Những đóng góp của lính thợ Việt Nam cho thương hiệu gạo Camargue nổi tiếng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 1941, trước nguy cơ thiếu lương thực, Chính phủ Pháp huy động hàng trăm lính thợ Việt Nam - những người am hiểu bí quyết trồng lúa đến Camargue giúp nông dân cải thiện kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm. Những người lính thợ Việt Nam đã giúp cho vùng Camargue trở nên giàu có nhờ chất lượng gạo vượt trội.
Những đóng góp của lính thợ Việt Nam cho thương hiệu gạo Camargue nổi tiếng

* Chuyện đời cơ cực của những lính thợ trên đất Pháp

Thế nhưng, công lao của người nông dân Việt dần bị xoá mờ trong tâm trí của người dân địa phương và các hợp tác xã ở vùng đất này.

Những giọt mồ hôi trên cánh đồng Camargue

Camargue rộng 1.500 km2, nằm bên bờ Địa Trung Hải, là công viên thiên nhiên cấp vùng của Pháp và khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Camargue là thủ phủ gạo của Pháp và đáp ứng gần 1/3 nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, gạo Camargue ngày nay không ra đời từ nông nghiệp truyền thống của Pháp.

Ngược dòng lịch sử, cây lúa du nhập vào châu Âu khoảng thế kỷ 15, qua giao dịch thương mại với các nước Ả-rập. Lúa gạo không phải là lương thực quan trọng của châu lục này so với lúa mì, bắp, khoai tây, nho; nhưng có tầm ảnh hưởng chính trị rất lớn.

Ở nước Pháp, dù lúa gạo không phải thức ăn chính nhưng nhưng số lượng nhập khẩu khá cao, độ 400.000 tấn mỗi năm. Diện tích trồng lúa có lúc đến 33.000 hecta vào 1961 rồi giảm xuống 11.000 hecta vào 1985. Do áp lực chính trị của giới nông dân, từ 1990 chính phủ Pháp phải phục hồi kỹ nghệ trồng lúa với chính sách trợ cấp không nhỏ để luôn giữ diện tích trồng lúa 20.000 hecta mỗi năm.

Lúa ở Camargue được bắt đầu khai thác từ thế kỷ 18, nhưng hay thất bại. Đến thập niên 1920, lúa được tái khai thác, nhưng rất yếu kém, thường bị gián đoạn. Kể từ 1942, ngành trồng lúa của vùng mới thật sự phát triển mạnh liên tục và tồn tại đến ngày nay. Sự thành công này là nhờ đóng góp công lao, mồ hôi và nước mắt của một nhóm người Việt bị cưỡng bức nhập cư trong giai đoạn khai phá ban đầu của Camargue, còn được gọi lính thợ, để phục vụ công nghiệp chiến tranh thế giới thứ 2 tại Pháp.

Lính thợ Việt Nam canh tác tại vùng Camargue (Pháp).

Lính thợ Việt Nam canh tác tại vùng Camargue (Pháp).

Vào thập niên 1930, mục tiêu trồng lúa của vùng Camargue được Pháp xác định là để bảo vệ môi trường địa phương và làm giảm bớt các mối nguy cơ nước mặn đe dọa sản xuất nông nghiệp vùng. Cho nên, năm 1942 Chính phủ Pháp điều động 500 người lính thợ Việt Nam tới vùng Camargue để phục hồi ngành trồng lúa nhằm góp phần giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực thời chiến tranh, vì họ tin rằng những lính thợ này có nhiều kinh nghiệm trồng lúa nước ở châu Á.

Thật vậy, những lính thợ này đã thành công ngoạn mục với kết quả thu hoạch cuối vụ làm cho nhà nước và người địa phương rất ngạc nhiên, bởi họ đã thất bại nhiều lần khi cố gắng trồng lúa ở vùng đất ngập mặn vào thế kỷ 19 và đầu 20.

Vào tháng 9/1942 với vụ lúa đầu tiên, họ rất mừng rỡ thu hoạch được 3,6 tấn/hecta, năm 1943 với 2,61 tấn/hecta và 1944 với 2,75 tấn/ha. Đến 1951, diện tích trồng của Camargue đạt đến 13.000 hecta. Nhóm người Việt này thành công khai thác canh tác lúa, nhưng năng suất bình quân còn thấp 2-3 tấn lúa/hecta, trong khi nước Ý đạt đến 4-5 tấn/hecta.

Về sau, với kỹ thuật tiến bộ hơn và ngành cơ giới hóa phát triển, nông dân Pháp không còn dùng nhiều sức lao động trong các công đoạn sản xuất, họ dùng máy kéo xới đất, san bằng mặt ruộng, gieo thẳng hạt giống cải tiến thay vì cấy lúa, dẫn thủy nhập điền, sử dụng phân hóa học và bảo vệ mùa màng để đưa năng suất lên 5-6 tấn/hecta như hiện nay.

