Những trăn trở của du lịch Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau các đợt dịch trước lại phải đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến doanh nghiệp dường như cạn sức chống đỡ, khó khăn chồng khó khăn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó GĐ Sở VHTT&DL Lâm Đồng cho biết.
Đường phố Đà Lạt nay chỉ còn người dân địa phương.
Đường phố Đà Lạt nay chỉ còn người dân địa phương.

Doanh nghiệp du lịch cạn sức chống đỡ

Ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng đã gánh chịu những tổn thất thế nào trước dịch bệnh COVID-19, thưa bà?

Đang khó khăn, vẫn ủng hộ tuyến đầu chống dịch

Hưởng ứng lời kêu gọi, cán bộ, công chức, viên chức ngành VHTT&DL Lâm Đồng đã tích cực đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; một số đơn vị kinh doanh du lịch đã kịp thời ủng hộ cho đơn vị tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

- Ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Bảy tháng đầu năm 2021, du khách đến Lâm Đồng đạt khoảng 2 triệu lượt (giảm 11,99% so với cùng kỳ). Trong đó, khách quốc tế khoảng 14.889 lượt (giảm 84,4% so với cùng kỳ năm 2020). Riêng trong tháng 8, do dịch diễn biến phức tạp, du khách đến Lâm Đồng gần như không có.

Có thể nói, các doanh nghiệp (DN) du lịch chưa kịp phục hồi sau các đợt dịch trước lại phải đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến DN dường như cạn sức chống đỡ, khó khăn chồng khó khăn.

Trên địa bàn, kể từ ngày 19/7/2021, hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch đã đóng cửa để phòng, chống dịch, chỉ một số cơ sở hoạt động để đón khách cách ly phòng chống dịch.

Tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn khoảng 13.000 người và hầu hết đã tạm nghỉ không lương; trừ một số đang phục vụ tại cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly và một số nhân viên trực, bảo vệ. Tất nhiên con số này rất ít, thu nhập của họ cũng giảm đáng kể.

PGĐ Sở VHTT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc

PGĐ Sở VHTT&DL Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc

Để giúp các DN vượt khó, Sở đã triển khai những giải pháp hỗ trợ nào?

- Sở đã tổng hợp danh sách các đối tượng ưu tiên, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch với hơn 6.000 người đề nghị Sở Y tế tiêm vaccine phòng chống COVID-19; thực hiện hỗ trợ đợt 1 cho 21 người là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch với gần 80 triệu đồng.

Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và tiền hỗ trợ đợt 2 cho 105 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn. Đồng thời, triển khai điều chỉnh mức thu phí thẩm định trong lĩnh vực du lịch theo Thông tư 47/2021/TT-BTC; phối hợp Điện lực Lâm Đồng và các huyện, TP hướng dẫn, triển khai giảm giá điện, tiền điện đợt 3 cho các cơ sở lưu trú du lịch.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất miễn/giảm tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông; giảm/giãn nộp thuế; giãn nợ Ngân hàng cho các DN du lịch. Đồng thời hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhằm giúp các DN phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình mới.

Các điểm du lịch ở Đà Lạt đều không một bóng du khách.

Các điểm du lịch ở Đà Lạt đều không một bóng du khách.

Kích cầu du lịch nội địa

Giải pháp nào phục hồi ngành du lịch Lâm Đồng khi dịch bệnh được kiểm soát?

- Thứ nhất, Sở đã hướng dẫn DN điều chỉnh lại các hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng; tăng cường liên kết với nhau và với hãng hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch, vận động các DN kinh doanh du lịch dịch vụ (vận tải - lưu trú - ăn uống - mua sắm - tham quan) liên kết thành chuỗi dịch vụ khép kín với nhiều gói chương trình kích cầu giá ưu đãi, linh hoạt, phù hợp nhiều đối tượng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, trong khâu truyền thông quảng bá Đà Lạt - Lâm Đồng “điểm đến an toàn, hấp dẫn”, chú trọng tuyên truyền, thông tin kịp thời về điểm đến an toàn cho du khách; tiếp tục có giải pháp phòng chống dịch hiệu quả thu hút du khách quốc tế từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng thời, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã ký với các địa phương (TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Nội…); khảo sát để hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên.

