Chạy xe qua những cung đường hãy còn đen láng màu nhựa mới, nhìn thôn bản ruộng đồng định cư định canh của đồng bào dân tộc Cơtu ở Hòa Bắc, tôi lại nhớ đến cô bé Đinh Thị Nga xinh xắn mặc bộ váy áo truyền thống trong lần chúng tôi mang sách vở lên tặng các em học sinh ở Hòa Bắc.
|
|||
Khôn xiết mừng vui khi chiếc cầu Tà Lang - Giàn Bí hoàn thành. (Ảnh: V.T.L). |
Ngày ấy Nga là một trong số hiếm hoi những học sinh ở thôn Tà Lang theo học ở trường nội trú dân tộc. Hôm em về thăm nhà thì gặp chúng tôi lên. Có sự hiện diện của Nga, cuộc gặp mặt giữa chúng tôi và các em thiếu niên ở các thôn bản dễ trở thành gần gũi với nhau hơn. Em kể cho tôi nghe những ngày tháng đầu tiên vào trường nội trú, nhớ nhà nhớ làng bản tưởng không chịu nổi. Nhiều lần Nga đã trốn nội trú về lại nhà, nhưng rồi gặp cán bộ, gặp già làng, ai cũng khuyên cố gắng mà học đem cái chữ về làng dạy lại cho các em thơ. Nghe tôi hỏi về những mơ ước của mình, Nga bảo: Em mơ ước nhiều lắm. Nào là có điện về làng, có cái nhà xây cho chắc, cái trường học cho đẹp, có cái cầu bắc qua sông. Mấy đứa trẻ lem luốc đứng chung quanh líu ríu thêm lời: Còn có chiếc xe đạp đến trường cho con đường bớt xa nữa.
Ở một vùng núi non gieo neo và đầy ắp khó khăn như thôn bản Tà Lang, Giàn Bí vào năm tháng ấy, những mơ ước như thế có khác gì với tay lên đòi hái sao trời.
Vậy mà bây giờ “sao trời” - tức là ánh đèn điện đã sáng khắp núi đồi Hòa Bắc. Thành phố cấp kinh phí cho các hộ xây dựng nhà, bộ đội chung tay góp sức xây dựng. Những con đường trong thôn bản đã được láng bê-tông phẳng phiu. Nhà Gươl, trường học sáng rỡ gương mặt văn hóa thôn bản. Để Hòa Bắc có được như hôm nay, có phần đóng góp rất lớn của bộ đội. Lính vỡ đất khai hoang, lính xây nhà cho dân, lính làm thủy lợi dẫn nước về đồng ruộng. Rồi bộ đội làm thầy giáo, bộ đội làm... quan tòa phân xử đám thanh niên trong làng rượu chè say sưa quấy quá.
Dường như núi từ ngày có điện thắp sáng núi vui hơn, tưng bừng hơn, tivi có, karaoke cũng có. Gương mặt núi rừng bớt đi, xua đi sự thâm nghiêm thăm thẳm. Nhưng cũng vì thế mà ánh lửa bập bùng bên những điệu nhảy tung tung da dá hùng dũng của các chàng trai hòa với điệu múa mềm mại của các thiếu nữ dường như mỗi ngày một thêm thưa thớt.
Sự độc đáo về văn hóa từ miền núi cho đến vùng biển cũng chính là sự độc đáo của văn hóa Đà Nẵng. Hiếm có một thành phố nào có nhiều ưu thế tự nhiên như Đà Nẵng: “Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi”, hẳn núi ở đây không chỉ là Sơn Trà mà còn là những Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh. Cũng chính vì thế mà tầng vỉa văn hóa đa sắc hơn, đa thanh hơn. Sự độc đáo bao giờ cũng là hấp lực kích thích bao mê say khám phá, mà non cao rừng thẳm cho đến biển mênh mông kia luôn ẩn tàng một niềm bí mật, đi hoài không thấy tới.
Như con đường chiều nay réo gọi tôi đi về hướng núi. Bất chợt tôi nhìn lên trên đỉnh núi chon von nơi mây trắng bốn mùa tươi tốt. Hình như, trên cái đỉnh núi Bạch Mã cao vời vợi ấy, thuở xa xưa từng bao lớp người khai phá vượt qua tiến về phương Nam mở đất. Vẫn cái thuở ngày xửa ngày xưa ấy, thời lập nên những làng mạc dưới chân phía Nam dãy núi này, người ở Bắc - Hòa Vang qua lại đi chợ Nam Đông (Thừa Thiên) mòn gót trên những lối đi chênh vênh ấy. Mãi về sau, đường đèo Hải Vân mới được mở ra, con đường qua đỉnh núi chon von kia mới trả lại cho mây bay gió thổi.
