Những thầy cô “cõng” chữ Việt sang đất bạn Lào

(PLVN) - Bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, những thầy cô giáo đã mở lớp học tiếng Việt trên đất bạn Lào, để gìn giữ mối quan hệ hữu nghị hiếm có giữa hai đất nước.
Lớp học tiếng Việt do Đồn Biên phòng Thông Thụ mở ở bản Nậm Táy, nước bạn Lào.

Không biết chữ, không hiểu văn hóa, phải sống xa gia đình... là những khó khăn mà các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt cho các học sinh Lào phải đối mặt. Dù vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ những lớp học tiếng Việt vẫn được nối dài trên đất bạn Lào, để gìn giữ mối quan hệ hữu nghị hiếm có giữa hai đất nước.

Từ những giáo viên tuổi đôi mươi...

Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản” từ sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 24 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa. Tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh khác của bạn Lào đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục.

Hàng năm ngành giáo dục đều cử giáo viên sang dạy chữ cho con em cộng đồng người Việt tại Lào từ sự hợp tác, thỏa thuận giữa chính quyền tỉnh Quảng Trịvà Hội những người Việt Nam tại Savanakhet (Lào).

Cô Đậu Thị Lệ Hải (25 tuổi, quê Cam Lộ, Quảng Trị) là một trong số những giáo viên đã tình nguyện sang dạy tiếng Việt tại trường Tiểu học Thống Nhất tại Savannakhet. Khi quyết định sang Lào, Hải lúc đó mới ra trường do đó bố mẹ cô rất lo lắng cho con. Dù vậy, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, Hải vẫn thuyết phục được bố mẹ và vượt quãng đường hơn 300km và gần 10 tiếng đi ô tô và làm thủ tục để đến thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet.

Ban đầu, cũng như các giáo viên cùng đoàn công tác, cô Hải rất bỡ ngỡ về cách giao tiếp, văn hóa, cả cách tham gia giao thông ở Lào. Cùng với đó, nỗinhớ nhàda diết cũng nhiều lúc khiến cô Hải nản lòng. Khi sang đất bạn, các giáo viên phải học từ cách đọc mệnh giá tiền, cách tham gia giao thông. Tất cả đều rất khó khăn vì pháp luật trên đất bạn Lào khác nhiều với Việt Nam.

Cô Đậu Thị Lệ Hải và các học sinh tại Savannakhet (Ảnh: VNE).

Khó nhất, theo cô các giáo viên Việt tại đây là cách giao tiếp với học sinh Lào. Các giáo viên Việt Nam khi được cử sang công tác chưa được biết, hoặc không biết tiếng Lào đã khiến việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Để có thể dạy tiếng Việt cho các học sinh là con em Việt kiều, các giáo viên phải học hỏi từ những người đi trước. Các giáo viên Việt phải tự học tiếng Lào, học cách tổ chức và quản lý lớp học. Ban đầu, cô học khẩu lệnh để ổn định lớp, như nói “học sinh”, các em đáp lại “im lặng”, “bé ngoan”, “ngồi đẹp”...

Để có thể giao tiếp tốt và tạo được thiện cảm, các giáo viên Việt như cô Hải phải làm thân với những em học sinh nói tốt tiếng Việt. Mỗi ngày cuối tuần, thay vì ở phòng nghỉ ngơi, các giáo viên Việt Nam lại theo chân các em học sinh về các gia đình Việt kiều để học tiếng và tìm hiểu văn hóa của nước Lào. Với tất cả những nỗ lực đó, chỉ cần đến năm thứ hai, các giáo viên Việt Nam sẽ quen với cách dạy ở Lào, năm thứ ba thì thân thiết với học trò.

Theo các giáo viên, học sinh Việt kiều ở Lào rất ham học tiếng Việt, gần gũi và yêu mến cô giáo đến từ Việt Nam. Việc dạy và học về cơ bản cũng giống Việt Nam. Tại Lào, tiếng Việt được xem là ngoại ngữ thứ hai, sau tiếng Anh. Nội dung giảng dạy theo chương trình Tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Để có thể sang nước bạn Lào giảng dạy, các giáo viên tình nguyện phải trải qua quá trình chọn lọc ở địa phương, Phòng Giáo dục giới thiệu, các giáo viên phải trải qua vòng tuyển chọn do Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Quảng Trị chủ trì. Việc cử giáo viên dựa vào yêu cầu, số lượng do Hội Những người Việt Nam tại Lào đưa ra.

