Ở phụ nữ, bệnh tim mạch phát triển muộn hơn một chút so với nam giới và tiến triển nặng hơn: các chỉ số huyết áp tối đa và tối thiểu đều cao hơn, biểu hiện lâm sàng của bệnh rầm rộ và trầm trọng hơn. Tăng huyết áp (THA) ở phụ nữ cao tuổi cũng thường kèm theo các bệnh như đái tháo đường, thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, bệnh lý về gan, thận... làm cho việc điều trị THA ở họ có hiệu quả thấp. Ngoài ra, phụ nữ có tuổi bị THA thường có nguy cơ cao bị các rối loạn về mạch máu, tăng kích thước thành tim, tai biến mạch máu não và suy tim.
Suy giảm hormon giới tính là một nguyên nhân chính gây ra THA và các bệnh lý tim mạch
Ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol trong máu, bảo vệ thành mạch và tim. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể. Thay đổi trạng thái hormon dẫn đến tăng trương lực của hệ thần kinh giao cảm (thuộc hệ thần kinh thực vật). Trong giai đoạn tiền mãn kinh, tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm được biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng như: các cơn bốc hoả, ra mồ hôi, có thể kèm rét run, rối loạn giấc ngủ, dễ thay đổi tâm trạng (dễ cáu bực vô cớ...) và thường xuất hiện đánh trống ngực. Chính vì vậy ở giai đoạn này, nhiều phụ nữ có huyết áp tăng cao, mà trước đó huyết áp bình thường hay thậm chí còn thấp.
Người cao tuổi nên tăng số bữa cá trong tuần. |
Tăng cường hoạt động của hệ thần kinh giao cảm làm tăng cảm giác ăn ngon miệng, họ ăn nhiều hơn và tăng cân rất nhanh. Ăn nhiều thức ăn làm cơ thể tăng cường tiết ra hormon insulin để hấp thụ chất bột đường và chất béo, tích luỹ chúng ở mô mỡ, làm cho tốc độ tăng cân rất nhanh. Ngoài ra, hàm lượng insulin tăng cao lại làm giảm huy động đốt cháy mỡ để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể, quá trình tăng cân diễn ra càng nhanh hơn.
Cùng với sự tăng cân, rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm là nguyên nhân chính gây THA. Hormon của hệ thần kinh giao cảm (adrenalin) gây co mạch, đặc biệt là các mạch máu nhỏ. Điều đó làm cho sự cung cấp máu đến các cơ quan và các tổ chức mô trở nên khó khăn và dòng máu lưu thông trong lòng mạch dưới áp lực lớn - gây THA.
Quá trình này diễn ra trong thời gian dài sẽ kéo theo các cơ chế khác làm trầm trọng thêm tình trạng THA - THA do thận, xuất hiện tình trạng giữ nước, mạch nhanh... Muộn hơn sẽ xuất hiện các biến chứng tim mạch, rối loạn chuyển hoá và rối loạn insulin dẫn đến xuất hiện tiểu đường týp 2.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu người ta thấy rằng, liệu pháp hormon thay thế không thể giúp phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của các bệnh lý tim mạch vì ở độ tuổi này, trong cơ thể phụ nữ, không những lượng hormon sinh dục bị giảm mà còn bị giảm cả tính nhạy cảm với các hormon này. Liệu pháp hormon thay thế chỉ được dùng với liều ngắn ngày nhằm loại bỏ các triệu chứng rầm rộ của tiền mãn kinh.
Phụ nữ chịu nhiều stress hơn nam giới
Ngoài các nguyên nhân nội tạng cơ thể, đặc thù bệnh tim mạch ở phụ nữ còn do các yếu tố về xã hội. Phụ nữ thường có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với đàn ông. Phái nữ ngày càng bị tác động bởi các stress do sự thay đổi vị trí xã hội của họ trong thời gian gần đây. Trạng thái stress trường diễn dẫn đến sự phá vỡ các cơ chế bảo vệ sức khỏe, đặc biệt gây nên các rối loạn tim mạch. Trong trạng thái stress: huyết áp và nhịp tim tăng cao, điều này tạo nên gánh nặng cho tim, tim phải làm việc căng thẳng hơn và tăng nguy cơ phát triển các quá trình bệnh lý. Trong trạng thái stress huyết áp động mạch tăng, những người thường xuyên bị tác động của các yếu tố stress sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh THA. Stress có ảnh hưởng lên thành phần hoá học của máu, làm tăng hàm lượng cholesterol, thúc đẩy phát triển xơ vữa động mạch. Khi đó, các động mạch vành tim bị hẹp lại, sự cung cấp máu cho cơ tim bị hạn chế, phát triển bệnh thiếu máu cơ tim.
Lựa chọn các biện pháp phòng bệnh khoa học
Giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không nên uống rượu bia, hút thuốc lá. Tập luyện thường xuyên với các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp vừa có tác dụng cải thiện chức năng tim mạch, vừa có tác dụng giảm cân do mỡ dự trữ trong cơ thể được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho cơ thể vận động.
Chế độ ăn uống phải hợp lý: đủ no, đủ chất, thức ăn đa dạng và đảm bảo vệ sinh. Hạn chế sử dụng muối ăn: không quá 5 - 6g/ngày. Không ăn thịt mỡ, da động vật, hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla. Tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn. Tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và axít béo không no Omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa. Axít béo không no Omega-3 có trong cá, đặc biệt là các loại cá biển (cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi).
Những phụ nữ đã bị mắc bệnh THA luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucose máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép (không vượt quá 140/90mmHg, kết hợp bị đái tháo đường thì không vượt quá 130/90mmHg).
Học cách điều hòa cuộc sống để giảm nguy cơ bị tác động của stress.
Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống