Nỗi đau tận cùng của người ở lại!

Lúc gây án thì lạnh lùng, hung hăng như thế, nhưng tại phiên tòa, khi mới chỉ nghe vị đại diện cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình, bị cáo Ngô Hồng Sơn đã chân run lẩy bẩy, mặt cắt không còn giọt máu rồi ngất lịm.  Trước tình cảnh ấy, mặc dù là người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là anh kiểm lâm viên bị Sơn sát hại - nhưng Luật sư đã ân cần lấy khăn lạnh và nước mát đưa cho Sơn lau mặt. Sau khi nghe Luật sư an ủi phân tích: “Đó mới chỉ là mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị, chứ Tòa chưa quyết mức án như thế”, nghe vậy, bị cáo mới bình tâm tỉnh lại, từ đó phiên tòa tiếp tục làm việc… 

Lúc gây án thì lạnh lùng, hung hăng như thế, nhưng tại phiên tòa, khi mới chỉ nghe vị đại diện cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình, bị cáo Ngô Hồng Sơn đã chân run lẩy bẩy, mặt cắt không còn giọt máu rồi ngất lịm.  

Trước tình cảnh ấy, mặc dù là người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại là anh kiểm lâm viên bị Sơn sát hại - nhưng Luật sư đã ân cần lấy khăn lạnh và nước mát đưa cho Sơn lau mặt. Sau khi nghe Luật sư an ủi phân tích: “Đó mới chỉ là mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị, chứ Tòa chưa quyết mức án như thế”, nghe vậy, bị cáo mới bình tâm tỉnh lại, từ đó phiên tòa tiếp tục làm việc… 

 Ngô Hồng Sơn tại phiên tòa
Ngô Hồng Sơn tại phiên tòa
 Hạnh phúc tan biến 
Anh Lê Văn Phượng, kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là một người đàn ông hiền lành, mẫu mực. Trong công việc, anh luôn mẫn cán, tận tình nên được anh em đồng đội quý mến. Trong gia đình, anh là một người chồng, người cha tốt, hết lòng yêu vợ thương con.
Anh Phượng kết hôn với chị Nguyễn Thị Thu Hường - một cô giáo tiểu học nhà ở thị trấn Đại Từ, kém anh 7 tuổi. Vợ chồng họ có với nhau hai đứa con thông minh và học giỏi, bé trai năm đó 14 tuổi, bé gái 9 tuổi. Chị Hường là một phụ nữ nền nã, duyên dáng, lại dạy bậc tiểu học nên tính tình chị rất dịu dàng, trẻ trung. Về chuyên môn giảng dạy trong trường tiểu học này, chị là cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh được phụ huynh tín nhiệm, đồng nghiệp quý trọng. Gia đình anh Phượng và chị Hường là một mẫu hình lý tưởng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, ước ao lúc bấy giờ.
Vào tối ngày 14/12/2009, gia đình anh chị tổ chức liên hoan để sáng mai chị Hường tham dự “Hội thi giáo viên tiểu học giỏi” cấp tỉnh. Sau bữa cơm gia đình đầm ấm đó, anh Phượng đèo vợ lên nhà chị gái vôï cũng là giáo viên để mượn tài liệu tham khảo chuẩn bị cho cuộc thi sáng ngày mai. Sau đó, anh Phượng trở về nhà tạm biệt vợ con, dặn các con gắng học bài xong thì đi ngủ sớm, còn anh  lên đường đi trực ca đêm.
Mấy chục năm trong vai trò của một kiểm lâm viên, anh Phượng và gia đình đã quá quen với những ca trực đêm, thế nhưng không hiểu sao hôm đó anh cứ quyến luyến, lấn bấn không muốn rời nhà. Ra đến cửa, anh còn hứa mai sẽ mở tiệc liên hoan chúc mừng “cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh” của gia đình. Còn chị Hường, phần vì hồi hộp lo lắng cho cuộc thi sáng ngày mai, một phần vì dự cảm thế nào nên chị trằn trọc mãi không sao ngủ được. Đến khoảng 1 giờ sáng hôm đó, chị nhận được điện thoại báo tin chồng chị bị cảm, đang cấp cứu ở bệnh viện. Chị vội lập cập nhờ người nhà đưa vào viện, đến nơi mới hay hung tin anh Phượng – chồng chị đã bị “lâm tặc” sát hại khi đang làm nhiệm vụ. 
Vụ trọng án gây chấn động dư luận tỉnh Thái Nguyên và cả nước, nhất là thời điểm chúng ta đang cao điểm chống tội phạm lâm tặc. Với sự hy sinh anh dũng của mình, anh Lê Văn Phượng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lúc đó trao tặng Huân chương dũng cảm.  
 Nỗi đau người ở lại

Sự ra đi của anh Phượng quá đột ngột khiến cho anh em đồng đội và gia đình nhỏ bé của anh dường như vẫn không tin vào sự thật nghiệt ngã đã xảy ra.  Người vợ trẻ mới ngoài 30 tuổi tưởng như hóa dại sau cái chết của chồng. Hai đứa con vốn thông minh, hiếu động như thế, giờ lại trở lên ngơ ngác, trầm lặng…

Thương cảm với hoàn cảnh của mẹ con chị, Phòng Giáo dục huyện Đại Từ đã đặc cách điều chuyển chị Hường về công tác tại một trường tiểu học gần nhà trong khi chị chưa hết thời gian phải tăng cường đi vùng sâu, vùng xa theo quy định chung của địa phương. Hạt kiểm lâm huyện Đại Từ nơi  anh Phượng công tác và Chi Cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng hết lòng an ủi, sẻ chia, giúp đỡ vợ con người đồng đội đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ bằng những quan tâm chân thành, thiết thực nhất. Tất cả mọi người đều những mong được chia sớt, được chung tay xoa dịu đi phần nào nỗi đau khổ, bất hạnh vừa ập xuống gia đình nhỏ của người kiểm lâm viên dũng cảm. 

