Những sai sót "chết người" trong kỳ án vườn mít (tiếp theo)

Hai bản án tuyên tử hình Lê Bá Mai với quá nhiều lỗi tố tụng “chết người” bị giám đốc thẩm tuyên hủy. Số phận tử tù Lê Bá Mai chuyển sang một chương mới tươi sáng: được tuyên vô tội và trả tự do. Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, chẳng bao lâu Mai bị bắt lại, bản án vô tội với nhiều lý lẽ sắc sảo bị… tuyên hủy.

[links()]Sau khi VKSND Tối cao kháng nghị, án tử hình tạm dừng thi hành, kỳ án Vườn Mít được xem xét lại kỹ càng hơn. Hai bản án tuyên tử hình Lê Bá Mai với quá nhiều lỗi tố tụng “chết người” bị giám đốc thẩm tuyên hủy. Số phận tử tù Lê Bá Mai chuyển sang một chương mới tươi sáng: được tuyên vô tội và trả tự do. Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, chẳng bao lâu Mai bị bắt lại, bản án vô tội với nhiều lý lẽ sắc sảo bị… tuyên hủy.

Nghi ngờ nạn nhân chưa chắc là Út

Trong lúc gia đình tử tù Lê Bá Mai và ông chủ vườn mít Dương Bá Tuân vô cùng tuyệt vọng, đêm ngày hồi hộp không yên, nhiều lần ngủ thấy ác mộng vì cho rằng Mai đã bị đem ra trường bắn để tử hình thì không còn gì cứu vãn nổi, kháng nghị của VKSND Tối cao đã khơi lại cho họ ngọn lửa hy vọng và niềm tin.

c
Đã 9 năm qua, Lê Bá Mai phải ngồi trước vành móng ngựa bao lần mà "số phận pháp lý" vẫn chưa đến hồi kết.

Tháng 2/2007, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án Vườn Mít. Án giám đốc thẩm nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người bị hại là một bé gái mới 11 tuổi, lại là người dân tộc thiểu số. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết luận bị cáo Mai phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em, áp dụng hình phạt cao nhất: tử hình.

Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng các quy định tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ vào các chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác.

Do đó, để có căn cứ vững chắc kết án Mai về tội giết người và hiếp dâm trẻ em, ngoài những tình tiết của vụ án đã được chứng minh có ý nghĩa buộc tội bị cáo, cần phải điều tra làm rõ thêm một số vấn đề sau:

Ngay buổi tối 12/11/2004, không thấy cháu Thị Út (11 tuổi) về, cháu Thị Hằng (9 tuổi) kể cho người nhà về đặc điểm người chở cháu Út đi, anh Điểu Ky (cha cháu Hằng) đã nghi người đó là Mai. Anh Điểu Ky và cháu Hằng đã đến hỏi Mai nhưng Mai không nhận, nhưng anh cũng không có phản ứng gì, cũng không báo với chính quyền địa phương hay với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc cháu Út mất tích.

Ngày 16/11/2004, anh Điểu Ky cùng họ hàng tổ chức tìm kiếm cháu Út, đến khoảng 11h30 phát hiện có xác chết trong vườn mít của ông Dương Bá Tuân, nhưng không có tài liệu nào thể hiện cơ quan chức năng như công an xã đã tiến hành lập biên bản về việc anh Điểu Ky phát hiện ra xác chết, cũng không cho gia đình cháu Út nhận dạng tử thi.

Vì vậy, cần hỏi lại những người thân của cháu Út đã căn cứ vào đặc điểm gì để nhận ra đó là cháu Út? Đặc biệt là chiếc quần quấn trên cổ nạn nhân, về màu sắc, cách gọi không thống nhất giữa lời khai với biên bản thu giữ, phải lý giải được vì sao lại có sự khác nhau đó?.

“Mặt khác, đến nay gia đình có nghi ngờ gì về nạn nhân bị giết không phải là cháu Út hay không?”, án giám đốc thẩm đặt vấn đề.