Thứ ba, triển khai chương trình kích cầu du lịch phục hồi du lịch địa phương sau dịch như tổ chức các sự kiện giới thiệu chương trình kích cầu du lịch Lâm Đồng 2022; hoàn thiện cập nhật website và các ấn phẩm quảng bá…

Sở luôn theo dõi kỹ lưỡng tình hình dịch bệnh trên cả nước cũng như quốc tế để có thể đưa ra những nhận định cho thời gian tới. Tuy nhiên kiểm soát dịch bệnh còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố nên du lịch Lâm Đồng sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá rồi mới xây dựng kịch bản cụ thể.

Nhiều khách sạn ở Đà Lạt đóng cửa nhiều tháng nay.

Nhiều khách sạn ở Đà Lạt đóng cửa nhiều tháng nay.

Một trong những ưu tiên của du lịch Lâm Đồng là kích cầu du lịch nội địa, du lịch tại chỗ, bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Sau khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 cơ bản được kiểm soát, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, ngành du lịch Lâm Đồng cũng xây dựng chương trình kích cầu du lịch tại chỗ “Người địa phương đi du lịch địa phương”.

Chúng tôi sẽ tham mưu quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch, như: Cụm TP Đà Lạt và vùng phụ cận (TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương và Lâm Hà); TP Bảo Lộc và vùng phụ cận (TP Bảo Lộc, huyện Di Linh và Bảo Lâm); các huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên).

Bên cạnh đó sẽ quy hoạch các tuyến du lịch nội vùng từ Đà Lạt đi TP Bảo Lộc và các huyện; tuyến liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ - vùng TP HCM - vùng ĐBSCL - các tỉnh phía Bắc và tuyến du lịch Quốc gia - Quốc tế.

Sở cũng sẽ tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng lấy chất lượng làm trọng tâm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, tuyên truyền quảng bá.

Xin cảm ơn bà!

Ngành du lịch Đà Lạt đang “ốm nặng”

Ghi nhận từ trang thông tin bất động sản Homedy, tin đăng rao bán khách sạn Đà Lạt trong 2 tháng gần đây tăng đáng kể. Trước ảnh hưởng nặng nề từ 4 lần bùng phát dịch COVID-19, ngành du lịch Đà Lạt “ốm nặng” khiến nhiều khách sạn phải đóng cửa và rao bán.

Từ cuối tháng 6/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng hầu hết các dịch vụ, hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động thể thao và thể dục ngoài trời tại địa phương. Theo Sở VHTT&DL, đến nay, đã có gần 1.000 khách sạn, 7 khu du lịch ở TP Đà Lạt tạm dừng hoạt động. Nếu như trong tháng 6, các khách sạn còn đạt công suất lưu trú từ 6 - 7% thì đến nay toàn bộ các khách sạn ở Đà Lạt đã đóng cửa.

Từ nỗ lực cắt giảm nhân viên nhằm tiết kiệm chi phí cho đến việc tạm ngừng hoạt động chờ dịch COVID-19 lắng xuống, nhiều cơ sở kinh doanh khách sạn Đà Lạt đến nay đã dần kiệt quệ. “Thành phố ngàn hoa” vốn là điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng cả nước giờ lại dễ dàng bắt gặp tấm biển “bán khách sạn Đà Lạt”, “cho thuê mặt bằng Đà Lạt” với đủ quy mô mức giá.

Theo nhận định, có hai nhóm sở hữu khách sạn Đà Lạt. Một là các chủ đầu tư có nguồn tài chính dồi dào vững mạnh; có một hoặc nhiều khách sạn, chịu áp lực không quá lớn về dòng tiền. Ở giai đoạn khủng hoảng do dịch, họ chọn cách tạm thời đóng cửa khách sạn để giảm thiểu chi phí, sẵn sàng quay lại hoạt động khi tình hình dịch lắng xuống. Nhóm thứ hai là chủ đầu tư vay nợ để mua, xây dựng và kinh doanh cho thuê khách sạn; chịu sức ép cực lớn về tài chính khi hoạt động bán phòng ngưng trệ, không có nguồn thu; hầu hết có nhu cầu bán gấp để thanh lý tài sản, trả nợ ngân hàng, hạn chế lỗ nặng nhất có thể.

Đọc thêm