Một cựu chiến binh có trang trại dưới chân núi, đã có lần kể cho tôi nghe: Đứng trên cao mà hình dung, nối các đỉnh Hải Vân - Bạch Mã - Năm Hố - Sơn Gà - An Định, ta sẽ thấy một hình cánh cung, bao năm trận mạc kháng chiến ngày xưa đấy là những con đường đổ về cánh Bắc - Hòa Vang. Tôi thử cố hình dung nhìn theo lời người cựu chiến binh nói, nhưng chỉ thấy mây trắng bay dặt dìu như những linh hồn đang phiêu bồng rong chơi giữa bao la đất trời cố xứ. Ở Hòa Bắc bây giờ, lũ con trai con gái thôn bản xa lạ với những chuyện như thế. Ngay cả những bàn tay sơn nữ cũng đã xa dần canh cửi dệt những tấm thổ cẩm, những điệu nhảy điệu múa tung tung da dá dần hồi xa vắng.
Chợt nhớ cái tập đề cương kịch bản cho Đà Nẵng ngày 29-3 bỏ trong cốp xe suốt ngày. Tìm kiếm những hình ảnh ấn tượng minh họa cho sự phát triển thì những cao ốc chót vót trời xanh, những xa lộ thênh thang thẳng tắp hướng đến chân trời. Và lẽ đương nhiên là những chiếc cầu đẹp thuộc vào hàng tầm cỡ quốc gia bắc qua sông Hàn. Những hình ảnh như thế tưởng đã quá đầy đủ. Nó vừa cực kỳ hiện đại và rực rỡ xinh đẹp ngập tràn ánh đèn màu về đêm vừa chói lọi đỉnh cao và sức vươn tới. Nhưng, câu thơ Chế Lan Viên đánh thức trong tôi một điều, “Ôi sông Hồng, sông Hồng vạm vỡ. Có khi người thiếu đi một tiếng thương thầm”. Tôi đang đi tìm, đi nghe hai tiếng “thương thầm” ấy chăng? Mà phàm cái gì thầm lặng, cái gì ẩn khuất, ví như bùn nuôi cho sen lớn lên nở thành hoa...
Nhưng chủ đề của kịch bản là phát triển, là cộng hưởng thanh âm của một đồng ca, một hợp xướng, vì vậy nó không thể thiếu bè trầm. Hai tiếng “thương thầm” tức là cái bè trầm ấy. Mà ở Hòa Bắc, ở các thôn bản Tà Lang, Giàn Bí thì giàu có vô cùng hai tiếng Thương thầm. Mồ hôi của những người lính có thời điểm đông đến hàng trăm hàng ngàn người trần lưng giúp dân vỡ đất khai hoang xây dựng làng bản - nói với tôi điều thầm lặng đó. Nhỏ nhắn, lặng thầm cố mang cái chữ về làng giống như cô bé Đinh Thị Nga - nói với tôi điều lặng thầm đó. Đến đây rồi tôi mới vừa biết còn có thêm một chiếc cầu mới mọc lên như trong giấc mơ.
Cố nhiên là không đẹp đẽ và “vạm vỡ” như cầu sông Hàn hay cầu Thuận Phước, nhưng nó nhỏ nhoi mà đầy ắp hai tiếng thương thầm. Các em nhỏ dân tộc tung tăng sách vở bước qua cầu đến trường lớp nói với tôi điều đó. Rồi những mùa mưa lũ sẽ không còn gieo rắc bao niềm âu lo phấp phỏng khi các em phải qua sông đến trường trên những chiếc thuyền nhỏ mong manh mặc cho nổi trôi số phận. Ngẫu hứng qua cầu tôi hát véo von trên đường: Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo. Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo. Nhịp cầu nối những bờ vui... Chẳng có hẹn hò nào với tôi nơi đây hết, nhưng trái tim đa đoan của tôi chừng như luôn âm ỉ... thương thầm!
Bút ký Nguyễn Nhã Tiên