Những “siêu lừa” bị FBI truy nã

Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang có lệnh truy nã các “trùm lừa” cổ cồn trắng đẳng cấp quốc tế, thủ phạm gây ra nhiều vụ cướp tiền trắng trợn. Những tên tội phạm này lừa đảo số tiền ước tính lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí chúng còn lừa cả công ty nơi họ đang làm việc hoặc những người thân trong gia đình.

Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang có lệnh truy nã các “trùm lừa” cổ cồn trắng đẳng cấp quốc tế, thủ phạm gây ra nhiều vụ cướp tiền trắng trợn. Số tiền mà những tên tội phạm này lừa đảo ước tính lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí còn lừa cả công ty nơi họ đang làm việc hoặc những người thân trong gia đình.

S. Edward Germenis

Đứng đầu danh sách này của FBI là S. Edward Germenis, Giám đốc đầu tư công ty Oracle Evolution LLC có trụ sở ở New York . Mặc dù làm ăn rất “vớ vẩn”, nhưng S. Edward Germenis vẫn tạo cho  mình một mô hình rất “xịn”, có đủ ban bệ, chi nhánh, cùng với cách sống vương giả để lừa thiên hạ theo bài ‘Ponzi Scheme”.

Với mẽ bề ngoài kèm theo những bố cáo tài chính nghe rất kêu, S. Edward Germenis đã lừa được trên 18 triệu USD của 25 nạn nhân, trong đó có nhiều người thân thuộc tầng lớp trung lưu và người về hưu. Tháng 1/2006, S. Edward Germenis đã nói dối gia đình đi chơi bóng chày rồi mất tăm sau khi bay thẳng sang Athens , Hy Lạp.

James T. Hammes

Với chức danh là kế toán trưởng nhưng T. Hammes đã lừa một công ty có trụ sở ở Lexington , Kentucky , Mỹ tới 8,7 triệu USD.

Theo thông báo của cảnh sát, từ năm 2004 đến 2009, T.Hammes đã tự tung tự tác sử dụng vốn của công ty một cách vô tư, tự rút 8,7 triệu USD đưa vào tài khoản của một công ty khác mà sau này người ta biết được đó là công ty riêng của T.Hammes.

Tháng 2/2009, Tòa án liên bang thuộc quận Southern, Ohio đã ra lệnh bắt T Hammes, nhưng T.Hammes đã trốn biệt tăm từ trước đó.

Harold Ranged

Harold Ranged còn có biệt danh là Harold lùn vì  chỉ cao 1,55 mét. Harold đã từng bị Toà án California kết tội vắng mặt trong lần xét xử đầu tiên và bị Tòa án liên bang Mỹ kết tội lừa đảo rồi trốn chạy.

Tội lớn nhất của Harold Ranged là hối lộ một nhân viên ngân hàng để xuất trình các chứng từ rởm nhằm lừa 600 gia đình gốc Latinh với số tiền lên tới 35 triệu USD.

Đến nay người ta không biết Harold Ranged ở đâu, mặc dù lệnh truy nã phát hành cách đây trên hai năm.

James Stanley Eberhart

Với nghề kinh doanh điện thoại, nhưng James Stanley Eberhart lại lừa thiên hạ được tới 11 triệu USD. Để lừa được số tiền khổng lồ  trên, từ tháng 2 đến tháng 10/1999 James Stanley Eberhart đã cùng với công ty YES Entertainment Network Inc. tiến hành quảng cáo rùm beng về khả năng cung cấp các website Internet, có khả năng truy cập được tới 18 kênh, giúp khách hàng có thể xem được nhiều chương trình video ở vị trí địa lý và kêu gọi mọi người đầu tư.

Kết quả có trên 800 người bị James Stanley Eberhart lừa mỗi người trên 100.000 USD. James Stanley Eberhart đã dùng số tiền này đầu tư cho việc kinh doanh riêng, số lợi nhuận được chuyển vào tài khoản của y ở Hồng Kông.

Tòa án California đã kết tội James Stanley Eberhart gian lận thương mại và rửa tiền, nhưng vẫn chưa bắt được y.

Harris Dempsey Ballow

Với nghề xúc tiến cổ phiếu, vận động mọi người mua cổ phiếu, Harris Dempsey Ballow ở Cancun đã lừa trên 16 triệu USD tiền cổ phiếu của những người nhẹ dạ.