Lực lượng kiểm lâm đang làm nhiệm vụ sau khi thu giữ tang vật (ảnh minh họa)
Lực lượng kiểm lâm đang làm nhiệm vụ sau khi thu giữ tang vật (ảnh minh họa)
Gần 8 tháng sau ngày anh Phượng bị “lâm tặc” sát hại, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án tại trụ sở UBND xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ - là địa bàn xảy ra vụ trọng án nói trên. Mới hơn 7 giờ sáng, hàng ngàn người dân địa phương đã tập trung đến trụ sở UBND xã để tận mắt chứng kiến kẻ thủ ác phải đền tội trước tòa. Cùng đến phiên tòa còn có các cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện và tỉnh Thái Nguyên nơi anh Phượng công tác và các thầy cô giáo đồng nghiệp của chị Hường.
Hôm đó, lực lượng công an được huy động tối đa để bảo vệ an ninh phiên tòa. Không ai cầm được nước mắt khi nhìn cảnh mẹ con chị Hường khóc ngất trong trang phục áo tang, ôm Huân chương Dũng cảm mà Chủ tịch Nước tặng thưởng cho sự hy sinh anh dũng của anh Phượng và di ảnh của nạn nhân đến phiên tòa. Ai cũng thương xót, động lòng trắc ẩn vì thấy chị Hường còn trẻ quá, hai đứa con còn nhỏ dại trước nỗi đau quá lớn. Chẳng biết đôi vai gầy yếu của thiếu phụ trẻ có gánh vác được hết những khó khăn vất vả của cuộc sống bộn bề lo toan và lắm nỗi đoạn trường?
Trước vành móng ngựa của phiên tòa lưu động, bị cáo Ngô Hồng Sơn không tỏ ra một chút ăn năn. Bị cáo lạnh lùng trình bày về hành vi phạm tội với giọng bình thản dửng dưng, lời khai tường tận đến từng chi tiết.
Bị cáo thừa nhận đêm 15/12/2009, Sơn điều khiển xe ô tô đến địa phận xã Phú Thịnh thì phát hiện xe U-oát của Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ đứng chặn, ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Mặc dù nhìn rõ cán bộ kiểm lâm bấm đèn pin, cầm cờ ra hiệu dừng đỗ để kiểm tra xe nhưng vì Sơn biết trên xe chở gỗ Nghiến trái phép, không giấy tờ, nếu bị bắt sẽ bị xử lý nên bị cáo đã chủ đích quyết định không dừng xe mà tông thẳng vào anh Lê Văn Phượng khiến nạn nhân ngã đập đầu xuống đường, bất tỉnh. Gây án xong, Sơn lái xe bỏ chạy, bình tĩnh đổ gỗ lậu xuống ven đường rồi rẽ về thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đến một ga-ra sửa xe, xoá dấu vết.
Khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình về tội “Giết người”, lúc này thái độ câng câng, ráo hoảnh của Ngô Hồng Sơn mới  biến mất. Thay vào đó, mặt bị cáo tái nhợt, cắt không còn giọt máu, chân tay run lẩy bẩy rồi lả đi…
Trước tình thế bất ngờ này, Hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa để sơ cứu, trấn an đối với bị cáo Sơn. Mặc dù là Luật sư bảo vệ người bị hại, nhưng tôi đã ân cần lấy khăn lạnh, nước mát đưa cho đồng chí cảnh sát dẫn giải lau mặt và cho bị cáo uống chút nước. Thấy bị cáo đã tỉnh lại đôi chút, tôi an ủi anh ta hãy bình tĩnh, đó mới chỉ là mức án đề nghị của cơ quan công tố, còn quyền quyết định thế nào là tùy thuộc vào phán quyết của Hội đồng xét xử. Nghe Luật sư nói thế, bị cáo mới có vẻ bình tâm trở lại để phiên tòa được tiếp tục làm việc. Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Sơn tỏ ra ân hận và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm án để bị cáo có cơ hội trở về giúp vợ nuôi cha già, ba đứa con còn nhỏ.
Tuy nhiên, Ngô Hồng Sơn đã phải trả giá cho hành vi phạm tội bằng chính mạng sống của mình – Hội đồng xét xử đã tuyên Sơn mức án tử hình. Sau đó bị cáo Sơn đã kháng cáo nhưng vẫn bị Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình về tội “Giết người”. Mức án nghiêm khắc trên được dư luận đồng tình, có lẽ cũng vợi bớt phần nào nỗi đau thương của gia đình nạn nhân và sự căm phẫn của dư luận. 
Tổ quốc đã ghi công anh
Thời điểm xét xử vụ án, nạn nhân Lê Văn Phượng mới được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương dũng cảm, nhưng vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng liệt sỹ. Một thời gian sau, với sự nỗ lực của chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của Báo Pháp luật Việt Nam, anh Lê Văn Phượng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liệt sĩ.
Hôm anh Phượng được truy tặng danh hiệu Anh hùng liệt sĩ và bằng Tổ quốc ghi công, chị Hường đã gọi điện báo cho Luật sư. Báo tin vui nhưng nghe giọng thân chủ trầm buồn, ngậm ngùi khiến Luật sư cũng  thấy cảm thương vô hạn. Nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai nhờ sự chung tay sẻ chia, xoa dịu của gia đình, xã hội và cả cộng đồng. Mong rằng mẹ con chị sẽ vượt qua được những ngày tháng chông chênh bằng nghị lực và tấm lòng nhân hậu.  

Luật sư Phạm Tuấn Chiêm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đọc thêm