng với một người đàn ông, đặc biệt nếu anh ta chưa nghĩ đến một cuộc sống gia đình.

Kiện Michael Jordan vì giống anh ta

Trong khi nhiều người tỏ ra vô cùng sung sướng vì có ngoại hình giống với người nổi tiếng thì Allen Heckard lại chỉ muốn người khác biết rằng mình không phải là siêu sao bóng rổ Michael Jordan. Allen từng bức xúc: “Chỉ vì có nét giống Michael Jordan mà tôi gặp rất nhiều phiền toái, bị nói xấu, bị xúc phạm và phải chịu những tổn thương sâu sắc vì sự nhầm lẫn tai hại này. Tôi nhiều hơn Jordan 8 tuổi và thấp hơn anh ta gần 14cm”.

 

Năm 2006, Allen đã đâm đơn kiện Michael Jordan và đòi bồi thường 416 triệu USD chỉ vì... Michael nhìn giống mình. Allen cũng kiện đòi hãng thể thao Nike bồi thường số tiền tương tự vì đã thuê Michael đóng quảng cáo, khiến cho cầu thủ bóng rổ này trở thành một trong những người đàn ông dễ nhận diện nhất thế giới, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ta. Tuy nhiên, chính Alen sau đó đã rút lại đơn kiện nực cười của mình.

Kiện đòi bồi thường vì bình đựng tiền boa

Năm 2008, ông Roger Kreutz, 54 tuổi, đang trong ca làm việc tại một cửa hàng Starbucks ở St. Louis, Mỹ thì đối tượng Aaron Poisson, 19 tuổi liền vớ lấy bình đựng tiền boa của khách hàng và bỏ trốn. Lúc này trong bình có khoảng 5 USD. Ông Roger sau đó đã đuổi theo Aaron, giành giật chiếc bình với thanh niên này một hồi trước khi ngã đập đầu xuống đất. Roger đã tử vong 2 ngày sau đó còn Aaron thì bị kết án 1 năm tù giam về tội ngộ sát.

 

Đến năm 2011, cha của ông Roger sau khi dàn xếp được một đơn kiện chống lại Aaron đã tiếp tục đệ đơn kiện Starbucks vì bình đựng tiền boa của hãng này. Trong đơn kiện, cha của Roger cho rằng con trai ông tử vong vì Starbucks đã không cảnh báo các nhân viên cũng như khách hàng của họ về những mối nguy hiểm do sự hiện diện của những chiếc bình đựng tiền boa đưa đến.

Kiện nạn nhân bị… mình đâm chết

Tháng 8/2004, doanh nhân người Tây Ban Nha Tomas Delgado đã đâm chết một cậu bé 17 tuổi tên Enaitz Iriondo Trinidad khi cậu bé đang trên đường đạp xe từ trường về nhà.

 

Tuy nhiên, các thẩm phán sau đó đã không buộc tội Delgado vì cho rằng anh ta không hề phạm luật giao thông khi chạy xe với tốc độ 70km/giờ, mà vận tốc tối đa cho phép với các phương tiện giao thông trên quãng đường đó là 90km/giờ. Lỗi được xác định là do nạn nhân đã đạp xe lúc trời tối nhưng lại không mặc đồ phản quang. Gia đình Trinidad sau đó được công ty mà Delgado đã mua bảo hiểm bồi thường cho 48.500 USD.

Nhưng vụ việc không dừng lại ở đó, một thời gian sau, doanh nhân giàu có đã đệ đơn kiện gia đình Trinidad, đòi bồi thường 29.400 USD vì chiếc Audi A-8 của ông ta đã bị hỏng hóc sau vụ va chạm. Đến tháng 1/2008, vì sức ép của công chúng mà Delgado đã buộc phải rút lại đơn kiện.

Ân nhân kiện đòi người gặp nạn bồi thường

Hai anh chàng David Kelley và Mark Kinkaid đang lái xe dọc Đường 23 ở hạt Marion, bang Ohio thì thấy một chiếc xe đang bốc cháy ở dưới một con dốc. Dừng lại trong giây lát, họ nghe thấy một giọng nữ đang khóc lóc kêu cứu.

Chiếc xe của Theresa Tanner,

Mạo hiểm cả mạng sống của mình, cả 2 đã lao vào cứu Theresa Tanner, 26 tuổi khỏi chiếc xe đang cháy. Nhiệt độ cao trong chiếc ô tô đã khiến chiếc điện thoại của 2 anh này nóng chảy, tóc tai cháy xém và suýt ngạt thở. Nạn nhân Tanner trong khi đó được giải cứu kịp thời nên đã giữ được tính mạng. Kelley và Kinkaid cũng được tôn vinh như những anh hùng.

Tuy nhiên, trong một động thái hết sức bất ngờ, ngày 10/3/2001, những người đã cứu sống Tanner đã quay sang kiện đòi cô gái phải bồi thường những tổn hại của họ trong lúc cứu cô. Đơn kiện của 2 người đàn ông cáo buộc rằng do sự sơ suất của Tanner mà họ đã bị đẩy vào tình huống phải cứu cô, và phải hứng chịu “những chấn thương nghiêm trọng” với một số thương tật vĩnh viễn.

Đòi bồi thường vì tự đổ cà phê vào người

Năm 1992, một cụ bà người Mỹ tên Stella Liebeck, 77 tuổi đã mua một ly cà phê tại cửa hàng McDonald’s tại Albuquerque, thành phố New Mexico.

 

Khi lên xe, bà đã kẹp ly cà phê nóng giữa 2 đùi rồi mở chiếc nắp nhựa mỏng để bỏ đường. Nhưng vì tuổi già sức yếu, bà cụ đã run tay và tự đánh đổ ly cà phê nóng lên người. Bà Stella sau đó phải vào viện điều trị bỏng trong một thời gian.

Hai năm sau, bà Stella đã đệ đơn kiện đòi McDonald’s bồi thường, nói rằng vì cà phê của McDonald’s quá nóng nên bà mới đánh đổ thứ đồ uống đó vào người, dẫn đến bị bỏng độ 3 trên 6% diện tích cơ thể. Điều khôi hài là sau đó tòa đã đồng ý với lập luận của cụ già này, buộc hãng đồ ăn nhanh phải trả cho bà chi phí thuốc men là 160.000 USD và 2,7 triệu USD tiền bồi thường. Minh Ngọc (Tổng hợp)

Hà Dung

Đọc thêm