Từ năm 1998, Harris Dempsey Ballow đã đến thuyết phục nhiều công ty, cá nhân ở Texas, Delaware và vùng đảo British Virgin Island tham gia mua cổ phiếu, gửi tiền vào tài khoản môi giới của Harris Dempsey Ballow.

Sau khi cổ phiếu rớt giá, những người tham gia rút tiền mới biết mình bị lừa. Harris Dempsey Ballow cũng đã bỏ trốn.

Craig John Oliver

Craig John Oliver (hay ‘Craig  hói”) đã cùng vợ là Jennifer Oliver thành lập công ty kinh doanh tổng hợp. Nhưng thay vì kinh doanh đúng lĩnh vực đăng ký, hai vợ chồng Craig John Oliver đã lừa 68 gia đình ở Virginia và Manyland với số tiền trên 20,5 triệu USD bằng cách nhận tiền đầu tư để xây nhà, cải tạo nhà, nhưng tất cả chỉ “đầu voi đuôi chuột”.

Tháng 12/2005 sau nhiều đơn kiện của khách hàng, cảnh sát đã triệu tập Craig John Oliver  nhưng y đều vắng mặt.

Ngày 20/1/2006, y bị tuyên án vắng mặt 20 năm tù giam nhưng từ đó đến nay vợ chồng trùm lừa vẫn “bặt vô âm tín”, để lại đằng sau nhiều dự án lỡ dở. 

Joseph Wayne McCol

Giám đốc công ty đầu tư mang tên The Brixon Group, Ltd., có trụ sở ở Arizona, Mỹ đã dùng kỹ nghệ “Ponzi Scheme” lấy tiền của người sau trả cho người trước với mức lãi xuất “không tưởng”, 10%/ tháng.

Khi kinh tế khó khăn, những người gửi đồng loạt rút tiền, McCol đã bị lộ là không kinh doanh đầu tư gì cả, mà chỉ là trò lừa bịp. Ngày 11/5/2006, tòa án ra lệnh truy nã về tội lừa đảo trên 10 triệu USD.

Olanda Tolentino Ricaforte

Với chức danh kiểm toán viên, Olanda Tolentino Ricaforte đã bị cáo buộc đồng lõa với cựu Tổng thống Philipines Joseph Ejercito Estrada thu hàng triệu USD liên quan đến dịch vụ cờ bạc trong vòng 31 tháng, từ năm 1998.

Trong thời gian này, Tolentino Ricaforte đã kiểm toán thu, chi số tiền bất hợp pháp nói trên thay mặt cho Estrada, nhưng thị đã giữ lại cho bản thân. Đầu năm 2001 Olanda Tolentino Ricaforte đã trốn khỏi Philipines sau khi Estrada bị phế truất.

Tháng 4/2001, cả Estrada lẫn Olanda Tolentino Ricaforte và những người thân cận khác bị truy tố tội “vơ vét tài sản quốc gia”. Riêng ông Estrada hiện vẫn đang bị quản thúc và điều tra. Trong khi đó, Chính phủ Philipines yêu cầu Chính phủ Mỹ bắt và trục xuất Olanda Tolentino Ricaforte, nhưng tháng 11/2006 người đàn bà này đã trốn khởi nơi cư trú.

Nguyen Thị Kim Xuyen

Nguyen Thị Kim Xuyen (tên tiếng Anh trong lệnh truy nã), gương mặt phụ nữ thứ 2 trong danh sách truy nã của FBI là người Mỹ gốc Việt. Từ năm 1999, thị đã lừa trên 5 triệu USD.

5/2005, Xuyen và 7 người khác bị tòa án Dallas Texas kết tội lừa một công ty trên 5 triệu USD. Riêng Xuyen bị kết tội là kẻ chủ mưu, 2 tội gian lận thư từ và 7 tội lừa đảo qua đường điện tín.

Xuyen đã dùng chính ngôi nhà của mình để thế chấp. Nhưng từ 8/11/2005, Xuyen đã rời bỏ nơi cư trú ở quận Northern District , Texas và bị Tòa án liên bang Mỹ phát lệnh truy nã hôm 3/2/2006.

KHẮC NAM (Theo LR/BI)