Dựa vào các tiêu chí trên, ngành Giáo dục tiến hành phỏng vấn, xét chọn những cá nhân đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để ưu tiên cử sang Lào dạy học, cũng là thực hiện nhiệm vụ với nước bạn.Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, các giáo viên được cử đi ngoài việc có chuyên môn tốt, có khả năng giao tiếp, nhằm đảm bảo uy tín, sự tin tưởng của phía Lào.

Cùng sang với cô giáo Hải trong nhiệm kỳ tình nguyện năm 2016 có 11 giáo viên Quảng Trị. Trong đó có một giáo viên dạy âm nhạc, hai giáo viên mầm nong, còn tám giáo viên khác dạy tiếng Việt ở cấp tiểu học và THCS.

Trong quá trình dạy, cô Hải gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với thầy giáo người Việt dạy ở tỉnh Khammoune (Lào). Hai người cưới nhau đầu năm học 2018-2019. Cô Hải mong muốn ở lại gắn bó lâu dài với học trò Lào.

... đến “chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em đến trường”

Năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Trinh (khi đó mang quân hàm Thượng úy) là một trong số 60 cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng của cả nước được tuyên dương trong chương trình “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường”.

Thượng úy Nguyễn Văn Trinh và em Thào May Sì (một trong nhiều học sinh được dạy tiếng Việt).

Hơn 20 năm công tác ở vùng biên, tham gia công tác xóa mù cho đồng bào huyện biên giới Kỳ Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Trinh khi chuyển về Đồn Thông Thụ (huyện Quế Phong, Nghệ An) được tin tưởng, giao nhiệm vụ đứng lớp học tiếng Việt cho các học viên người Lào. Lớp học được mở ra trong nội dung kế hoạch giúp bà con nhân dân bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và học tiếng việt nam của Đồn Thông Thụ.

Không giống tại Việt Nam, các lớp học này được mở vào dịp hè để không chỉ người dân mà các em học sinh cũng có thể tham dự. Do điều kiện khó khăn, lớp học đơn sơ mái tranh vách nứa được các Bộ đội Biên phòng Việt Nam dựng lên. Ở đó, ngày ngày những học viên người Lào không kể tuổi tác say sưa học chữ.

Hình ảnh những người phụ nữ địu con đến lớp, những nam giới đen thùi lũi với đôi bàn tay sứt sẹo vì bám rừng mưu sinh nhưng vẫn cần mẫn, cặm cụi bên những trang sách không khiến nhiều người cảm phục. Nhờ sự nhiệt tình của thầy Trinh những ánh mắt, gương mặt ngượng ngịu ban đầu đã dần được thay thế bằng sự tự tin trong cách phát âm, trong từng nét chữ.

Chia sẻ với báo chí, đồng chí Nguyễn Văn Trinh nói rằng: “Thực ra không có giáo trình mẫu nào cho lớp học với nhiều lứa tuổi khác nhau như thế này nên tôi phải tự mày mò biên soạn, điều chỉnh dần qua thực tế. Học viên là đồng bào người Mông, thậm chí có người nói tiếng Lào chưa sõi chứ chưa nói đến tiếng Việt. Bởi vậy, để học viên dễ tiếp thu, có những lúc tôi phải dạy bằng 3 thứ tiếng Mông - Lào - Việt”.

Việc dạy chữ cho bà con người Lào đòi hỏi sự kiên nhẫn cao bởi tiếng Việt và tiếng Lào có sự khác biệt lớn. Tiếng Việt là hệ chữ Latin còn tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, chịu những ảnh hưởng của tiếng Phạn. Khi dạy, ngoài chuẩn bị giáo án thì mình vừa phát âm nhưng cơ thể phải làm rất nhiều động tác tạo hình, thậm chí phải thể hiện bằng hình vẽ trên bảng để người học dễ hiểu hơn.

Không chỉ học chữ, người dân Nậm Táy và các bản lân cận tìm đến lớp học để được thầy giáo - bộ đội biên phòng hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Đồng thời, các chiến sĩ biên phòng Đồng Thông Thụ còn trích một phần tiền lương hàng tháng để giúp các học viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Nhà những việc làm nghĩa tình như vậy mà mối quan hệ ngoài giao Việt Nam - Lào ngày càng trở nên thắm thiết.

Đọc thêm