Những dự án giao thông "nghìn tỷ" bị "cảnh cáo"

Do tiến độ thi công “rùa”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải chỉ đạo Ban quản lý dự án 4 (PMU4) ra văn bản cảnh cáo nhà thầu. Đánh giá của đơn vị chức năng cho thấy, “các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp kém, tư vấn giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nên vẫn để xẩy ra các lỗi về chất lượng”.

Do tiến độ thi công “rùa”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải chỉ đạo Ban quản lý dự án 4 (PMU4) ra văn bản cảnh cáo nhà thầu. Đánh giá của đơn vị chức năng cho thấy, “các nhà thầu thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp kém, tư vấn giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nên vẫn để xảy ra các lỗi về chất lượng”.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo đó, dự án nâng cấp Quốc lộ 8 (đoạn Km0-Km37 thuộc tỉnh Hà Tĩnh), dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 9A và dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Tp.Huế đã có những “hạt sạn” cần phải được chấn chỉnh.

Với tổng mức đầu tư 1.176 tỷ đồng và được chia làm 10 gói thầu, dự án cải tạo nâng cấp Quộc lộ 8 có tổng chiều dài 37 km được khởi công vào giữa năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi, hiện nay việc thi công tại một số gói thầu vẫn gặp khó khăn. Theo đó, tại gói thầu XL4, đến thời điểm đầu tháng 3/2013 gần như vẫn chưa triển khai gì nhiều dù chủ đầu tư đã thực hiện việc bố trí vốn cho nhà thầu.

Đặc biệt, dù đã tạm ứng hơn 10 tỷ đồng, nhưng gói thầu XL8 do liên doanh nhà thầu giữa Công ty TNHH Hoà Hiệp và Công ty CP quản lý và xây dựng giao thông thuỷ bộ Nghệ An vẫn chưa được triển khai thi công. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, với trường hợp tại gói thầu XL8, nếu không tiến hành thu hồi tiền đã tạm ứng hợp đồng thì chủ đầu tư là PMU4 đề xuất xử lý theo hướng điều chuyển nhà thầu này sang một gói thầu khác thi công để trừ khối lượng.

Với thực tế trên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận, “các nhà thầu, đặc biệt nhà thầu thi công đường, thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp kém, trong khi đó tư vấn giám sát chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm nên vẫn để xảy ra các lỗi về chất lượng”.

Việc đáp ứng tiến độ tại dự án Quốc lộ 8 dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn, khi suất đầu tư có thể phải điều chỉnh tăng lên. Bởi, hiện nay khu vực xây dựng công trình còn vướng mắc về số lượng mỏ vật liệu đất đắp nền đường rất hạn chế, không đảm bảo trữ lượng để cung cấp cho dự án, điều này dẫn đến giá thành tăng cao so với giá dự thầu.

Về tiến độ triển khai một số gói thầu của dự án 2.422 tỷ đồng (dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 49A tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng được cơ quan chức trách nhận xét là có vấn đề. Bằng biện pháp quyết liệt hơn, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã yêu cầu PMU ký văn bản cảnh cáo Liên danh Công ty TNHH DV TMSX-XD Đông Mê Công và Công ty CP xây lắp và thương mại An Bảo. Theo đó, tiến độ mà liên danh này thực hiện tại gói thầu XL11 được xác định là “rất chậm, không đảm bảo mục tiêu đề ra”.

Những gói thầu khác như XL9, XL10, dù không phải sử dụng đến “biện pháp mạnh”, nhưng tiến độ hoàn công của các gói thầu cũng lại tuỳ thuộc vào “cam kết tiến độ” mà nhà thầu… hứa.

Đối với dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Huế, có tổng số 4 gói thầu được xác định chậm tiến độ. Trong đó, một số nhà thầu được “ghi danh” trong việc chậm trễ thi công dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án như Công ty Vạn Cường, Công ty PVC.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng ra “tối hậu thư” đối với đơn vị thi công tại gói thầu số 3 thuộc dự án tuyến tránh thành phố Huế, bởi đây là gói thầu có tiến độ chậm nhất so với bốn gói… chậm tiến độ khác. Theo “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu trước ngày 30/3/2013 mà nhà thầu này không hoàn thành khối lượng rãnh thấm bổ sung thì Ban PMU 6 phải đề xuất giao lại cho đơn vị khác thực hiện.

Việt Hưng

Đọc thêm