Kể cả việc Mai và gia đình khiếu nại Mai bị ép cung, bị vi phạm quyền kháng cáo nhưng chưa được giải quyết. Bản kháng nghị của viện kiểm sát nêu ra những tình tiết khác cũng phải xác minh lại. Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy hai bản án phúc thẩm lần 1 và sơ thẩm lần 1. Mai tiếp tục bị tạm giam.

Xem thường vết giày dép tại hiện trường

Thoát án tử, thoát được nỗi sợ hãi bấy lâu, nhưng con đường trước mặt Lê Bá Mai vẫn sâu hun hút khi việc điều tra quay lại từ đầu. Có khác chăng với ngày xưa là lần này vụ án được các ngành chức năng và dư luận quan tâm, giám sát kỹ hơn.

Từng vấn đề còn mâu thuẫn hoặc chưa làm rõ được cơ quan điều tra xác minh lại khá thận trọng. Thời gian điều tra lại kéo dài, nhưng kết quả thu được xác tín nhất lại không phải là chứng cứ buộc tội thuyết phục đối với Mai: sau khi khai quật mộ cháu Út lấy mẫu giám định, cơ quan giám định khẳng định nạn nhân chính là cháu Út. Cháu cũng được xác định đã học tới lớp 4, biết tiếng Việt.

Hơn bốn năm sau án giám đốc thẩm, vụ án Vườn Mít được đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai. Tòa đã xem xét toàn diện các chứng cứ và nhận định dù đã được điều tra lại từ đầu nhưng vụ án vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn. Tại nhiều bản tự khai và biên bản lấy lời khai, Mai nhận mình phạm tội, không có chứng cứ chứng minh bị đánh đập, ép cung, nhưng lời nhận tội của Mai mâu thuẫn với các chứng cứ quan trọng khác.

Mâu thuẫn về đặc điểm người chở cháu Út đi: Mai khai sau khi rải phân xong, Mai và anh Trong về chòi rồi Mai lấy xe xuống chỗ hai cháu Út, Hằng, xe không chở vật gì. Lời khai này phù hợp với lời khai của anh Trong. Nhưng cháu Hằng khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều xác định người chở cháu Út đi trên xe có chở bình xịt thuốc rầy dẹp màu xanh và thùng nước đá màu đỏ treo ở ghi đông (ra tòa lần này, cháu Hằng đã 16 tuổi).

Lời khai của cháu Hằng phù hợp với đơn trình báo gửi công an xã và lời khai của anh Điểu Ky ngày 16/11/2004 (ngày phát hiện xác cháu Út). Tuy nhiên, trong bản khi ghi lời nhận tội của Mai sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy án để điều tra lại từ đầu, Mai lại khai mang bình xịt inox màu trắng và can nhựa màu đỏ sẫm.

Tòa dẫn chứng thêm một mâu thuẫn cơ bản khác: đối với vết giày dép in trên hiện trường thể hiện qua bản ảnh hiện trường, nhìn bằng mắt thường cũng có thể xác định có dấu vết hình sin, còn đôi dép thu giữ của Mai thì đế dép có dấu đan chéo hình carô.

Theo những lần Mai nhận tội và biên bản thực nghiệm hiện trường, nếu lời khai đó đúng sự thật thì dấu vết vân lốp xe, dấu giày dép tại hiện trường phải phù hợp với xe Mai đã sử dụng và dép Mai đã đi ngày nạn nhân mất tích. Viện kiểm sát không giám định dấu vết giày dép và cho rằng sau khi vụ án xảy ra, gia đình người bị hại đã nhờ nhiều người đến khu vực hiện trường để tìm người bị hại nên không cần thiết phải giám định dấu vết này là mâu thuẫn, bởi lẽ nếu nhiều người đi lại thì hiện trường phải thể hiện nhiều vết giày dép.

(Còn tiếp)

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm