Chị Nguyễn Thị A. tìm đến tôi bởi vì thằng con trai của chị vừa bị Tòa án tỉnh Bến Tre tuyên phạt 12 năm tù giam về tội “Hiếp dâm trẻ”, mà nạn nhân là cháu gái tên Trần Thị Út – Cô bé láng giềng nhà ở gần bên ngăn cách bởi con mương nhỏ.
Thời điểm hai đứa làm chuyện người lớn, cháu Út chưa tròn 13 tuổi, còn con trai chị A. tên là Nguyễn Minh Hoàng vừa qua 16 tuổi.
Thật ra, đôi trẻ cũng chẳng phải yêu đương “thề sông hẹn núi” gì như bao cặp tình nhân khác. Chẳng qua mẹ Út thôi chồng, thường hay tiếp đàn ông tại nhà, còn mẹ Hoàng gánh chè bán dạo mỗi ngày để kiếm được vài chục ngàn đồng. Còn đâu thời gian dạy dỗ giáo dục con cái…
|
Hình chỉ mang tính minh họa |
Theo hồ sơ vụ án, nguyên nhân phạm tội do có lần Hoàng đi cắt cỏ cho bò ăn gần nhà trông thấy mẹ của Út ái ân với khách mà không đóng cửa, gợi nên dục vọng, Hoàng nảy sinh ý xấu với Út.
Trong khi lời khai của Út cho biết cũng thường xuyên thấy mẹ mình làm chuyện vợ chồng với bác, với chú nên khi mẹ Út vắng nhà, được Hoàng đến rủ rê hai đứa cùng nằm lên giường trước nhà tập làm chuyện người lớn, là Út đồng ý ngay.
Vài hôm sau, Hoàng tiếp tục quan hệ lần thứ hai, tình cờ bà ngoại của Út ghé thăm con cháu nên phát hiện…
Sự việc lan truyền nhanh chóng trong ấp, xã. Sau cùng Công an huyện, rồi đến Công an tỉnh vào cuộc, trở thành vụ án nghiêm trọng không thể bưng bít, ém nhẹm như bao suy nghĩ thường tình của mọi người cho rằng tại mẹ Hoàng không biết lo lót, chạy chọt, bọn trẻ nó “yêu nhau” có ai hiếp ai đâu!
Sau khi bản án sơ thẩm xét xử Hoàng 12 năm tù, chị A. tìm đến tôi. Thoạt đầu chị kháng cáo kêu oan, nhưng sau khi được tôi giải thích, chị đã thay đổi suy nghĩ và còn đồng ý nhờ tôi bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho Hoàng, trong khi mức hình phạt theo Khoản 4 Điều 112a thời điểm 1997-2000 thấp nhất là 12 năm tù.
Tòa sơ thẩm đã áp dụng Chương bảy - Bộ luật Hình sự tuyên phạt 12 năm tù đối với Hoàng, do Hoàng là người chưa đủ tuổi thành niên phạm tội, tuy nặng nề nhưng là mức thấp nhất rồi.
Mặc dù tôi đã rào đón giải thích khá kỹ cho chị A. hiểu việc vận dụng điều luật và mức lượng hình là chuẩn mực mang tính có lợi nhiều cho bị cáo rồi, khó mà xin giảm nhẹ được nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời phần vì tình đồng hương, phần vì bản tính nghề nghiệp.
Hôm trước khi xét xử phúc thẩm, ngoài việc trả tiền thỏa thuận theo hợp đồng, chị A. còn mang lên cho tôi cặp vịt xiêm, đến tận văn phòng nơi mà tôi hợp tác với các Luật sư đồng nghiệp…
Tôi chân thành cảm ơn quà biếu của chị và hỏi chị đi thăm nuôi có gặp mặt Hoàng và có nói những lời như tôi đã dặn dò, có truy tìm được tờ khai sinh nào khác nhằm chứng minh Út có tuổi lớn hơn hay không?
Tuy nhiên tất cả các yêu cầu hướng dẫn của tôi đều vô vọng. Chị A. không chú tâm lắm, chị chỉ nhắc đi nhắc lại, dèm pha tư cách yếu kém của mẹ bé Út và tỏ ra xót xa về đứa con mình - tuổi đang lớn còn đi học mà vướng vòng lao lý, tù tội, trong khi chị phải tảo tần đi rao bán từng gánh chè nuôi con, lấy tiền đâu ra để thăm nuôi ròng rã 12 năm trời…
Nghe vậy, tôi an ủi, giải thích về quy định của pháp luật vẫn còn cơ hội xét giảm án nếu như chấp hành tốt hình phạt trong quá trình thi hành án. Nhân tiện cao hứng, tôi biếu luôn cặp vịt xiêm cho hai Luật sư đồng nghiệp, rồi chở chị A. về nhà tôi nghỉ ngơi cho đỡ mất tiền trọ, chờ hôm sau cùng ra Tòa phúc thẩm.
Kết quả, Hội đồng xét xử y án đúng như tôi dự đoán. Trông Hoàng thật tội nghiệp, nó ngây ngô bé bỏng như bao thằng bé mới lớn ở thôn quê, nó không giống như các tên tội phạm khác mà tôi đã từng bào chữa.
Tôi lấy làm tiếc và ấm ức về khung hình phạt nghiệt ngã máy móc lúc bấy giờ. Còn Chị A. buồn bã đau khổ, bỗng nhiên cơn bệnh chợt đến làm chị đi không nổi, tôi phải nhờ người “cạo gió” ngay trong sân Tòa, hơn tiếng đồng hồ sau mới dám chở thẳng ra xa cảng miền Tây để chị A. về nhà.
Tưởng đâu câu chuyện giữa tôi và chị A. đã kết thúc. Nào ngờ khi tôi về đến nhà, con tôi tuy còn nhỏ tuổi nhưng nó tự thấy xót xa ray rứt nên trách móc tôi sao không đem cặp vịt xiêm về mà “vô tâm” biếu cho người khác trước mặt chị A. làm chị buồn.
Chị còn dặn con tôi không được nói lại với tôi, bởi vì trước khi đi thành phố, ngoài số tiền “vay đứng vay ngồi” trả cho tôi, chị còn mua thiếu cặp vịt xiêm với giá một trăm ngàn của người bà con, vậy mà Luật sư thản nhiên tặng cho người khác.
Lúc này tôi mới thấm thía, tôi nghĩ với hơn hai triệu đồng chi phí cho Luật sư, có lẽ chị A. phải buôn gánh bán bưng ròng rã cả năm trời, còn đối với Hoàng số tiền ấy có lẽ dùng để thăm nuôi cũng được vài năm.
Cặp vịt xiêm thành tâm chỉ thêm “oằn vai, nặng gánh” của chị A. đã bị tôi đánh đổi bằng sự vô tâm hời hợt. Chính bản thân tôi đã góp phần tăng thêm nỗi đau khổ cho chị. Thảo nào chị bỗng tâm bệnh đột xuất ngay sau phiên xử, tâm bệnh đến mức chị đi không nổi mà tôi vô tình không hiểu tại sao.
Thảo nào trong ánh mắt của người mẹ, vì đứa con trai mà chị đã nhiều lần nhìn tôi như muốn nói lời gì đó, có lẽ liên quan tiền bạc mà không nói được.
Giờ tôi tự nhủ lòng mình, tôi “thề” sẽ không sống vô tâm, vô tính nữa, nếu bào chữa miễn phí được thì nên miễn phí chứ đừng “rào trước đón sau” với bất kỳ ai là thân chủ.
LS Trần Thị Ánh, Chi nhánh Công ty Luật Hợp Danh Liên Đoàn