Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (viết tắt là NĐ 41) là một bước tiến quan trọng trong chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy mà UBND thành phố đã có cuộc họp triển khai NĐ 41, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố. Sau một thời gian triển khai thực hiện trên địa bàn, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của nông dân vẫn có những khó khăn nhất định.
|
Nghị định 41 giúp người nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Nhìn lại hoạt động cho vay, có thể thấy rằng, trong thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần tạo ra bước phát triển vượt bậc của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, cơ cấu kinh tế ở nông thôn từng bước được chuyển dịch, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện. Chính sách tín dụng mới đã giúp khơi thông nguồn vốn, giúp nông dân thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải làm sao để ngày càng có nhiều người dân tiếp cận được với nguồn vốn này. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng (Agribank Đà Nẵng), hiện nay Agribank Đà Nẵng và Agribank Hải Châu đã triển khai cho vay theo NĐ 41 ở tất cả các quận, huyện, đặc biệt là ở huyện Hòa Vang, các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn…
Song, do sự cạnh tranh của các ngân hàng trên địa bàn nên việc huy động vốn vẫn là một thách thức, bởi theo NĐ 41, đây là nguồn vốn ngân hàng tự huy động. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai, mất mùa… nên chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vai trò của các cấp hội, đoàn thể và công tác hỗ trợ thông tin để người dân tiếp cận được nguồn vốn còn nhiều hạn chế, việc triển khai thực hiện ở các địa phương chưa thực sự đồng bộ. Sự phối hợp giữa ngành ngân hàng và chính quyền địa phương cũng như các ngành có liên quan chưa chặt chẽ nên việc triển khai nội dung NĐ 41 còn mang tính hình thức, chủ yếu do ngành ngân hàng thực hiện, kết quả cho vay theo NĐ 41 chưa nhiều, phần nào hạn chế tác động của cơ chế chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
|
Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, người dân có thêm vốn để mua máy móc, thiết bị sản xuất. |
Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang cho rằng, NĐ 41 đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm, như nhiều ngân hàng vẫn còn phân vân thế nào là trang trại, mô hình trang trại, vì thế, các cán bộ tín dụng rất khó xác định, để cho vay mức 500 triệu đồng như trong NĐ 41. Ngoài ra, nhu cầu vay của nông dân luôn quá lớn so với nguồn vốn được vay. Để vay được vốn theo NĐ 41, chủ trang trại chỉ được vay với một tổ chức tín dụng, chưa vay một dự án nào khác, và đặc biệt phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng trả nợ... dẫn tới việc tiếp cận vốn là rất khó khăn.
Theo lãnh đạo một ngân hàng, nguyên tắc khi cho vay dù không thế chấp cũng vẫn phải nắm chắc tài chính của người vay và khả năng trả nợ của họ. Bên cạnh đó, với yêu cầu người mua máy phải biết sử dụng máy, nhưng trên thực tế không phải nông dân nào cũng biết. Đặc biệt, hiện nay nông dân rất khó khi tiếp cận nguồn vốn vì họ không đủ khả năng đề ra một dự án khả thi thuyết phục đối với ngân hàng. Thêm vào đó, trong NĐ 41 có nêu nông dân có thể vay tín chấp nhưng phải nộp giấy chứng nhận sử dụng đất, vậy thì khác gì thế chấp.
Để góp phần khơi thông nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân vì đây là một trong những điều kiện để nông dân tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy mối liên kết giữa bốn nhà: Nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay nông nghiệp, nông thôn phải hướng dẫn cho khách hàng thủ tục vay đơn giản, rõ ràng, phù hợp với đối tượng khách hàng. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các hình thức huy động vốn, bảo đảm việc cung ứng dịch vụ ngân hàng và thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bài và ảnh: Phương Uyên