Rõ ràng, những lính thợ này đã làm việc rất cực khổ, tay lấm chân bùn, với kinh nghiệm trồng lúa cổ truyền đã thành công đưa Camargue trở thành nôi sản xuất lúa gạo, còn gọi “vàng trắng”, đặc sản rất quý hiếm của người Pháp bấy giờ. Giá một cân gạo gấp 3 lần giá một cân lúa mì. Nhiều gia đình Pháp ở Camargue trở nên giàu có với các nông trại rộng lớn sau này.

Nhờ những nỗ lực và sự hy sinh vô biên của người Việt bị cưỡng bức di cư đã giúp cho ngành trồng lúa nước tại Camargue trở thành niềm tự hào của nước Pháp và tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, sự cống hiến vật chất và tinh thần lớn lao này đã bị người dân bản xứ, ngay cả dân Camargue vô tình hoặc cố ý bỏ quên hơn 70 năm qua.

Bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương.Bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương.

Đi tìm lại sự công bằng

Canh tác lúa theo cách của những người lính thợ Việt Nam tiếp tục giúp những nhà sản xuất ở vùng Camargue trở nên giàu có. Chất lượng gạo vùng này nổi tiếng, thậm chí còn vượt trội gạo của Ý và Tây Ban Nha. Thế nhưng, công lao của người nông dân Đông Dương dần bị xoá mờ trong tâm trí của người dân địa phương và cả nước Pháp.

Sau khi chiến tranh kết thúc, trên những cánh đồng lúa, thay thế người lao động Đông Dương là người Ý và Tây Ban Nha, được tuyển dụng có hợp đồng lao động và được trả lương một cách tử tế. Từ đó, không ai nghĩ tới những người nông dân Việt Nam đã viết lên những trang đầu tiên của ngành nông nghiệp trồng lúa tại Camargue. Để rồi đến một ngày hình ảnh những người nông dân Việt Nam, làm việc trong khoảng 10 năm trên đất Pháp, biến mất hoàn toàn.

Ngay tại “Lễ hội Lúa Gạo” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại Arles, không ai nhắc tới những người nông dân Việt Nam. Đây là bằng chứng cho sự bất công đối với những người lao động vất vả. Trong bất kỳ buổi trình diễn hay hoạt động nào, người dân địa phương luôn thể hiện gạo là tài sản riêng, là bản sắc riêng của vùng Camargue do ảnh hưởng từ Tây Ban Nha.

Lúa gạo tại Camargue là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng.Lúa gạo tại Camargue là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng.

Cá biệt hơn, một số người cho rằng, những thông tin và bằng chứng được công bố là giả, như trường hợp của Pierre Guillot và Yves Smith, cả hai trước đây đều là nhà sản xuất lúa gạo. Ông Guillot khẳng định “những người lao động Đông Dương không biết tới gạo, không phải là nông dân. Họ ở lại ngắn ngày, Vì vậy, phải dạy họ mọi khâu đoạn. Điều này khá vất vả”. Ông cũng cho biết, năm 1940-1944, người ta không nghe nói tới gạo tại Camargue, hoặc không sẽ là gạo nhập khẩu, từ Tây Ban Nha hoặc các nơi khác.

Lỗ hổng lịch sử này chỉ bắt đầu được “vá” lại vào năm 2004, Pierre Daum - phóng viên nhật báo Libération phát hiện một bức ảnh chụp năm 1942 thể hiện một số người Việt Nam đang trồng lúa tại Camargue.

Điều này thôi thúc Daum tìm hiểu và viết nhiều sách về lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Thế chiến thứ hai, mà gần đây nhất (2017) là truyện tranh Les lính thợ, immigrés de force (Lính thợ - những người bị cưỡng bức nhập cư).

Năm 2009, Hervé Schiavetti - thị trưởng thành phố Arles đã tổ chức một buổi lễ vinh danh lính thợ Việt Nam với sự hiện diện của những lính thợ cuối cùng còn sống.

Năm 2013, đạo diễn Pháp gốc Việt Lê Lâm ra mắt bộ phim tài liệu Công Binh, la longue nuit Indochinoise (Công Binh - đêm dài Đông Dương). Trước đó, phim này đã nhận giải tại LHP Pessac 2012 và LHP Amiens 2012.

Năm 2014, đài tưởng niệm quốc gia những người lính thợ Việt Nam được khánh thành ở Salin-de-Giraud (thành phố Arles) với hai ngôn ngữ Việt - Pháp, trong đó nội dung tiếng Việt là: “Nhớ ơn hai mươi ngàn công nhân người Việt Nam đã bị trưng dụng từ năm 1939 đến 1952 / Để tưởng niệm lịch sử những người thợ Việt Nam tại Pháp và tưởng niệm những ai đã qua đời trên đất Pháp”.

Tháng 3/2018, kênh truyền hình TV5 của Pháp phát phóng sự về những người lính thợ Đông Dương, trong đó có lời kể của cụ Trần Văn Thân - lính thợ 100 tuổi còn sống.

Đọc thêm