Nỗi đắng cay mang tên “bồ hòn”

(PLVN) - Phải chăng “yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo” hay trong câu chuyện người chồng đòi vợ trả lại tiền ăn, tiền khám chữa bệnh để phục vụ sinh sản đang xôn xao dư luận thời gian gần đây còn cho thấy một khía cạnh khác nữa. Đó là cái tình giữa con người với con người đã và đang bị nhấn chìm trong “bể sâu” khủng hoảng đạo đức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả tiền mới lấy được giấy tờ tùy thân

Câu yêu cầu này đã được một người đàn ông từng là chồng nói với người phụ nữ từng là vợ. Họ là vợ chồng của nhau, không ai nghĩ sẽ có ngày đưa nhau ra tòa, sẽ có ngày giữa họ có một cái gọi là biên bản bàn giao với nội dung thể hiện người vợ phải “trả quà” cho người chồng mới có thể lấy lại một số giấy tờ tùy thân.

Đầu tháng 3/2021, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một biên bản được chia sẻ có nội dung: Vào tháng 12/2019 chị Phạm Thị T.H. 31 tuổi có xây dựng gia đình với anh Đỗ Ngọc H. 32 tuổi, trú xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Sau khi về chung sống với anh H. cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc như ý muốn, dẫn tới việc hai bên muốn chia tay. Anh H. còn giữ một số giấy tờ cá nhân của người vợ và yêu cầu phải hoàn trả các khoản tiền mới trả lại giấy tờ cá nhân.

Cụ thể, các khoản tiền anh H. nêu gồm tiền ăn hằng tháng (14 tháng) là 12 triệu đồng. Tiền đi khám chữa bệnh để phục vụ sinh sản và tiền đóng học của chị H. là 7 triệu đồng. Tiền đóng học phí của chị H. lần 2 là 5 triệu đồng. Tiền mừng cưới của anh H. là 13,3 triệu đồng và một chỉ vàng mẹ chồng tặng cho chị H. ngày cưới trị giá 5,6 triệu đồng. Tổng số tiền là 42,6 triệu đồng.

Theo nội dung biên bản, đến nay chị vợ đã chuyển cho anh H. số tiền nói trên, có đại diện thôn, chi hội phụ nữ, công an viên phụ trách thôn làm chứng, chứng kiến để chị H. lấy lại giấy tờ cá nhân.

Ngày 9/3/2021, sau khi sự việc được dư luận, chính quyền biết đến, chị H. trao đổi với truyền thông cho biết chị và chồng đã nói chuyện, chị nhận thấy hành động của mình xuất phát do nóng giận nên mới đưa sự việc lên mạng xã hội. Chồng chị cũng thừa nhận do nóng giận nên mới đòi tiền. Đến khi bình tĩnh lại thì cả hai mới nhận ra. Hiện vợ chồng chị muốn chia tay trong hòa bình.

Cũng theo chị H., người chồng hứa sẽ trả lại chị toàn bộ số tiền 42,6 triệu đồng nhưng đã nhiều ngày trôi qua, chị chưa nhận được, “Anh ta đã gặp và xin lỗi tôi. Anh ấy còn hứa sẽ trả lại tôi toàn bộ số tiền 42,6 triệu đồng, nhưng giờ mất hút rồi. Giờ tôi cũng chẳng quan tâm nữa, giấy tờ tôi cũng đã nhận lại được rồi. Tiền thì ai chẳng quý, nhưng rồi mình sẽ lại làm ra thôi” – chị H. cho biết.

Sững sờ và lên tiếng

Sững sờ - đó là tâm trạng của rất nhiều người và kể cả các cơ quan chính quyền khi biết đến câu chuyện này. Những tưởng câu hát tếu táo của giới trẻ “yêu anh đi anh không đòi quà/chia tay anh không đòi quà” để lên án những hiện tượng cá biệt đòi lại quà tặng khi giữa hai người đã cạn tình yêu, chỉ để cho vui. Ngờ đâu rằng, câu chuyện đó lại xảy ra giữa hai người lớn trưởng thành, chín chắn suy nghĩ và số tiền bị đòi lại ở đây cũng rất bi hài: tiền cơm vợ ăn trong thời gian hôn nhân; tiền vợ đi khám bệnh để chữa sinh sản… (!) 

