Thượng tá Trần Thanh Thảo, Giám thị Trại tạm giam Hòa Sơn, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, trong đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9-2010, Trại tạm giam đã đề nghị Chủ tịch nước đặc xá 34 trường hợp. Đây là những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt trong những năm chấp hành bản án.
|
|||
Sự nhiệt tình giúp đỡ của quản giáo đã giúp cho các phạm nhân cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. |
Một ngày thượng tuần tháng 8, chúng tôi đến thăm Trại tạm giam Hòa Sơn. Từ quốc lộ 1A, con đường dẫn vào trại dài gần 4km thoáng rộng. Những ngày tháng Tám này, mọi người rộn ràng, hân hoan với ngày lễ lớn của đất nước. Thượng tá Trần Thanh Thảo tâm sự: Cả trại đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám. Những phạm nhân được đặc xá lần này rất vui mừng vì sắp được trở về đời sống bình thường. Những người cán bộ chúng tôi thì hạnh phúc vì thấy những con người lầm lỗi mà mình đã ngày đêm uốn nắn, giáo dục được rời khỏi trại, về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.
Phạm nhân Đ.T.V (50 tuổi), trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê vào tù vì tội “Lưu hành giấy tờ có dấu giả” với mức án 5 năm. Sau khi vào tù, nhận thức được hành vi phạm pháp của mình, được sự giúp đỡ, sẻ chia của quản giáo, sự động viên của gia đình, chị V. đã phấn đấu cải tạo tốt. Có tên trong danh sách đặc xá đợt này, chị V. vui mừng và hạnh phúc. “Có nỗi đau, nỗi nhục nào hơn khi mang vào thân hai chữ phạm nhân.
Mình đã trốn chạy tất cả khi ngày ngày chỉ đối mặt với 4 bức tường. Còn gia đình, chồng con thì phải sống với bao tai tiếng. Cứ nghĩ đến điều đó thôi, tôi đã tự mắng nhiếc mình và vô cùng day dứt. Phải trả thật nhanh món nợ với pháp luật để còn “trả nợ” cho những người mình yêu thương, đó là điều đã thôi thúc tôi cố gắng phấn đấu cải tạo. Và, tôi đã đạt được ước nguyện!”. Niềm vui khi nghĩ về những ngày được tự do sau này, chị V. trở nên khác hẳn.
Chị như trẻ ra, vẻ mặt luôn tươi cười. Nhưng chị không giữ niềm vui cho riêng mình mà san sẻ với mọi người, an ủi với những người chưa được xét chọn trong đợt này và động viên họ tiếp tục phấn đấu. Chị V nói: “Chỉ vì đồng tiền đã làm cho tôi mờ mắt nên phải vào “khám”. Trong những tháng ngày ngồi tù, tôi đã nhận ra lỗi lầm và hiểu nỗi buồn đau của những người thương yêu mình. Được sự động viên, dìu dắt của quản giáo, sự động viên của con cái, hơn 3 năm trong trại, tôi chưa bao giờ vi phạm một quy định nào. Bất cứ việc gì quản giáo giao tôi đều làm tốt.
Vì vậy tôi đã được cán bộ quản giáo đề nghị lãnh đạo trại xét đặc xá trước thời hạn. Tôi mong muốn những phạm nhân ở đây cũng mau chóng được đoàn tụ cùng gia đình như tôi”. Thượng sĩ Lê Thị Hải Quỳnh, quản giáo tại phân trại nữ cho biết: Ở phân trại có 2 phạm nhân đang chấp hành án, còn lại đa số can phạm đang trong quá trình tạm giam. Trường hợp phạm nhân V. được đặc xá dịp này là kết quả cố gắng cải tạo trong những năm chấp hành án.
Đứng trước mặt tôi là phạm nhân Lê Tấn M. (47 tuổi), trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Anh kể về hoàn cảnh đưa đẩy mình vào tù với giọng chậm rãi: Vào một ngày đầu tháng 9-2008, khi đang lái xe khách chạy từ Đà Nẵng ra Đông Hà (Quảng Trị) để sang Lào, đến địa phận huyện Cam Lộ (Quảng Trị), bất ngờ có 3 thanh niên đi trên một xe máy không đội mũ bảo hiểm chạy ngược chiều với tốc độ cao đâm thẳng vào xe anh.
Để tránh gây tai nạn cho 3 thanh niên, anh đã lách sang bên lề, không may đụng phải một cháu bé khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ. Để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra và mau trở về với vợ con, anh đã phấn đấu miệt mài. Hằng năm, cứ đến ngày chuẩn bị đặc xá, khi cán bộ Trại tạm giam dán các tiêu chí được xét đặc xá, anh xem xét kỹ để phấn đấu. Qua nhiều lần đặc xá, anh chưa đủ tiêu chuẩn nhưng không bao giờ nản lòng. Sự kiên trì hướng thiện đó đã được đền đáp khi đợt đặc xá sắp tới, anh có tên trong danh sách.
Tâm sự với tôi, anh nói: Được xét đặc xá dịp này, tôi vô cùng vui mừng. Ngày nào cũng mong cho thời gian trôi thật nhanh để được về với vợ con. Anh nghĩ đến ngày hôm đó mà khuôn mặt hớn hở hẳn lên: Hồi hộp lắm anh à! Tưởng tượng đến ngày đó, vợ và con đến ngoài cổng chờ chồng, chờ bố trở về đoàn tụ, giống như mình được sinh lại một lần nữa!
Phạm nhân Phạm Viết D. (SN 1982), trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cũng thấm thía nỗi đau trong những năm tháng ở trong tù. Phấn đấu trở thành người lương thiện, được sự giúp đỡ của quản giáo nên D. đã phấn đấu cải tạo tốt. D. không bao giờ vi phạm những quy định, nội quy của trại. Vì vậy mà D. đã được nhiều phạm nhân cảm tình, được lãnh đạo trại xét đề nghị đặc xá. Khi hỏi về tương lai của mình, D. cho biết: “Em chờ đến ngày được lãnh đạo trại công bố quyết định đặc xá. Khi ấy em sẽ làm lại cuộc đời của mình, gắng tu tỉnh để làm ăn, sinh sống nuôi gia đình”. Đó cũng là tâm sự của nhiều phạm nhân được đặc xá khi được chúng tôi hỏi đến.
Chỉ còn mấy ngày nữa là diễn ra đợt đặc xá mừng Quốc khánh 2-9, hàng nghìn phạm nhân trên cả nước đang hồi hộp chờ đợi người thân đến đón trở về với đời thường, về với gia đình, làm lại cuộc đời. Những phạm nhân Trại tạm giam Hòa Sơn được đặc xá lần này đã thấy rõ tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với những người lầm lỡ...
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