Những người gác đường ngang không chuyên

Ở một số đường ngang dân sinh thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt, năm qua, thành phố và các quận đã bố trí kinh phí thuê người gác chắn ban ngày. Đây là một công việc vất vả, ít có được những ngày nghỉ trong các dịp lễ, Tết...

Ở một số đường ngang dân sinh thường xuyên xảy ra tai nạn đường sắt, năm qua, thành phố và các quận đã bố trí kinh phí thuê người gác chắn ban ngày. Đây là một công việc vất vả, ít có được những ngày nghỉ trong các dịp lễ, Tết...

Chỉ nghỉ một ngày Tết…

Ông Ca nhanh tay hạ “barie” xuống khi nhìn thấy đầu tàu ló ra.

Ông Ca nhanh tay hạ “barie” xuống khi nhìn thấy đầu tàu ló ra. 

Tuy mới lập xuân, nhưng cái nắng cuối chiều như thiêu như đốt. Chốt gác nhỏ làm bằng tôn để trú nắng, trú mưa cho người gác đường ngang dân sinh ở Km778+760 thuộc tổ 43, phường Hòa Hiệp Nam nóng hầm hập. Đúng 16 giờ 40, ông Nguyễn Văn Ca (65 tuổi) đội mũ đứng dậy chờ đóng đường ngang cho một đoàn tàu sắp chạy qua. Đoạn đường này hằng ngày có rất đông người dân của phường Hòa Hiệp Nam qua lại, tuy nhiên đường có độ dốc khá lớn, lại nằm sát với quốc lộ 1A, có nhiều tiếng ồn lớn của xe cộ qua lại, nhiều khi người đi đường không nghe được tiếng còi của tàu hỏa, nên thường hay xảy ra tai nạn đường sắt.

Tháng 4-2008, UBND quận Liên Chiểu quyết định thuê hai anh em ông Nguyễn Văn Ca và Nguyễn Văn Đại gác cảnh giới tại đường ngang dân sinh này, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân qua lại, với khoản trợ cấp cho hai người là 1 triệu đồng/tháng (sau thành phố có hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/tháng).  Công việc hằng ngày của hai người bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 19 giờ, cứ đến 12 giờ trưa là lại đổi ca gác cho nhau. Tại gác chắn, UBND quận Liên Chiểu đã làm một chốt gác để trú nắng, trú mưa.

Những ngày giáp Tết này, trong lúc bà con trong các xóm tất bật lo sắm, rộn ràng ăn tất niên thì hai ông vẫn buồn tẻ và vật lộn với cái nắng như thiêu đốt, ngồi ở gác chắn cảnh giới tại đường ngang này, bảo đảm cho người dân qua lại an toàn. “Dịp Tết thì chúng tôi chỉ nghỉ một ngày duy nhất, đó là ngày mồng 1 Tết vì ngày đó tàu chạy ít. Còn sang ngày mồng 2 Tết là tàu chạy nhiều rồi, bà con qua lại đi chơi Tết cũng khá đông nên hai anh em tôi ra gác chắn... Người dân chấp hành rất tốt, nhưng thỉnh thoảng gặp một số người say rượu đến nói năng lung tung và cản trở công việc.” - ông Ca cho biết
như vậy.

Xuôi về phía Nam 20 cây số, trước những bức xúc của người dân khi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại đường ngang dân sinh ở km799+210, thuộc tổ 13, phường Hòa Thọ Tây, tháng 10-2009, thành phố đã bố trí kinh phí giao cho UBND quận Cẩm Lệ thuê người đứng gác cảnh giới ở đường ngang này. Ông Ngô Lực (52 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 4A, phường Hòa Thọ Tây, người được giao trách nhiệm gác cảnh giới ở đường ngang này cho biết: “Nhờ xin được ở Trạm chắn đường ngang của ngành đường sắt ở bên kia một bảng giờ chạy tàu, nên cứ gần đến giờ có tàu qua là tôi đến chắn, “xua” hết những hành khách đang đứng ngồi chờ đón xe trên đoạn rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt xuống, chờ tàu đến gần rồi hạ cây tre này xuống và ra hiệu cờ an toàn cho tàu đi qua. Kể từ khi được giao gác cảnh giới, chúng tôi đã bảo đảm được an toàn tính mạng cho người dân qua lại!”.

Và những nỗi niềm khó tỏ bày

Vì nhiều lý do nên người gác cảnh giới ở đường ngang dân sinh này thường xuyên vắng mặt.

Vì nhiều lý do nên người gác cảnh giới ở đường ngang dân sinh này thường xuyên vắng mặt.

Nói về những khó khăn trong công việc cảnh giới đường ngang của những người không chuyên, ông Lực bày tỏ: “Tôi đã kiến nghị lên phường mấy lần cấp kinh phí để làm một thanh barie khác cho chắc chắn, sơn màu đỏ và trắng để cảnh báo thay cho ngọn tre yếu xìu này nhưng vẫn chưa được. Vì chúng tôi không chuyên và với thanh “barie” bằng ngọn tre như vậy nên đã mấy lần bị người ta mở “barie” lên để đi qua. Lúc trước, vì không chịu nổi với những lần “đối đầu” với người qua đường, nên một chị đã phải bỏ cuộc, không làm nữa”. Còn ông Ca thì đề nghị: “Mong quận và phường quan tâm hỗ trợ thêm tiền bồi dưỡng cho chúng tôi để yên tâm gác chắn cảnh giới.

Vì mỗi người chỉ nhận được 750 ngàn đồng/tháng là rất khó trang trải cuộc sống và cũng chính vì vậy nên người phân công gác cảnh giới tại đường ngang dân sinh sau lưng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (km784+475) bấy lâu nay cứ ngày làm, ngày nghỉ, nghe nói ông ấy cũng không còn làm nữa, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm bố trí kinh phí làm cho một thanh chắn barie đủ chắc chắn thay cho thanh tre ngắn ngủn này”.

Tuyến đường sắt đi qua thành phố Đà Nẵng dài 40,3km qua 16 xã, phường thuộc 4 quận, huyện Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê và Hòa Vang có 23 đường ngang có gác chắn, 7 đường ngang có phòng vệ bằng hệ thống cảnh báo tự động và biển báo, 46 đường ngang dân sinh. 

Nếu như ở các trạm gác chắn của ngành Đường sắt được trang bị đèn, chuông báo hiệu, điện thoại báo đóng chắn… bảo đảm chính xác, hiệu quả, thì ở các trạm gác cảnh giới đường ngang dân sinh, mọi công việc chỉ dựa vào sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của những người gác không chuyên. Mong rằng, chính quyền, các ngành chức năng và người dân cần quan tâm, hỗ trợ, hợp tác hơn nữa với những người gác đường ngang dân sinh để bảo đảm an toàn cho người đi đường và mỗi chuyến tàu chạy qua.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

Đọc thêm