Phân phối thuốc manh mún, công nghiệp dược ì ạch, sự độc quyền của Bảo hiểm Y tế Việt Nam (BHYTVN)... đang là những chiếc thòng lọng treo giá thuốc Tây.
|
Một quầy thuốc tại trung tâm thuốc Ngọc Khánh . Ảnh: Phạm Yên |
Phân phối manh mún
Cả nước có khoảng 1.500 doanh nghiệp (DN) sản xuất và phân phối thuốc – theo Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược. Tính riêng Hà Nội, có tới 553 DN bán buôn và 2.993 cơ sở bán lẻ. Nhiều ngày ở chợ thuốc Ngọc Khánh (Hà Nội), PV Tiền Phong nhận thấy nhiều người đến mua với số lượng nhỏ lẻ, rồi chở xe máy, đem chia về đầu mối ở các địa phương.
Tuy lượng đầu mối phân phối lớn nhưng quy mô lại nhỏ, nên mỗi DN chỉ bán vài trăm trên tổng số 22.000 loại thuốc. Vì thế, có những sản phẩm chỉ có một DN bán, trong khi thuốc không phải mặt hàng bị khống chế giá, nên họ có thể đẩy giá lên cao. “Kể cả chúng tôi mua 1 nhưng bán 100, vẫn niêm yết công khai, thì cũng chẳng phạt được chúng tôi” – GĐ một Cty Dược tư nhân thách thức.
Lợi nhuận khó bị kiểm soát như vậy nhưng các DN Dược luôn kêu chi phí cao. Như GĐ Cty TNHH Đại Bắc, ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay: “Không tính tiền vận động hành lang thì chi phí phân phối thuốc đã lên tới 135% giá nhập”.
Một số Cty khác lại lý luận: Có nhiều loại thuốc không được phép quảng cáo, nên phải lách bằng cách chi hoa hồng cho bác sĩ... Thế là, tất cả những khoản công khai và đi ngầm này đều đổ lên đầu bệnh nhân. Trong lúc đó, Dự án thành lập Tập đoàn Dược Quốc gia, để tập trung phân phối thuốc, vẫn ở thì tương lai - theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Công nghiệp dược ăn xổi
Trước kia, Việt Nam từng khoanh vùng phát triển nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh, nhưng chất lượng và giá thành lại không đọ được với nước ngoài, nên đành đắp chiếu.
Rút kinh nghiệm, ngành Dược xác định sẽ sản xuất những sản phẩm chúng ta có lợi thế là nguồn dược liệu được chiết xuất từ cây thuốc quý, vốn có nhiều ở nước nhiệt đới.
“Nhưng hiện nay, chúng ta không khoanh vùng trồng trọt, bảo vệ mà lại để dân tận thu thuốc quý, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt” - ông Phạm Văn Hiệu – GĐ Cty Dược Bảo Lâm nhận xét. Vì thế, đa số Cty Dược vẫn chủ yếu làm xuất nhập khẩu, chứ “chưa sản xuất được những loại thuốc biệt dược” - Ông Trần Quang Hạnh - Đại diện Cty Dược phẩm T.Ư 1 cho hay.
Việc nghiên cứu để phát triển các loại thuốc mới gặp khó khăn về vốn và công nghệ. Ngay cả Dự án thành lập Viện Công nghiệp Dược cũng khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao, nên khó thành công – ông Nguyễn Đức Sơn, TGĐ TCty Dược Việt Nam nhận định.
Do vậy Việt Nam vẫn đang nhập khoảng 90% (kể cả nguyên liệu) lượng thuốc trên thị trường; trong đó có những loại biệt dược vẫn đang trong thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ của các tập đoàn nước ngoài, nên giá thuốc phụ thuộc rất nhiều vào những đại gia ngành Dược này.
Tại sao chỉ có một BHYTVN?
Trả lời câu hỏi này của PV Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Vụ BHYTVN, ông Lê Văn Khảm cho rằng, vì cơ quan này phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo, do Nhà nước làm chủ... nên chỉ có một; khác với các Cty BH tư nhân như Bảo Minh, Prudential... hoạt động vì lợi nhuận. Nhưng chính vì độc quyền, nên dịch vụ y tế của BH cấp cho người dân thế nào thì nhận vậy, không có quyền lựa chọn.
Khảo sát của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Dược cho thấy: từ 20 - 7 đến 20 - 8, đã có 19 loại thuốc ngoại và 9 loại thuốc nội tăng giá. |
“Ở các nước phát triển, họ có nhiều Cty BHYT, nên để cạnh tranh nhau, họ phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, họ chính là người mặc cả giá thuốc với các Cty Dược, để hạ giá thành” – GĐ một Cty Dược phân tích.
Còn ở Việt Nam, thuốc điều trị nội trú vẫn do bệnh viện chấm thầu từ các Cty Dược. Nên xảy ra điều vô lý là đơn vị phải trả tiền là BHYTVN (thực chất là người dân) lại không đứng ra mặc cả giá thuốc.
Lý giải nghịch lý này, ông Khảm cho rằng: vì BHYTVN và BV đều là Nhà nước, nên kể cả BHYTVN đứng ra tổ chức đấu thầu cũng chưa chắc đã khác. Hơn nữa, các BV là nơi cung cấp dịch vụ y tế, nên phải lựa chọn phù hợp, đảm bảo chất lượng dịch vụ của mình, để tăng tính cạnh tranh.
Điều này làm nảy sinh hiện tượng: Một số thuốc trong BV giá cao hơn bên ngoài. Bà Thủy, Trưởng khoa Dược, BV Bạch Mai nói rằng: thuốc trong BV có hóa đơn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...nhưng vị dược sĩ này lại quên nhắc đến những lợi thế lớn của BV, như: không phải thuê mặt bằng, giá nhân công, lượng thuốc xuất – nhập lớn?
Sự độc quyền của BHYTVN còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm sử dụng vốn nhàn rỗi đầu năm tài khóa. Mặc dù, cơ quan này luôn chứng minh quỹ của mình bị âm, nhưng vẫn thừa nhận: vào đầu năm, khi thu tiền BHYT mà chưa phải chi nhiều cho khám chữa bệnh (BHYT đóng theo năm) thì vẫn có một số tiền nhàn rỗi.
Với các Cty BH tư nhân, số tiền này sẽ được đầu tư để sinh lời, và trích một phần, trả chi phí dịch vụ y tế của người tham gia. Còn BHYTVN – theo ông Khảm – lại chỉ được đầu tư vào những danh mục được Nhà nước quy định, để đảm bảo tính ổn định. Vì thế, để nâng cao chất lượng y tế, vấn đề đặt ra là BHYTVN ngoài làm tốt nhiệm vụ quản lý, còn phải giỏi cả kinh doanh, để tăng Quỹ BH, giảm chi cho Nhà nước.
Hoàng Tuân