Nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn của 25 năm thực hiện đường lối Đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong các văn kiện Đại hội Đảng XI  thể hiện rõ nét, sâu sắc sự phát triển tư duy lý luận, quyết tâm chính trị và năng lực tổ chức của Đảng trong thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện đất nước.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một nội dung quan trọng trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng  Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn của 25 năm thực hiện đường lối Đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong các văn kiện Đại hội Đảng XI  thể hiện rõ nét, sâu sắc sự phát triển tư duy lý luận, quyết tâm chính trị và năng lực tổ chức của Đảng trong thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện đất nước.

Đảng Bộ Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XI.
Đảng Bộ Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, quán triệt triển khai nghị quyết Đại hội Đảng XI.

Xu hướng không thể đảo ngược

Lần đầu tiên, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đã được khẳng định là một xu hướng phát triển không thể đảo ngược, là một phương hướng phát triển ở cả tầm nhìn dài hạn (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trung hạn (Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011-2020) và ngắn hạn (Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011- 2015). 

Cũng lần đầu tiên, mô hình và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN được xác định trong mô hình tổng thể về xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng; các phương hướng, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN được thiết kế một cách khá bài bản đặt trong mối quan hệ biện chứng với các phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước quá độ lên CNXH; đáp ứng yêu cầu giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ..; không phiến diện cực đoan, duy ý chí nhưng cũng không chậm trễ, do dự, làm cản trở quá trình đổi mới tiến bộ.

Đổi mới tư duy và quy trình lập pháp

 Nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thời kỳ CNH, HĐH đất nước đòi hỏi thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ các cuộc cải cách trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp gắn với  việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chương trình tổng thể Cải cách hành chính 2011-2020. Trọng tâm của các cuộc cải cách giai đoạn này đều được xác định theo quan điểm: “Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm phục vụ tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và các khâu đột phá chiến lược. 

Để hoàn thành nhiệm vụ này, trước hết, cần đổi mới tư duy và quy trình lập pháp, đảm bảo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch với khâu đột phá là thể chế kinh tế thị trường và thể chế bộ máy nhà nước, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân. Yêu cầu là đến năm 2015 có đủ về cơ bản và đến năm 2020 hoàn thiện đồng bộ các đạo luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, văn hóa, bộ máy nhà nước, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế “bảo đảm khuôn khổ pháp lý để vận hành thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo công cụ nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý bằng pháp luật của Nhà nước pháp quyền đồng thời phát huy dân chủ XHCN, nâng cao hiệu quả  giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật”.

 Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thể chế hóa và thực hiện đầy đủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trên cơ sở đó xác định đúng vị trí, phân công một cách khoa học và hợp lý về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy nhà nước, đảm bảo 3 yêu cầu cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN: quyền lực nhà nước thật sự thuộc về nhân dân, hoạt động của nhà nước thật sự dân chủ, không cơ quan, cá nhân nào có thể lạm dụng, tha hóa quyền lực do nhân dân giao phó; Hiến pháp và luật phải giữ vị trí tối thượng trong hoạt động của Nhà nước và trong đời sống xã hội: cơ quan, công chức nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép và phải chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân, Nhà nước phải chăm lo, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tiến tới thực thi nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì luật không cấm; có cơ chế hữu hiệu để phát hiện và xử lý mọi vi phạm hiến pháp và pháp luật.

Ngành Tư pháp tham gia sâu rộng vào cải cách

Với hai chức năng cơ bản, đặc trưng và xuyên suốt là quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và quản lí nhà nước thống nhất về công tác tư pháp, Ngành Tư pháp được đặt vào vị trí đặc thù, với trách nhiệm lớn và nặng nề là tham gia sâu rộng vào việc thực hiện cả ba cuộc cải cách lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Quán triệt các quan điểm, định hướng, chủ trương, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cũng như những nhiệm vụ trọng tâm của các chiến lược trong lĩnh vực pháp  luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng XI là tiền đề quan trọng để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về những cơ hội và thách thức lớn lao đặt ra cho Ngành và mỗi tổ chức, mỗi cá nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Từ việc thực hiện các hoạt động vĩ mô như giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định chiến lược pháp luật, tư pháp của đất nước, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đến các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp như phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp như công chứng, chứng thực, đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề về quốc tịch, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm; đào tạo nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp..., Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế, tư pháp địa phương, các tổ chức nghề nghiệp luật đang và sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa từng bước mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ts. Dương Thanh Mai

(Chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp)

Đọc thêm