Nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường từ thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài tác hại đối với sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, thuốc lá cũng là một tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những hiểm họa môi trường từ điếu thuốc lại không dễ nhận thấy.
Ước tính mỗi năm có 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra môi trường.
Ước tính mỗi năm có 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra môi trường.

Tác nhân “đầu độc” môi trường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Theo báo cáo “Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta” của tổ chức này chỉ rõ, một điếu thuốc khi cháy tạo ra hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có rất nhiều chất độc hại với con người và môi trường. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng.

Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng trở thành rác thải, ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá, tương đương khoảng 766 nghìn tấn) thải ra ngoài môi trường. Đầu lọc thuốc lá có thể thấy ở khắp nơi, từ đường phố, cơ quan, điểm du lịch cho đến các khu rừng, bãi biển, sông, hồ, vừa ảnh hưởng đến mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các loài sinh vật.

Một hiểm họa không dễ thấy từ thuốc lá được WHO chỉ ra là trồng cây thuốc lá cũng góp phần gây nên nạn phá rừng. Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá. Như vậy, ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng nước, gỗ và thuốc trừ sâu nhiều hơn hầu hết các loại cây trồng khác. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,5 triệu ha đất bị xòi mòn do hoạt động trồng cây thuốc lá. Lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 20% lượng khí carbon mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Chưa kể, trong nhiều năm nay, thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến. Tại Việt Nam, một số lượng lớn thuốc lá điện tử là sản phẩm dùng một lần, việc gia tăng tiêu thụ sản phẩm này cũng làm gia tăng vấn nạn ô nhiễm nhựa ngày càng nhức nhối ở nước ta. Thuốc lá điện tử còn là rác thải điện tử và cũng chứa nhiều hóa chất độc hại.

Từ bỏ thuốc lá vì trái đất

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều quốc gia đã có động thái quyết liệt nhằm xóa bỏ thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc. Còn tại Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong những năm qua.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ lệ nam giới hút thuốc đã giảm từ 45,3% vào năm 2015 xuống 42,3% vào năm 2020. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Các cơ quan chức năng đã tiên phong trong việc đưa ra các kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá; ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực về việc tổ chức triển khai, thực thi nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá... Mới nhất là Quyết định số 1584/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2021 – 2022.

Trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể như: 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu biết về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; 100% các đơn vị trực thuộc Bộ tiến hành xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá; đến hết năm 2022 30 – 50% người hút thuốc từ bỏ sử dụng các sản phẩm thuốc lá... Nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã thành công áp dụng các sáng kiến trong đơn vị như “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “Học đường không khói thuốc”…

Tín hiệu đáng mừng từ “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” (25-31/5) vừa qua là rất nhiều phong trào “nói không” với thuốc lá đã lan tỏa đến nhiều công ty, trường học, bệnh viện và cơ sở y tế, cũng như các tuyến xe buýt, nhà ga, bến tàu, khu vui chơi,… xây dựng môi trường không khói thuốc. Những hành động này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh vấn nạn ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp. Cũng chính vì thế, chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay là “Thuốc lá: Mối đe dọa với môi trường của chúng ta”.

Dù tình trạng sử dụng thuốc lá có xu hướng giảm nhưng số lượng người hút thuốc lá vẫn rất lớn. Chưa kể phong trào hút thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến với giới trẻ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện trạng đó đặt ra thách thức, yêu cầu cấp bách cho các quốc gia cần phải có hành động quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá, giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường. Việc này cũng cần đến sự chung tay của toàn xã hội trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng một môi trường trong lành, không khói thuốc.

Đọc thêm