Nỗi đau khó giải tỏa của người vợ bị chồng thiêu hai con

Từ hôm Quyên ở trạm xá về, bà con làng xóm thường xuyên sang thăm và giúp gia đình “nói dối” hai đứa nhỏ còn sống để động viên cô... Sức khỏe người mẹ trẻ giờ đã khá hơn, cô vẫn tin rằng hai con mình còn sống và đang được sung sướng ở một nơi xa. Người thân của Quyên vẫn chưa biết sắp tới sẽ phải nói gì, làm gì để giúp cô đối diện với sự thật.

Vụ việc đã khép lại sau khi người cha và cũng là thủ phạm bị bỏng quá nặng nên tử vong, nhưng còn đó nỗi uất ức của người mẹ trẻ và sự oán trách chưa được giải tỏa giữa hai gia đình thông gia.

Ảnh cưới của vợ chồng Quyên và Hiến.

Sống nhờ “một nửa sự thật”

Một cảnh tượng xót xa đang diễn ra tại nhà ông Nguyễn Khắc Cương (SN 1962, thôn Hòa Nhất, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) tức ông ngoại của hai cháu bé bị cha tẩm xăng đốt trong ngày mùng 5 Tết vừa qua: Nguyễn Thị Quyên (SN 1991, mẹ của hai cháu bé)  nằm liệt trên giường, chăn đắp xộc xệch, khuôn mặt vô hồn và ánh mắt ngây dại.

Người mẹ tội nghiệp vẫn chưa biết mình đã vĩnh viễn mất hai đứa con sau vụ việc kinh hoàng vừa xảy ra.  

Trưa 14/2/2013 (mùng 5 Tết Quý Tỵ), khi chồng Quyên cầm dao nhọn kề vào cổ con để hăm dọa vợ, đôi tay của người cha đã bóp vào cổ con một cách thô bạo làm bé chảy máu miệng. Quyên thương con liền chạy ra hiệu thuốc đầu đường mua thuốc để tối về thoa.

Đang tất tưởi quay về nhà, Quyên nghe thấy bà con hai bên đường hét lên: “Làng nước ơi thằng Hiến nó đốt chết con nó rồi”. Cô quá bàng hoàng nên đã ngã quỵ và ngất xỉu bên lề đường.

Người dân đã đưa Quyên đi cấp cứu ở trạm xá thôn. Những người có mặt lúc đó kể lại, khi tỉnh dậy, người mẹ trẻ vừa khóc lóc vật vã vừa luôn miệng trách mình đã bỏ con ở lại để đi ra ngoài. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, Quyên cứ đưa tay đấm ngực, miệng lảm nhảm: “Biết thế, cứ ở nhà ăn đòn cũng được”.

Sau hai ngày truyền dịch cấp cứu, cô gái mới tỉnh táo phần nào. Câu nói đầu tiên là: “Các con của tôi đâu?. Chúng nó có làm sao không?”, sau đó cô tự tay giật tung hết các dây truyền nước khỏi người và đòi đi tìm con.

Cha của Quyên đã lường trước được sự việc nên dặn mọi người dù có buồn đau cũng cố “nuốt nước mắt vào trong” để nói với Quyên là hai cháu bé còn sống.

Vợ chồng ông phải vờ “vui vẻ” nói với con gái: “Hai cháu được Hội chữ thập đỏ cứu giúp, được đưa sang Mỹ để điều trị. Có một gia đình người nước ngoài hảo tâm thấy hai đứa xinh xắn dễ thương nên đã nhận nuôi đến năm 18 tuổi. Sang bên ấy chúng nó sẽ được sung sướng”.

Gia đình Quyên sợ sau khi đón nhận sự thật đau lòng thì con mình không còn thiết sống, biết đâu sẽ làm điều rồ dại.

Lúc đầu Quyên nhất định không tin, chỉ một mực gào khóc đòi chạy sang nhà chồng tìm con. Về sau ông Cương phải nhờ đến cả những người có uy tín trong thôn, nhờ họ khẳng định giúp là hai đứa trẻ thực sự còn sống để giúp trấn an con gái.

Quyên nửa tin nửa ngờ nhưng cũng không đủ sức để ngồi dậy, mỗi lần vùng vẫy đòi đi lại ngã rũ xuống vì kiệt quệ.

Gia đình cho biết, Quyên cứ khăng khăng đòi thu xếp đồ đạc sang Mỹ tìm con về, lắm lúc còn như người điên gào khóc thảm thiết đòi con.

Người nhà phải thay phiên nhau 24/24h túc trực bên giường sợ không may Quyên bỏ đi mất, nhỡ gặp ai biết chuyện, lỡ miệng nói ra sự thật thì không giữ được sự sống cho cô...

Nội, ngoại “gườm” nhau

Sau khi hai cháu bé tử vong, gia đình nhà Vũ Duy Hiến (SN 1985, xã Ngũ Đoan), chồng Quyên đã cho hỏa thiêu và cử hành tang lễ, nhưng trong đám ma ngày hôm ấy không có sự xuất hiện của gia đình họ hàng bên ngoại.

Người mẹ trẻ nhiều ngày sống trong trạng thái hoảng loạn vì không thấy con.