Lên tiếng - rất nhiều cơ quan chức năng và cá nhân đã lên tiếng xung quanh vụ việc này. Ngày 5/3/2021, trao đổi với truyền thông, lãnh đạo UBND xã Quốc Tuấn, Kiến Xương, Thái Bình xác nhận có sự việc chồng đòi hơn 42 triệu đồng của vợ khi ly hôn thì mới trả lại giấy tờ tùy thân xảy ra trên địa bàn xã. “Việc lập biên bản bàn giao là chuyện riêng giữa anh H. và chị H., chính quyền địa phương không can thiệp, mà chỉ thực hiện các bước theo quy trình ly hôn thì tổ chức hòa giải trước, nếu hòa giải không thành thì hai người sẽ đưa nhau ra tòa làm thủ tục ly hôn” – lãnh đạo xã cho biết. 

Cũng liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Bình cho biết đã chỉ đạo Hội LHPN xã Bình Nguyên có báo cáo về sự việc. Theo báo cáo của Hội LHPN xã Bình Nguyên, thời gian gần đây vợ chồng chị Phạm Thị T.H. 31 tuổi, trú xã Bình Nguyên - hiện là giáo viên dạy trên địa bàn xã Quốc Tuấn) có xảy ra mẫu thuẫn, chị H. muốn chia tay thì chồng chị H. là anh Đỗ Ngọc H. đã yêu cầu chị H. phải trả lại số tiền như: Tiền ăn hàng tháng, tiền đi khám chữa bệnh, tiền mừng cưới, tiền đóng học phí của chị H. và tiền 1 chỉ vàng mẹ anh H. tặng. Tổng cộng chị H. phải nộp cho anh H. số tiền là 42,6 triệu đồng. Nếu chị H. không trả lại đủ số tiền này thì anh H. sẽ không trả lại những giấy tờ, bằng cấp liên quan đến việc giảng dạy của chị H.  

Lãnh đạo Hội LHPN huyện Kiến Xương cho biết đã chỉ đạo Hội LHPN xã Bình Nguyên và xã Quốc Tuấn, tiếp tục theo dõi diễn biến sự việc. “Hội LHPN xã Quốc Tuấn đã gặp gỡ và trao đổi với chị H. Tuy nhiên, chị H. bày tỏ mong muốn được tự giải quyết sự việc. Mặc dù vậy, Hội LHPN huyện Kiến Xương vẫn nắm bắt tình hình và sẵn sàng vào cuộc, lên tiếng bảo vệ nếu thấy quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ bị xâm phạm” - lãnh đạo Hội LHPN huyện Kiến Xương thông tin.

Ở góc độ luật sư, trao đổi với truyền thông, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận xét, đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình thì vợ chồng có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, quý trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Việc vay mượn, chi phí để thực hiện các nhu cầu tối thiểu thiết yếu như: ăn, mặc, ở, chữa bệnh là nghĩa vụ của chồng đối với vợ và của vợ đối với chồng. Pháp luật không cho phép đòi lại các khoản tiền liên quan đến các nhu cầu thiết yếu này. Nếu một bên đi vay mượn tiền để về trả tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền chữa bệnh do một bên làm ra thì bên kia không có nghĩa vụ phải trả lại. Thu nhập có được trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng, nếu chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu thì các bên không có quyền đòi lại.

Ông Cường cho biết, sau khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng. Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Những khoản tiền như nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ.

“Bởi vậy, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Pháp luật không cho phép khi ly hôn, một trong hai bên lại đòi tiền ăn trong quá trình sinh sống với nhau, tiền khám chữa bệnh, tiền học phí cũng là chi phí đã chi ra rồi, pháp luật cũng không cho phép đòi lại những khoản tiền này. Vì vậy, việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hội. Trong trường hợp có tranh chấp về việc chia tài sản chung vợ chồng thì hai bên có thể đưa sự việc đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác khiến người khác phải bàn giao tài sản cho mình một cách trái ý muốn” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Kết

Người xưa nói rằng “hết tình thì còn nghĩa”. Người nay lại bảo “tình đã hết thì nghĩa cũng không còn”. Ai đúng, ai sai khó mà phân xử. Chỉ biết rằng, trong hôn nhân, việc “giữa đường đứt gánh”, đổ vỡ là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu như cả hai người trong câu chuyện nói trên và những người trong nhiều câu chuyện khác nữa đều biết rằng dù không còn yêu nữa nhưng những gì anh ấy/cô ấy đã mang đến cho ta trong những năm tháng hôn nhân là quá lớn. Những gì anh ấy/cô ấy chịu đựng ta là quá nhiều thì ta chẳng thể bước ra đi đơn giản như là không còn gì. Nói cho cùng, cái tình khi đã không còn thì không trả được. Nhưng cái nghĩa, còn mãi, trả chẳng bao giờ là đủ... 

Đọc thêm