Ngày 16/3/2012, Đoàn Luật sư (LS) tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 183/QĐ-ĐLS (Nghị quyết Đại hội tổng kết năm 2011). Tại Khoản 5 của Nghị quyết có thống nhất tăng mức phí thành viên từ 170.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/ tháng; tăng mức phí đăng ký tập sự từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng; tăng mức phí gia nhập Đoàn LS từ 2.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng.
Việc tăng các mức phí được thực hiện kể từ tháng 4/2012. Quy định tăng các mức phí tại Khoản 5 Quyết định 183/QĐ-ĐLS ngày 16/3/2012 của Đoàn LS Ninh Thuận đã sửa đổi Khoản 1, 2, 3 Điều 20 Điều lệ Đoàn LS Ninh Thuận đã được phê duyệt kèm theo Quyết định số 313/QĐ-UBND ngày 05/10/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Điều lệ Đoàn LS Ninh Thuận 2009).
|
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 63, Điểm g Khoản 2 Điều 63 Luật LS: phí thành viên, phí gia nhập Đoàn LS phải được quy định trong Điều lệ Đoàn LS, Điều lệ Đoàn LS do Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu LS thông qua và chỉ có hiệu lực kể từ ngày UBND tỉnh phê duyệt (Khoản 3 Điều 63 Luật LS, Điều 41 Điều lệ Đoàn LS Ninh Thuận 2009).
Theo Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật LS về tổ chức xã hội- nghề nghiệp của LS (gọi tắt là Nghị định số 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ) quy định: “Khi có sự sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ Đoàn LS thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ sửa đổi, bổ sung được thông qua, Ban Chủ nhiệm Đoàn LS gửi Sở Tư pháp văn bản đề nghị kèm theo Điều lệ sửa đổi, bổ sung, biên bản thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung, Nghị quyết Đại hội. Việc phê duyệt Điều lệ sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định của Điều này. Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 131/2008/NĐ-CP quy định: Điều lệ Đoàn LS có hiệu lực kể từ ngày được phê duyệt”.
Thực tế, kể từ sau ngày 16/3/2012 đến nay, Đoàn LS Ninh Thuận không thực hiện các thủ tục tiếp theo sau khi kết thúc Đại hội toàn thể Đoàn LS theo Khoản 5 Điều 10 Nghị định 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, nội dung làm sửa đổi Điều lệ này chưa được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ theo trình tự phê duyệt Điều lệ Đoàn LS được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Theo các quy định viện dẫn nêu trên thì Khoản 5 Quyết định 183/QĐ-ĐLS ngày 16/3/2012 của Đoàn LS Ninh Thuận chưa có hiệu lực thi hành.
Việc Chủ nhiệm Đoàn LS không tuân theo quy định của pháp luật, thu tăng các mức phí của người đăng ký tập sự hành nghề LS, người gia nhập Đoàn LS, thu tăng phí thành viên trái với Điều 20 Điều lệ Đoàn LS 2009 đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, vi phạm Luật LS và Nghị định 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đã được Đoàn kiểm tra Sở Tư pháp phát hiện và kiến nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn LS đình chỉ thi hành việc thu tăng mức phí đồng thời yêu cầu hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 Nghị định 131/2008/NĐ-CP trình UBND tỉnh phê duyệt sửa đổi bổ sung Điều lệ.
Tuy nhiên, Đoàn LS vẫn tiếp tục thu tăng các mức phí, việc này đã gây thắc mắc ngay trong các LS thành viên và người gia nhập Đoàn LS, người đăng ký tập sự hành nghề LS.
Công văn “trái” với Nghị định của Liên đoàn LS Việt Nam
Ngày 28/12/2012, một LS thành viên của Đoàn LS Ninh Thuận đã có văn bản hỏi Liên đoàn LS Việt Nam và yêu cầu Liên đoàn LS Việt Nam về vấn đề này. Ngày 14/01/2013, Liên đoàn LS Việt Nam có Công văn số 04/LĐLSVN trả lời về việc tăng các mức phí của Đoàn LS Ninh Thuận và khẳng định: ... Đại hội Đoàn LS tỉnh Ninh Thuận ra Nghị quyết tăng các mức phí nêu trên và Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay là không trái pháp luật, phù hợp với Điều lệ Liên đoàn LS.
Như vậy, Công văn số 04/LĐLSVN ngày 14/01/2013 của Liên đoàn LS Việt Nam đã “sửa” Khoản 5 Điều 10 Nghị định 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ và phủ nhận trình tự, thủ tục và thẩm quyền phê duyệt, thời hạn hiệu lực của bản Điều lệ Đoàn LS quy định tại Khoản 1, 2, 6 Điều 10 Nghị định 131/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
Xem ra Nghị định 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật LS về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS đã “thua” Công văn của Liên đoàn LS Việt Nam. Nhiều LS lo ngại đây có thể là “tiền lệ” xấu trong hoạt động “tự quản” của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS.
Hoàng Ấn