Nhà nội không cho nhà ngoại “bén mảng” sang. Nhiều lần ông bà thông gia hạ mình xin được thắp cho các cháu một nén hương nhưng phía bên kia nhất định không cho vào nhà. Nhà ngoại dù có thương xót cháu đến mấy cũng không làm gì được.

Theo hàng xóm, quan hệ giữa hai nhà thông gia trước nay chỉ là “bằng mặt mà không bằng lòng”. Khi sự việc xảy ra, nhà chồng Quyên "một hai" đổ lỗi cho bên thông gia xui con gái bắt nạt con trai họ, đẩy gia đình lâm vào bi kịch.

Làng xóm rủ nhau sang chia buồn với gia đình đều nhận được lời giải thích: “Vì cái con Quyên này nó bướng bỉnh, nói nhẹ không nghe nên thằng Hiến mới tức quá làm liều”.

Theo họ, nguyên nhân Hiến hành động như vậy do Quyên nhiều lần đòi bỏ 3 bố con sang Trung Quốc làm ăn, Hiến nhiều lần níu giữ vợ không được. Họ cũng trách hôm xảy ra sự việc, Quyên vẫn còn bỏ đi đâu không chịu về.

Một người hàng xóm đã tỏ vẻ bất bình: “Cái nhà bà này suốt ngày đặt điều đổ oan cho con dâu. Con nó chết, nó đã phát điên phát dại lên thế mà còn nói oan cho nó”.

Về phía gia đình Quyên, cứ nhắc đến nhà chồng của con gái là ông bà Cương lại bức xúc. Họ cho biết từ trước đến nay đã không ít lần phải nghe những lời buộc tội, chửi bới vô lý từ phía thông gia. Nín nhịn mãi không được, mỗi khi bực bội lắm muốn “nói chuyện” thì lại được dân làng và các cán bộ xã động viên: “Nhà mình sống như thế nào bà con đều biết, không nên lời qua tiếng lại”.

Thương con gái và cháu ngoại, mẹ của Quyên rời nhà lên tận Móng Cái làm phục vụ bàn thuê để gửi tiền về trả nợ cho con rể và các cháu. Nhưng bà cũng không biết việc làm của mình có được nhà thông gia biết tới hay không?.

Quyên từ nhỏ đã thiệt thòi vì nhà nghèo. Mười bảy tuổi lấy chồng, lấy xong mới phát hiện chồng có “máu đỏ đen” mê sát phạt cờ bạc, nợ nần chồng chất. Kết hôn sớm, có con sớm, hai đứa con lại cách nhau có hai tuổi, nhà đã nghèo khó lại thêm nheo nhóc do những khoản chơi bời của Hiến.

Gia đình hai bên nội ngoại đều làm nông nghiệp sống dựa vào vào ruộng lúa, cha mẹ Hiến cũng bất lực không thể giúp con trai trả nợ. Quyên vốn là công nhân sản xuất giày da, lương “ba cọc ba đồng” không đủ nuôi hai đứa con, lấy đâu ra tiền trả nợ cho chồng.

Khuyên nhủ nhau mãi không được, vợ chồng trẻ cãi vã tối ngày, làng xóm ai cũng biết Quyên nhiều lần bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” chỉ vì tiền.

Buồn khổ hơn là nàng dâu lại không được lòng mẹ chồng. Dân làng ở hai thôn Hòa Nhất và Tiền Anh đều từng nghe bà mẹ chồng kể tội nàng dâu, khi thì lười biếng, lúc thì đòi bỏ nhà ra đi…

Trong những phút tỉnh táo, Quyên nức nở khóc: “Chồng cờ bạc, con nhỏ đau ốm, nhà thì nghèo, tôi không đi làm thì lấy gì mà ăn. Hai đứa nhỏ như vậy tôi làm sao đi xa được mà họ (ý nói nhà chồng Quyên – PV) nói tôi đòi đi Trung Quốc làm ăn. Họ còn nói tôi “trốn việc quan đi ở chùa”, rồi có tình nhân bên ngoài”.

Mới chỉ lấy chồng được vài năm nhưng nhìn Quyên đã khác hẳn so với thời thiếu nữ. Cuộc hôn nhân cay nghiệt làm cho cô thôn nữ xinh xắn một thời thành một người phụ nữ héo mòn, xơ xác.

Từ hôm Quyên ở trạm xá về, bà con làng xóm thường xuyên sang thăm và giúp gia đình “nói dối” hai đứa nhỏ còn sống để động viên cô.

Mỗi lúc có người lạ đến, người nhà Quyên lại thì thào khẩn khoản nhờ khách đến cũng “nói giúp”. Tình trạng sức khỏe người mẹ trẻ giờ đã khá hơn, cô vẫn tin rằng hai con mình còn sống và đang được sung sướng ở một nơi xa. Người thân của Quyên vẫn chưa biết sắp tới sẽ phải nói gì, làm gì để giúp cô đối diện với sự thật. Điều đó còn đau đớn và đáng sợ hơn mọi lời đổ lỗi hay trách cứ mà cô đã từng chịu đựng trong suốt cuộc hôn nhân oan nghiệt.

Hải Linh

Đọc thêm