Nỗi đau vợ người đàn ông chém chết cháu ngày làm ma con

“Tôi chỉ mong Nhà nước bắt ông ấy đi rồi thì chữa trị cho ông khỏi căn bệnh đó, cho ông khỏi đi hại người khác. Chứ gia đình nghèo quá, tiền không đủ mà mua thuốc chữa trị cho ông ấy được... Nói thật, ông mà về lại nhà thì tôi cũng bỏ đi, chứ tôi không dám sống ở đây nữa! Sợ lắm…”, vợ hung thủ chém cháu ruột nghẹn ngào nói.

Trong hai ngày tang lễ con gái, do mất ngủ và chấn động tâm lý, người cha lên cơn động kinh. Trong trạng thái bất bình thường, ông vác dao chặt vào quan tài con gái. Chuẩn bị đưa ma con gái, ông lên cơn động kinh, vác dao chém chết cháu ruột.

Chấn động tâm lý, người cha nổi điên

Trước khi xảy ra vụ án mạng, gia đình ông Phạm Đình Tâm (SN 1963, ngụ thôn Glan, thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai) và vợ Lê Thị Hương (SN 1964) mới mất con gái đầu sinh năm 1987 sau nhiều năm mắc bệnh suy tim nặng.

Nghe hung tin về cô bé xấu số, người cô ruột và con người chú ruột cô bé là Phạm Đình Quyết (SN 1995, ngụ xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vượt hàng ngàn km xa xôi, từ ngoài Bắc vào dự tang lễ. Chẳng ai ngờ, chuyến đi viếng đám ma này này đã trở thành chuyến đi định mệnh của chàng thanh niên 19 tuổi.

Trong căn nhà này, người đàn ông đã phát điên trong đám tang con gái, vác dao chém cháu ruột.

Người thân cho biết, ông Tâm vốn có tiền sử về bệnh động kinh từ lâu, mỗi khi lên cơn thì không làm chủ được bản thân. Năm năm trở lại đây, bệnh tình ông, cũng như con gái, ngày càng trở nặng. Thường hai ngày ông lại lên cơn một lần, lại la hét om sòm, rượt đuổi đánh vợ con.

Trước kia, có một lần ông đã mồi lửa đốt cháy chính nhà mình, bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý, anh Ralan Luých, trưởng thôn cho biết.

Suốt hai ngày tang lễ con gái, do mất ngủ và chấn động tâm lý, ông Tâm một lần nữa lại lên cơn động kinh. Trong trạng thái bất bình thường ấy, ông vác dao chặt lia lịa vào quan tài con gái. Lúc ấy, mọi người có mặt trong lễ tang cũng không ai dám xông vào ngăn cản vì sợ bị chém.

Rạng sáng 28/4, khi lễ đưa tang cô gái xấu số chuẩn bị cử hành, những người đang ngồi ngoài hiên, đột nhiên giật mình nghe thấy tiếng cửa kính bị vỡ, tiếng cửa phòng ngủ bên trong kêu sàn sạt như có ai đó giật mạnh. Một số người chạy vào, phát hiện thấy đứa cháu 19 tuổi của chủ nhà nằm bất động trên giường, bên cạnh là bác ruột đang vác dao chém lia lịa vào cánh cửa.

Được can ngăn, người đàn ông điên loạn dừng tay sau đó. Nạn nhân lập tức được đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá sâu và mất nhiều máu, tử vong.

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác, làm mất khả năng điều khiển hành vi, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Người phạm tội (khi còn đầy đủ năng lực hành vi) nhưng lại rơi vào tình trạng tâm thần trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thủ phạm ngay lập tức bị bắt giữ. Cảnh sát đang chờ kết quả trưng cầu giám định tâm thần để có hướng xử lý vụ án.

Vợ của hung thủ hai ngày sau vụ án vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lúc ấy tôi đang ngủ, nghe tiếng hét lên thì tỉnh dậy, thấy ông đang cầm con dao dính máu đứng trong phòng chặt chém vào cánh cửa, la hét “Cướp! Cướp!”. Trên giường ngủ, đứa cháu đã nằm bất tỉnh”.

Nỗi khổ 25 năm sống cùng người tâm thần

Vợ của hung thủ là người ôm nhiều nỗi khổ tâm. Nỗi đau mất con, nay chồng chất thêm nỗi đau mất cháu, nỗi đau chồng đi tù, rồi sự ân hận dằn vặt với họ hàng.

Bà khóc: “Giờ chẳng biết phải nói sao với chú ấy (ý nói em chồng - PV) nữa. Xác cháu Quyết đã được bên nội mai táng...”.

Hơn 20 năm qua, bà và các con đã luôn sống trong sự sợ hãi. Bà cho biết, chồng mình bị bệnh động kinh từ khi còn trẻ, nhưng ngày đó ít lên cơn như bây giờ. Lần nào cũng vậy, cứ lên cơn là ông lại la hét om sòm, quát tháo đuổi đánh vợ con.

“Mấy chục năm qua tôi khổ lắm, hết bị ông ấy quát tháo, hò hét, nói sảng tầm bậy tầm bạ, rồi đem đồ đạc ra đập phá. Cứ mỗi lần ông lớn tiếng, tôi và các con đều phải câm bặt. Bao nhiêu dao kéo, búa rìu, thứ gì làm bằng sắt là tôi đều phải giấu đi hết, kẻo khi lên cơn ông lại vác ra đuổi đánh mọi người. Hôm ấy nhà có đám, đồ đạc để lộn xộn nên ông ấy tìm ra dao, gây án mạng”, bà nói.

Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó quá, gia đình không có điều kiện điều trị lâu dài cho người bệnh.

Sống bên cạnh người chồng mắc bệnh, hơn 20 năm chịu đựng biết bao nhiêu nỗi khổ, nỗi đau như lặn vào gương mặt người vợ của hung thủ. Bà tâm sự, may mắn là những bà con hàng xóm thân thiết vẫn đến động viên an ủi, phần nào giúp bà nguôi ngoai.

Khi được hỏi về mong muốn, người vợ nghẹn ngào: “Tôi chỉ mong Nhà nước bắt ông ấy đi rồi thì chữa trị cho ông khỏi căn bệnh đó, cho ông khỏi đi hại người khác. Chứ gia đình nghèo quá, tiền không đủ mà mua thuốc chữa trị cho ông ấy được. Nếu chữa không lành, Nhà nước nên nhốt ông ấy lại, đừng thả về xã hội nữa, kẻo lại đi gây hại cho người khác. Nói thật, ông mà về lại nhà thì tôi cũng bỏ đi, chứ tôi không dám sống ở đây nữa! Sợ lắm…”.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm